Năm 2016 Khoa Du lịch – Đại học Huế trở thành đơn vị thứ 2 trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo bậc Thạc sĩ Du lịch với chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Là đơn vị đào tạo uy tín, chất lượng, đáp ứng được nhu cầu xã hội và phát triển của ngành du lịch. Trải qua 2 khóa tuyển sinh đang có gần 100 học viên đang theo học tại Khoa và dự kiến số lượng sẽ tăng nhanh ở khóa đào tạo thứ 3 trong năm 2018.
Chương trình Thạc sĩ Du lịch – chìa khóa nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch nước nhà.
Trong nền kinh tế thế giới hiện nay, Du lịch được đánh giá là ngành kinh tế dịch vụ có tốc độ phát triển nhanh nhất, sự hội nhập quốc tế về du lịch cao đang dẫn tới sự liên kết giữa các quốc gia được mở rộng tạo thành chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Để tránh tụt hậu và hưởng lợi nhiều hơn từ hội nhập, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có đội ngũ lao động du lịch đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Đây chính là thách thức lớn đối với lực lượng lao động du lịch hiện tại và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch của mỗi quốc gia. Nếu lực lượng lao động không được đào tạo bài bản, có chất lượng thì chẳng những mất đi cơ hội để hội nhập thị trường khu vực mà thậm chí còn “thua ngay trên sân nhà”
Những năm qua du lịch Việt Nam đang dần chứng tỏ được vị thế của mình trong nền kinh tế đất nước và khu vực, số lượng du khách quốc tế và nội địa không ngừng tăng, được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) thống kê và công bố Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới nhất đầu năm 2017. Đặc biệt, thống kê từ Tổng cục du lịch trong năm 2017 du lịch Việt Nam đã đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 73,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 510.900 tỷ đồng. Chính vì thế, với lượng khách du lịch tăng nhanh trong thời gian tới, theo dự báo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, đến năm 2020 nhu cầu lao động du lịch cả nước là 870 nghìn người, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2020 là 7,0%/năm với lượng tăng hàng năm là 50 nghìn người. Mặc dù vậy, nhìn chung lực lượng lao động du lịch nước ta còn mỏng về lực lượng, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt đội ngũ lao động có chất lượng cao. Chính vì thế, năm 2016 ngân hàng thế giới (WB) tổ chức xếp hạng chất lượng nhân lực du lịch đối với một số nước Châu Á, tính theo thang điểm 10, Việt Nam xếp thứ 11/12 nước châu Á chỉ đạt 3,79 điểm trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Ấn Độ là 5,76 điểm, Ma-lai-xi-a là 5,59 điểm, Thái-lan là 4,94 điểm.
Xuất phát từ thực tế trên, cùng với nhu cầu bức thiết về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chương trình đào tạo bậc Thạc sĩ Du lịch tại Khoa Du lịch – Đại học Huế đang đào tạo sẽ góp phần trang bị, tạo nên lực lượng làm du lịch có kiến thức, kỹ năng, thái độ, khả năng nghiên cứu khoa học, đạo đức nghề nghiệp đạt chuẩn trong nước và khu vực. Cụ thể:
Về Kiến thức về nghề nghiệp: Có kiến thức chuyên sâu về quản lý dịch vụ du lịch & lữ hành; có năng lực nghiên cứu độc lập, khả năng phân tích và phát hiện các vấn đề chung trong lãnh đạo và quản lý dịch vụ du lịch và lữ hành; có các kiến thức về lập kế hoạch, quản lý, đánh giá, tổ chức lãnh đạo, kiểm tra các kế hoạch, các chương trình dự án về dịch vụ du lịch và lữ hành.
Về kỹ năng: Có kỹ năng tư duy lý luận, phân tích và tổng hợp của học viên; có kỹ năng phân tích, phát hiện và xử lý các vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý dịch vụ du lịch & lữ hành; có kỹ năng lãnh đạo và năng lực làm việc độc lập trong các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý; có thể sử dụng tốt các công cụ tin học quản lý tiên tiến; có kỹ năng phân tích và ra quyết định, kỹ năng quản lý và tổ chức kinh doanh, lập kế hoạch, quản lý rủi ro, quản lý thay đổi trong các tổ chức và cơ quan từ cấp Trung ương đến địa phương liên quan lĩnh vực du lịch; có kỹ năng tốt trong giao tiếp và đàm phán.
Về năng lực nghiên cứu khoa học: Có năng lực nghiên cứu khoa học độc lập và tư duy sáng tạo; có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học độc lập; có thể tổ chức thực hiện chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến ở các địa phương và đơn vị du lịch; có thể tiếp tục tham gia học tiếp chương trình tiến sĩ.
Về đạo đức nghề nghiệp: Có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức tốt; có sức khỏe tốt; có tâm huyết và trách nhiệm nghề nghiệp cao, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng; đáp ứng được yêu cầu công tác cho mọi thành phần kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức kinh tế xã hội khác về lĩnhvực dịch vụ du lịch& lữ hành.
* Một số thông tin tuyển sinh đào tạo bậc Thạc sĩ Du lịch, chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành (Mã số 8810103) tại Khoa Du lịch – Đại học Huế năm 2018.
- Thời gian tuyển sinh: 2 lần/năm (tháng 4 và tháng 10 năm 2018)
- Đối tượng tuyển sinh: Tất cả đối tượng đã có bằng tốt nghiệp Đại học
- Chỉ tiêu đào tạo: 120 chỉ tiêu
- Thời gian đào tạo: 24 tháng
- Hệ đào tạo: Chính quy
- Thời gian học: Được bố trí phù hợp cho những cán bộ đi làm (thứ 7 và chủ nhật)
- Liên hệ nộp hồ sơ: 0234 3933411/ hoặc 0947.550.444, 0905.987.232 (Thầy Hoài)
- Nộp trực tiếp: Tổ Khoa học và Hợp tác quốc tế, Khoa Du lịch – Đại học Huế, 22 Lâm Hoằng, Phường Vỹ Dạ, Thành phố Huế
Tổ KH-HTQT, bộ phận SĐH
ThS. Lê Văn Hoài