Du lịch Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế và thương hiệu của mình. Đây là ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, có nhu cầu về lao động cao. Tuy nhiên, ngành đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực có chất lượng cao. Vì thế, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực phục vụ cho du lịch là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa quyết định cho sự tồn tại và phát triển của ngành Du lịch Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu, việc hội nhập ngày càng sâu của du lịch Việt Nam vào cộng đồng du lịch thế giới, trực tiếp thông qua các tổ chức du lịch như UNWTO (Tổ chức du lịch thế giới), PATA (Hiệp hội du lịch Châu Á – Thái Bình Dương) và mới đây là ASEANTA (Hiệp hội du lịch Đông Nam Á)…như là một xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập. Hiện nay, tổng số nguồn vốn đầu tư cho du lịch của các nước ASEAN cho Việt Nam ngày càng lớn, chiếm tỉ trọng cao hàng đầu trong khối ASEAN. Điều nay cho thấy du lịch Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế và thương hiệu của mình.
Để có được những thành tựu đó thì một trong những yếu tố mang tính quyết định hiện nay chính là nguồn nhân lực. Ngành Du lịch hiện đang là ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh vì vậy nhu cầu về lao động trong ngành Du lịch cũng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Ở nước ta hiện nay, có khá nhiều trường cao đẳng, đại học đào tạo du lịch nhưng nhìn chung chất lượng đào tạo nhân lực du lịch trên thực tế còn thấp, thiếu tính chuyên nghiệp, yếu về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và hạn chế kinh nghiệm thực tế. Có nhiều nguyên nhân của những yếu kém nêu trên, một trong các nguyên nhân chính là công tác đào tạo tại các trường còn non yếu, quy mô, chất lượng chưa đủ để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của xã hội. Liên kết đào tạo giữa 3 nhà (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) còn rời rạc, chưa chặt chẽ và kém hiệu quả.
Nhiều năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác huy động cộng đồng, các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của quốc tế cho phát triển nhân lực du lịch. Thành tựu đáng kể trong hoạt động đào tạo du lịch ở Việt Nam đó chính là việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thẩm định và cấp chứng chỉ nghề theo hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng 13 nghề du lịch (VTOS) dưới sự hỗ trợ của Cộng đồng Châu Âu.
Tuy nhiên, nhân lực ngành Du lịch vẫn còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện hơn. Một trong những lý do dẫn đến thực trạng đó chính là công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực Du lịch mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu song vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết. Bên cạnh những cơ hội và thuận lợi mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cho Viêt Nam trong đào tạo phát triển du lịch thì hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch ở nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Điều đáng kể đó là khó khăn trong đào tạo nhân lực du lịch đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Nhìn chung ngành Du lịch đang thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ rất lớn, nhất là nhân lực có trình độ tay nghề cao. Cho nên, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực phục vụ cho du lịch là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa quyết định cho sự tồn tại và phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Một số nhóm giải pháp cần tập trung nâng cao như:
1. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên
Phát triển đội ngũ giảng viên và đào tạo viên du lịch đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn về chất lượng để đáp ứng nhu cầu đào tạo, tăng quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cho các cơ sở đào tạo bằng nhiều hình thức, cả ở trong và ngoài nước; thu hút các nhà khoa học có trình độ, các doanh nhân, chuyên gia tham gia đào tạo; tiếp tục đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thẩm định viên, giám sát viên, đào tạo viên du lịch và sử dụng hiệu quả đội ngũ ngày trong đào tạo nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu của xã hội. Phối hợp với BGD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh đào tạo Sau đại học về Du lịch.
2. Hoàn thiện công tác lập kế hoạch, xây dựng chương trình đào tạo
Nhà trường cần xây dựng chương trình đào tạo cho từng chuyên ngành/nghề đào tạo theo hướng tăng cường thời lượng đào tạo kỹ năng. Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo cần phối hợp, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia du lịch nhằm nắm bắt được thông tin, kiến thức cập nhật của ngành để đưa vào chương trình đào tạo. Đồng thời thực hiện cải tiến chương trình thực tập theo hướng mở rộng phạm vi, mở rộng đối tác.
3. Đổi mới phương pháp tiếp cận học lý thuyết và thực hành của HSSV
Phương pháp đào tạo cũng cần phải thay đổi căn bản, hạn chế cách đào tạo truyền thống, nặng về lý thuyết, xa rời thực tế, dẫn đến sinh viên ra trường chậm làm quen với công việc. Chấm dứt cách giảng dạy thụ động, người học cần phải coi các kiến thức trong chương trình giáo trình là kiến thức du lịch chuẩn.
4. Đổi mới cơ chế, chính sách đào tạo
Để đảm bảo việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch thì cần phải có một cơ chế và chính sách đào tạo hợp lý, đặc biệt tập trng cho việc đào tạo dài hạn. Cơ chế, chính sách thoả đáng và hiệu quả sẽ gắn kết được Nhà trường và đơn vị sử dụng nhân lực với nhau. Nhà trường cũng cần phải có cơ chế, chính sách kích thích công bằng, tạo động lực phát triển. Điều đó có nghĩa là phải có sự đánh giá khách quan, đúng, kịp thời kể cả đối với CBGV và HSSV.
5. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học
Tăng cường nguồn lực cho Nhà trường bằng các nguồn chủ yếu như: Sử dụng hợp lý có hiệu quả các tài liệu giáo trình, CSVC, trang thiết bị kinh phí vật tư hiện có của trường phục vụ tốt cho đào tạo. Tăng cường huy động các nguồn lực kinh phí đầu tư của các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp du lịch, các nguồn hỗ trợ trong và ngoài nước. Tăng cường đầu tư theo hướng hiện đại hoá đồng bộ hoá các trang thiết bị dạy học, phòng thực hành, thư viện…, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề du lịch, đảm bảo yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xã hội.
6. Đổi mới phương pháp dạy học và công tác kiểm tra, đánh giá trong đào tạo
Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động của người học nhằm khuyến khích HSSV rèn luyện phương pháp tự học tập, tự rèn luyện, phát huy tính tích cực chủ động tự giác của HSSV trong việc học tập thực hành để dần hình thành kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời giúp đội ngũ giảng viên của trường nâng cao năng lực quản lý chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tay nghề nghiệp vụ sư phạm cũng như tay nghề thực hành kỹ thuật.
7. Tăng cường liên kết giữa Nhà trường và Doanh nghiệp
Để đảm bảo lợi ích tối đa của đào tạo nghề du lịch định hướng nhu cầu, điều quan trọng là phải thu hút được các doanh nghiệp du lịch trong quá trình quyết định và thực hiện ở một số giai đoạn của hệ thống đào tạo nghề du lịch, chủ yếu là xây dựng các chính sách về đào tạo; xây dựng các tiêu chuẩn nghề; tổ chức đào tạo; quy trình đánh giá và cấp giấy chứng nhận.
Các nhóm biện pháp trên có mối quan hệ thống nhất và chặt chẽ với nhau. Do đó, nhà trường cần tiến hành đồng bộ, kết hợp linh hoạt các nhóm biện pháp nhằm mang lại hiệu quả quản lý cao, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho toàn ngành Du lịch trong tương lai.