Đào tạo Sau đại học - Trường Du lịch - Đại học Huế

Nhiệm vụ đào tạo phát triển nhân lực ngành Du lịch trong giai đoạn mới

Nhiệm vụ đào tạo phát triển nhân lực ngành Du lịch trong giai đoạn mới

Nguồn nhân lực giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của quốc gia, dân tộc nên vấn đề đào tạo phát triển nguồn nhân lực luôn xác định là mối quan tâm hàng đầu. Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phát chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 của đất nước. Sau hơn 20 năm mở cửa và đổi mới nền kinh tế, ngành du lịch Việt Nam thực sự phát triển và được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn có tiềm năng lớn, sức cạnh tranh cao. Điều đó đòi hỏi ngành phải tập trung và phát huy mọi nguồn lực mà trước hết là nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của đất nước.

1. Sự cần thiết phát triển nhân lực ngành du lịch trong giai đoạn đến năm 2020

Theo đánh giá của Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Báo cáo đề án xây dựng chiến lược phát triển đất nước thời kỳ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045, thì các hạn chế, yếu kém về kinh tế hiện nay ở nước ta thể hiện chủ yếu là: “lực lượng sản xuất (nhất là yếu kém về trình độ, năng lực của lao động, trình độ công nghệ và kết cấu hạ tầng), cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động (hay cơ cấu ngành nghề)...”. Chính vì vậy mà một trong ba vấn đề cần được tập trung để tạo ra bước đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ đến năm 2020 là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Những năm qua, công tác phát triển nhân lực du lịch đã được quan tâm, đạt nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển ngành và đất nước. Tuy nhiên, nhân lực ngành du lịch còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch khi hội nhập quốc tế ngày một sâu sắc, toàn diện và yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức. Số lượng nhân lực còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ đầu đàn làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ.Kiến thức hội nhập, ngoại ngữ, tin học; năng lực sáng tạo, lãnh đạo, quản lý, quản trị và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế chưa tương ứng với yêu cầu phát triển của ngành.

Hơn nữa, đặc điểm của hoạt động du lịch là tỷ lệ dịch vụ chiếm một phần rất quan trọng để tạo ra chất lượng sản phẩm, vì vậy mỗi hoạt động, mỗi công đoạn trong hành trình du lịch như hoạt động lữ hành, hướng dẫn, vận chuyển, lưu trú, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan khác đều mang đậm vai trò của người trực tiếp phục vụ. Sản phẩm du lịch có chất lượng hay không, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững hay không đều phụ thuộc vào con người và trình độ tay nghề của họ. Điều đó chứng tỏ rằng, công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch là yếu tố vô cùng quan trọng, liên tục và lâu dài.

Vì vậy, trước yêu cầu của sự phát triển đất nước trong giai đoạn đến năm 2020, đòi hỏi phải đẩy mạnh phát triển nhân lực ngành du lịch cả về chất lượng và số lượng, yêu cầu xây dựng và phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

2. Thực trạng nhân lực ngành du lịch

2.1. Về tổng số và cơ cấu nhân lực ngành du lịch

 Nhân lực tham gia vào quá trình phát triển du lịch, bao gồm nhân lực trực tiếp và nhân lực gián tiếp. Nhân lực du lịch trực tiếp là những người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các đơn vị sự nghiệp du lịch và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch. Nhân lực gián tiếp là bộ phận nhân lực làm việc trong các ngành, các quá trình liên quan đến hoạt động du lịch như văn hóa, hải quan, giao thông, xuất nhập cảnh, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ công cộng, môi trường, bưu chính viến thông, cộng đồng dân cư… Tính đến năm 2013, Việt Nam có 550.000 người làm việc trực tiếp trong ngành du lịch và 1.210.000 lao động gián tiếp. Số lượng nhân lực ngành du lịch những năm gần đây tăng trưởng mạnh, trong đó nhân lực gián tiếp có xu hướng tăng với quy mô lớn hơn, phản ánh vai trò của ngành du lịch và tính hiệu quả của việc xã hội hoá hoạt động du lịch.

Cơ cấu nhân lực ngành du lịch theo độ tuổi có xu hướng ổn định, không biến động lớn với lực lượng nhân lực trẻ, dưới 30 tuổi chiếm tới 40%, từ 31 - 40 tuổi chiếm 36%, từ 41 - 50 tuổi chiếm 21% và trên 50 tuổi chiếm 3%. Nhân lực kế cận và nhân lực đang làm việc của ngành du lịch đủ đảm bảo gánh vác nhiệm vụ phát triển Ngành; cơ cấu theo độ tuổi hợp lý; có đủ khả năng chuyển giao giữa các thế hệ. Tỷ lệ lao động giữa nam và nữ chênh lệch không đáng kể, lao động nữ chiếm 50,7%, lao động nam là 49,3%. Tỷ trọng nhân lực nữ cao hơn nam và xu hướng tăng là đặc thù của ngành du lịch ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới.

2.2. Về chất lượng nhân lực ngành du lịch

Chất lượng nhân lực ngành du lịch thể hiện qua các tiêu chí như: trình độ văn hóa, trình độ đào tạo, kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và trình độ giao tiếp, ngoại ngữ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.          

 Trình độ đào tạo thể hiện một phần chất lượng nhân lực ngành du lịch. Nhân lực có trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp và cao đẳng chuyên nghiệp và học nghề là lực lượng nhân lực du lịch trực tiếp phục vụ khách, cung cấp sản phẩm du lịch, chiếm 47,3% nhân lực được đào tạo, học nghề, bằng 19,8% tổng nhân lực toàn ngành. Nhân lực được đào tạo đại học và sau đại học về du lịch chiếm 7,4% số nhân lực có chuyên môn du lịch, bằng 3,2% tổng nhân lực. Số nhân lực có trình độ đại học và trên đại học về du lịch như trên là thấp so với nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Nhân lực trình độ dưới sơ cấp nghề (được đào tạo truyền nghề, dưới 3 tháng) chiếm 45,3% nhân lực có chuyên môn, bằng 19,4% tổng số nhân lực toàn ngành Du lịch. Nếu chỉ tính nhân lực có trình độ sơ cấp trở lên thì nhân lực được đào tạo, dạy nghề chiếm khoảng 23% tổng nhân lực toàn ngành. Nếu tính thêm số nhân lực được đào tạo truyền nghề, dưới 3 tháng, thì nhân lực được đào tạo, dạy nghề của ngành du lịch đạt khoảng 42% tổng nhân lực toàn ngành. Theo lĩnh vực hoạt động, nhân lực là hướng dẫn viên du lịch tốt nghiệp đại học chiếm khoảng 65,5% tổng số hướng dẫn viên; tỷ lệ này trong marketing du lịch là 84,2% và lễ tân là 65,3%. Trong lĩnh vực phục vụ buồng, bar, bàn, bếp... lao động có trình độ trung cấp và sơ cấp nghề và chuyên nghiệp lại chiếm tỷ lệ lớn: Nhân viên bếp là 85,61%; bàn, buồng, bar tương ứng là: 72,4%, 70,7%, 75,5%. Nhân lực du lịch gián tiếp có khoảng 1.210.000 người, trong đó trình độ dưới sơ cấp là 660.660 người, chiếm khoảng 54,6%; sơ cấp 215.380 người, chiếm khoảng 17,8%; trung cấp 183.920 người, chiếm khoảng 15,2%; đại học và cao đẳng 147.620 người, chiếm khoảng 12,2%; và trên đại học là 2.420 người, chiếm khoảng 0,2% nhân lực gián tiếp.

Du lịch là ngành có nhân lực sử dụng được ngoại ngữ khá cao, chiếm 65% tổng số nhân lực; tuy nhiên đặc thù của ngành đòi hỏi tỷ lệ này phải nâng cao hơn nữa. Nhân lực biết ngoại ngữ nhiều nhất là tiếng Anh, chiếm khoảng 42%, tiếng Trung, tiếng Pháp và các tiếng khác với tỷ lệ tương ứng là 5%, 4% và 9% nhân lực toàn ngành.Ngành Du lịch đang tập trung khai thác khách từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức, việc mở rộng đào tạo các ngoại ngữ của các nước nêu trên bên cạnh tiếng Anh là rất cần thiết. Phân tích theo nghề thì hướng dẫn du lịch, lữ hành, marketing, lễ  tân, phục vụ  nhà hàng... có tỷ  lệ  sử  dụng ngoại ngữ  khá cao, đạt khoảng 88,6%. Song, số  nhân lực sử dụng thành thạo từ  hai ngoại ngữ trở lên còn thấp, chỉ chiếm khoảng 28%. Nhóm nhân lực làm nghề  hướng dẫn viên du lịch có số người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ chiếm tỷ lệ cao nhất (49,6%), tiếp đến là marketing du lịch (46,8%), lễ tân khách sạn khoảng 40%; trong khi nhóm nhân viên chế biến món ăn hầu như không có người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ.

Toàn ngành du lịch hiện có 375.650 người biết tin học (biết sử dụng máy tính phục vụ được yêu cầu công việc), chiếm khoảng 68,3% tổng số nhân lực du lịch trực tiếp thống kê được của ngành; có 174.350 người không biết sử dụng máy tính phục vụ yêu cầu công việc.

Trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý nhà nước, nghiên cứu, đào tạo, quản trị kinh doanh ngày một nâng cao

2.3. Đánh giá chung về thực trạng nhân lực và đào tạo nhân lực ngành Du lịch

Về cơ bản, lao động ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng nhanh về số lượng, nhưng vẫn còn bị mất cân đối về nhiều mặt, chất lượng chưa cao, đặc biệt là năng lực đáp ứng nhu cầu công việc còn rất hạn chế, chưa khai thác triệt để lợi thế hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực du lịch trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Phần đông là lao động trẻ và đã tốt nghiệp phổ thông trung học, một tỷ lệ lớn đã qua đào tạo, bồi dưỡng về du lịch ở các trình độ khác nhau. Đội ngũ lao động ngành du lịch cũng đạt được các yêu cầu nhất định về trình độ ngoại ngữ và phẩm chất chính trị.

Sự phân bố lực lượng lao động không đồng đều giữa ba vùng du lịch trong cả nước. Hầu hết lao động tập trung chủ yếu ở hai trung tâm du lịch lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ mới ở mức độ thấp.

 Lực lượng lao động du lịch tăng theo sự phát triển của ngành nhưng chưa đảm bảo cho sự phát triển du lịch một cách bền vững. Nhiều lĩnh vực còn thiếu cán bộ chuyên môn và chuyên gia giỏi như: cán bộ quản lý nhà nước; quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh; chuyên gia hoạch định chính sách; cán bộ nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển ngành. Đồng thời, thiếu những chuyên gia nghiệp vụ đầu ngành trong từng ngành nghề chuyên môn du lịch. Chất lượng lao động quản lý ở địa phương còn nhiều bất cập; lao động thuộc các ngành nghề kinh doanh mới, doanh nghiệp mới chưa được đào tạo đầy đủ và bài bản.

3. Dự báo nhu cầu nhân lực của ngành Du lịch giai đoạn 2011 - 2020

Quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch thời kỳ 2011 - 2020đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22 tháng 07 năm 2011. Theo đó, nhu cầu nhân lực của ngành du lịch trong giai đoạn đến năm 2020 được dự báo như sau:

3.1. Dự báo tổng nhu cầu nhân lực

Năm 2015, nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp trong ngành ước cần 620 nghìn người với tốc độ tăng trưởng là 6,2%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2020 ngành du lịch cần khoảng 870 nghìn lao động trực tiếp, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2020 là 7,0%/năm. Đến năm 2020, nhu cầu nhân lực ngành du lịch sẽ ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu phải hợp lý hơn theo yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển du lịch và xu thế phát triển khoa học - công nghệ khi nước ta hội nhập quốc tế sâu và toàn diện trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức. Nhân lực du lịch cho khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Bắc sẽ cần và phát triển mạnh tương ứng với  sự phát triển cao của hoạt động du lịch trên các địa bàn này, đặc biệt là nhân lực người dân tộc ít người. Chú ý hơn nữa nhân lực du lịch ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng có nhiều tiềm năng và thế mạnh du lịch, để vừa phát triển du lịch, vừa đóng góp tích cực vào việc thực hiện chính sách xã hội, bảo vệ bản sắc văn hóa, chủ quyền dân tộc.

3.2. Dự báo nhu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lý

Nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về du lịch sẽ phải tăng lên, chủ yếu là nhân lực có trình độ cử nhân trở lên, để đủ khả năng đảm nhiệm chức năng tham mưu, hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện pháp luật. Nhân lực ở các cơ sở đào tạo (cả các cơ sở đào tạo du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ sở tham gia đào tạo du lịch khác) và cơ quan nghiên cứu du lịch sẽ phải tăng mạnh số trí thức có học hàm, học vị cao. Ở Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, tất cả lãnh đạo viện phải có học vị tiến sĩ; mỗi phòng phải thêm ít nhất 01 tiến sĩ và 05 thạc sĩ. Ở các trường cao đẳng du lịch trực thuộc Bộ, tất cả lãnh đạo trường phải có học vị thạc sĩ trở lên, mỗi khoa, tổ bộ môn và đơn vị tương đương phải thêm ít nhất 01 tiến sĩ và 03 thạc sĩ. Ở các trường trung cấp trực thuộc Bộ, tất cả lãnh đạo phải có học vị thạc sĩ trở lên, mỗi trường thêm 02 tiến sĩ, mỗi khoa, tổ bộ môn và đơn vị tương đương phải thêm 01 thạc sĩ. Nhân lực làm việc trong các khoa, tổ bộ môn đào tạo du lịch của các cơ sở đào tạo trực thuộc các bộ, ngành và các địa phương cũng phải được tăng cường theo như định hướng đối với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và quy định về tiêu chuẩn chức danh trong Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề. Nhân lực khối doanh nghiệp du lịch sẽ và cần tăng số lượng cử nhân đại học và cao đẳng, trong đó nhân lực tốt nghiệp cao đẳng nghề du lịch cần tăng gấp đôi hiện nay (hiện nay mới chiếm 8% nhân lực có trình độ cao đẳng trở lên trong toàn ngành).

3.3. Nhu cầu về trình độ đào tạo

Phấn đấu năm 2015, toàn ngành có 3.500 người có trình độ trên đại học; 88.200 người có trình độ đại học và cao đẳng; 86.800 người có  trình độ trung cấp; 133.200 người đạt trình độ sơ cấp; và 308.300 người được đào tạo dưới sơ cấp và trình độ phổ thông. Đến năm 2015 có 70 - 80% công chức hành chính được trang bị kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ, có khả năng hoàn thành nhiệm vụ đư­­ợc giao; trang bị kiến thức về văn hoá công sở; trách nhiệm và đạo đức công chức cho công chức các ngạch; Bồi dưỡng, đào tạo lại 60 - 70% giám đốc doanh nghiệp và chuyên gia quản trị doanh nghiệp du lịch có kiến thức và kỹ năng quản lý, kinh doanh để cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; Tăng số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên và đào tạo viên du lịch các cấp đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghệ ngắn hạn.

Đến năm 2020 phổ cập trình độ ngoại ngữ và tin học tương đương bằng C cho toàn bộ cán bộ quản lý, quản trị cấp phòng và tương đương trở lên, những người tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài, đảm bảo sử dụng ngoại ngữ và tin học phục vụ được yêu cầu công việc

4. Giải pháp đào tạo phát triển nhân lực ngành du lịch trong giai đoạn đến năm 2020

4.1. Đổi mới nhận thức, tăng cường tuyên truyền về đào tạo, phát triển và sử dụng nhân lực trong ngành du lịch

Quán triệt trong ngành quan điểm con người là nền tảng, là yếu tố quyết định nhất trong sự phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của ngành du lịch; tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, yêu cầu cấp bách đối với công tác đào tạo, phát triển nhân lực trong lĩnh vực du lịch.

Thực hiện trong ngành nguyên tắc sử dụng, đánh giá và đãi ngộ nhân lực phải dựa vào năng lực thực sự và kết quả, hiệu quả công việc.

Bảo đảm công tác đào tạo nhân lực trong ngành du lịch phải gắn với nhu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, nhu cầu xã hội và thị trường lao động.

Tăng cường truyền thông về đào tạo và phát triển nhân lực trong ngành du lịch thông qua các hình thức khác nhau.

4.2. Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo, phát triển và sử dụng nhân lực trong ngànhDu lịch

Hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế quản lý phát triển nhân lực ngành du lịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy phát triển nhân lực ngành du lịch thống nhất, chất lượng, hiệu quả, được thừa nhận và đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong cả nước và hội nhập khu vực.

Đổi mới và thống nhất về chính sách, tiêu chuẩn, điều kiện triển khai thực hiện công tác phát triển nhân lực ngành du lịch. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý phát triển nhân lực ngành du lịch trên cơ sở xác lập một hệ thống các cơ quan quản lý chuyên môn. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nhân lực ngành du lịch trên cơ sở đảm bảo quá trình đào tạo tại cơ sở đào tạo du lịch và tại doanh nghiệp được thuận lợi, đạt chất lượng cao và thiết lập công nhận kết quả đào tạo du lịch trong nước và khu vực. 

Xây dựng, ban hành mới hoặc bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến 10 lĩnh vực: cơ sở đào tạo du lịch; hình thức đào tạo du lịch; đội ngũ giảng viên, giáo viên và đào tạo viên; công tác tuyển sinh; chương trình khung theo các bậc học; học phí; văn bằng, chứng chỉ; xã hội hóa đào tạo du lịch; hợp tác quốc tế; và tuyển dụng và sử dụng nhân lực du lịch. Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn chức danh quản lý và chức danh nghiệp vụ của ngành du lịch làm cơ sở đào tạo và sử dụng nhân lực phù hợp yêu cầu và điều kiện thực tế.  Nghiên cứu áp dụng cơ chế quản lý, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống quản lý phát triển nhân lực ngành du lịch từ trung ương đến địa phương. Tổng kết, đánh giá Dự án

4.3. Tập trung xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm

Đào tạo trong nước và ngoài nước các chuyên gia, giảng viên đầu ngành về du lịch làm việc trong các cơ quan hoạch định chính sách, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, đào tạo; tham gia các tổ chức quốc tế về du lịch; trước hết tập trung cho việc đào tạo đội ngũ nhân lực đạt trình độ quốc tế.

Mở rộng phạm vi hoạt động của Hội đồng Cấp chứng chỉ Nghiệp vụ Du lịch Việt Nam (VTCB) đối với các ngành, nghề du lịch đã được phê duyệt:  Phối hợp với cơ quan hữu quan để hoà nhập hệ thống chứng chỉ VTCB trong hệ thống văn bằng, chứng chỉ quốc gia; lồng ghép hoạt động này với Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2011 - 2020. Tiến tới thể chế hóa, quy định bắt buộc hành nghề phải có chứng chỉ nghề VTCB tương ứng.

 Hội nhập dần tiêu chuẩn nghề trong khu vực: Thúc đẩy việc thực hiện Tiêu chuẩn nghề du lịch ASEAN, cơ chế thừa nhận lẫn nhau và công nhận kỹ năng nghề du lịch và các nghề liên quan nhằm đạt tới những tiêu chuẩn chung trong khu vực và thế giới, tạo tiền đề phát huy tính tích cực và năng động của thị trường lao động không biên giới, không rào cản trong quá trình hội nhập du lịch khu vực, thúc đẩy hợp tác đào tạo và sử dụng lao động du lịch. Nâng cao năng lực của Hội đồng Cấp chứng chỉ Nghiệp vụ Du lịch Việt Nam (VTCB) để đảm nhiệm vai trò là cơ quan điều phối công nhận kỹ năng nghề du lịch và các nghề liên quan trong ASEAN.

4.4. Đầu tư, xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo về du lịch

Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch đảm bảo phù hợp với sự phát triển du lịch của từng vùng, miền và địa phương, đáp ứng nhu cầu đào tạo du lịch của toàn xã hội.

Đầu tư về mọi mặt cho các trường du lịch hiện có trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm hạt nhân đào tạo nhân lực ngành du lịch ở tất cả các cấp đào tạo tại các trung tâm du lịch trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Cần Thơ và thành lập mới trường trung cấp nghề du lịch tại Bình Thuận và Kiên Giang; đồng thời hình thành bộ phận đào tạo du lịch ở các trường nghề của các địa phương khác. Khuyến khích mở các cơ sở đào tạo du lịch ở các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo ngoài công lập và các cơ sở có vốn đầu tư của nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hoá các loại hình trường, lớp, trung tâm và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng du lịch.

Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng quy định chuẩn trường đào tạo về du lịch (chuẩn cơ sở vật chất kỹ thuật, chuẩn giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và chuẩn chương trình đào tạo, bồi dưỡng của cơ sở đào tạo du lịch). 

4.5. Xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đào tạo, chương trình, giáo trình trong các lĩnh vực du lịch

Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên du lịch đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn về chất lượng để đáp ứng nhu cầu đào tạo, tăng quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và giáo viên của các cơ sở đào tạo nghề du lịch bằng nhiều hình thức ở trong và ngoài nước; thu hút công chức, viên chức, các nhà quản lý, các nhà khoa học có trình độ, các doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia đào tạo; tiếp tục đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thẩm định viên, giám sát viên, đào tạo viên du lịch và sử dụng hiệu quả đội ngũ này trong đào tạo du lịch. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh đào tạo sau đại học về du lịch.

Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy để giảng viên, giáo viên và đào tạo viên du lịch đủ khả năng giảng dạy, tự nghiên cứu, trao đổi chuyên môn trực tiếp với chuyên gia nước ngoài, tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế và học tập, tu nghiệp ở nước ngoài. Thực hiện chế độ bồi dưỡng luân phiên cho giáo viên, giảng viên, đào tạo viên và thẩm định viên du lịch. Mục tiêu cần đạt được là 80-90% giáo viên, giảng viên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn du lịch về từng lĩnh vực thuộc chuyên ngành đào tạo. 40% giáo viên, giảng viên được đào tạo về phương pháp giảng dạy hiện đại, trên cơ sở chuẩn bị nội dung phù hợp. 100% giáo viên, giảng viên được bồi dưỡng ngoại ngữ phục vụ giảng dạy và nghiên cứu. Bồi dưỡng, bổ túc kiến thức sư phạm và phương pháp giảng dạy hiện đại giảng viên đại học, cao đẳng và giáo viên trung cấp du lịch để hình thành đội ngũ nòng cốt. Những giảng viên, giáo viên nòng cốt này sẽ tiếp tục truyền đạt cho đồng nghiệp tại cơ sở đào tạo của mình.Tất cả các giáo viên, giảng viên được đào tạo ngoại ngữ phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu, đặc biệt là tiếng Anh.

Trên quan điểm đổi mới và hội nhập quốc tế, trang bị khung cơ bản về chương trình, nội dung đào tạo và bồi dưỡng các chuyên ngành du lịch tương ứng với tiêu chuẩn chức danh quản lý, tiêu chuẩn chức danh nghiệp vụ ngành Du lịch và phù hợp với yêu cầu thực tiễn để áp dụng trong các cơ sở đào tạo du lịch.

Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi chương trình khung đào tạo chuyên ngành du lịch bậc trung học chuyên nghiệp; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chương trình khung đào tạo du lịch bậc cao đẳng và đại học, chương trình đào tạo du lịch liên thông các bậc đào tạo thống nhất cả nước. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức xây dựng các chương trình khung đào tạo du lịch trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Xây dựng văn bản hướng dẫn liên thông đào tạo cao đẳng nghề và đại học du lịch. Tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chương trình, giáo trình môn học, mô đun. Đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo du lịch các cấp đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá; tiếp cận dần yêu cầu năng lực làm việc trong các lĩnh vực của Ngành, trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, mang nét đặc trưng của Việt Nam, đảm bảo liên thông giữa các bậc đào tạo. Chuyển đổi mạnh sang đào tạo theo mô đun, tín chỉ để tạo điều kiện cho nhân lực ngành du lịch có thể học lâu dài để nâng cao trình độ nghề nghiệp hoặc thay đổi nghề nghiệp khi cần thiết

4.6. Huy động các nguồn lực cho đầu tư đào tạo, phát triển nhân lực ngành du lịch

 Cần sửa đổi và bổ sung chính sách, cơ chế xã hội hóa phát triển nhân lực ngành du lịch: Tổ chức thực hiện các văn bản đã ban hành và tiến hành rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách xã hội hoá công tác đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội và tạo điều kiện cho những người có nhu cầu học tập về du lịch có thể tiếp cận và hưởng thụ được dịch vụ mà hệ thống đào tạo, bồi dưỡng du lịch cung cấp. Khuyến khích các cơ sở đào tạo du lịch và cơ sở nghiên cứu có đào tạo du lịch lập cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ phù hợp ngành nghề nghiên cứu, đào tạo để người học có điều kiện thực hành, tạo thêm kinh phí đào tạo, nghiên cứu.

 Phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch trong hoạt động đào tạo: Thu hút doanh nghiệp tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình, giáo trình đào tạo du lịch; tạo cơ sở kiến tập, thực tập cho học sinh và sinh viên; hỗ trợ kinh phí cho người học, tiếp nhận sinh viên đến thực tập và tiếp nhận học sinh tốt nghiệp vào làm việc. Chú trọng phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch trong cỏc doanh nghiệp.

 Tập trung và sử dụng có hiệu quả kiến thức và kinh nghiệm của các nhà khoa học đầu ngành trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài cho phát triển nhân lực ngành du lịch.Tạo điều kiện để các thành phần trong xã hội có thể tham gia phát triển nhân lực ngành du lịch, đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch đào tạo nhân lực ngành du lịch, các tiêu chuẩn kỹ năng, nội dung chương trình đào tạo, cơ cấu trình độ đào tạo về du lịch.

Tăng cường thu hút vốn, công nghệ tiên tiến nước ngoài phục vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch. Xây dựng danh mục dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch để huy động ODA, FDI và các hình thức đầu tư khác. Sử dụng có hiệu quả các dự án đang thực hiện và hình thành, tiếp nhận các dự án khác phục vụ phát triển nhân lực ngành du lịch. Tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo liên kết, hợp tác song phương, đa phương với các cơ sở đào tạo quốc tế, trong Mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch ASEAN (ATTEN), Mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (APETIT)...

 Thành lập hội, hiệp hội, hội đồng, câu lạc bộ liên quan đến phát triển nhân lực ngành du lịch: Khuyến khích hình thành các câu lạc bộ đào tạo du lịch, các hội, hiệp hội chuyên ngành trong lĩnh vực du lịch để hỗ trợ phát triển nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc thành lập Quỹ học bổng học nghề du lịch dành cho học sinh, sinh viên học nghề du lịch.

Tóm lại, đào tạo và phát triển nhân lực ngành du lịch là nhiệm vụ quan trọng, cần phải được xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai, áp dụng một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nhằm hình thành, phát triển đội ngũ nhân lực có chất lượng cao cho ngành, cho đất nước. Đào tạo và phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn đến năm 2020 phải được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu trong lĩnh vực quan trọng này.

 

                                                                                     SAU ĐẠI HỌC

                                                                                   ThS. Lê Văn Hoài