Thông tin tuyển sinh năm 2024

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Du lịch Việt Nam nhất định sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng

Quản trị viên     08-07-2023      182 lượt xem

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt tin tưởng, du lịch Việt Nam nhất định sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng như trước đây, tiếp tục phát triển hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Sáng 5/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt dự hội nghị.

Du lịch đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, lịch sử phát triển Du lịch Việt Nam được chính thức đánh dấu từ ngày 9/7/1960 với sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định 26/CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam thuộc Bộ Ngoại thương. Qua 63 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng sự góp của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và nhân dân, Du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

tang-truong-du-lich

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội nghị.

"Chúng ta đã đón và phục vụ 250.000 lượt khách du lịch quốc tế năm 1990 thì đến năm 2019 đã đón 18 triệu lượt khách, tăng gấp 72 lần trong 29 năm. Khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh liên tục từ 1,0 triệu lượt năm 1990 đến 2019 đạt con số 85 triệu lượt. Sự tăng trưởng không ngừng về khách du lịch đã thúc đẩy mở rộng quy mô hoạt động của Du lịch Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định.

Theo Thứ trưởng, sau 2 năm trải qua đại dịch Covid-19, ngành du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều kế hoạch của ngành du lịch Việt Nam đặt ra hầu như không thực hiện được, các chỉ tiêu của ngành đều giảm mạnh. Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải đóng cửa, dừng hoạt động, cạn kiệt nguồn lực về tài chính...

Việt Nam kể từ tháng 11/2021 đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, đây chính là dấu ấn và bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi và sôi động trở lại của ngành du lịch Việt Nam.

Với việc đón tiếp và phục vụ gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế, 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 495.000 tỷ đồng trong năm 2022; 5,5 triệu lượt khách quốc tế và 64 triệu lượt khách nội địa trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đã chứng minh cho niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ; cùng đó, đã và đang từng bước khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, khẳng định hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam.

tang-truong-du-lich

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định du lịch đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, ngành du lịch Việt nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có nhiều đột phá; sản phẩm du lịch còn thiếu sự đa dạng, chưa thực sự đặc trưng, đặc sắc, độc đáo và chưa phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vốn có; các dịch vụ như lưu trú, thương mại vận tải... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ...; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong nước và quốc tế còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp đối với yêu cầu phát triển của ngành; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao...

Du lịch Việt Nam nhất định sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng như trước đây

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tạo ra đột phá trong việc phát triển du lịch cũng như khắc phục các tồn tại, hạn chế của ngành, Bộ VHTTDL đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức 2 hội nghị lớn của ngành Du lịch trong thời gian vừa qua (Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được tổ chức tháng 12/2022 và Hội nghị toàn quốc về du lịch được tổ chức ngày trong tháng 3/2023). Nghị quyết số 82/NQ-CP chính là sản phẩm đầu ra sau kết quả tổ chức thành công 2 Hội nghị lớn này.

Nghị quyết 82/NQ-CP tiếp tục là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với ngành Du lịch, sự chủ động, hành động quyết liệt, có trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương cũng như sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao trong việc đồng hành cùng ngành du lịch vượt qua khó khăn của cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và toàn thể nhân dân trong cả nước.

tang-truong-du-lich

Các đại biểu dự hội nghị

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Hội nghị quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức được xem là Hội nghị đầu tiên cụ thể hóa các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành du lịch Việt Nam, cùng với Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Bộ VHTTDL ban hành tại Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL ngày 4/7/2023 đều hướng tới mục tiêu để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn gian - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

"Với tinh thần chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, tôi tin rằng du lịch Việt Nam nhất định sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng như trước đây, tiếp tục phát triển hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt bày tỏ.

Du lịch Việt Nam thực sự đã trở thành một ngành kinh tế rộng lớn trong cả nước

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, sau 63 năm hình thành và phát triển, ngành du lịch Việt Nam đã trải qua những thăng trầm, đan xen giữa khó khăn và cơ hội.

Trong quá trình đó hệ thống doanh nghiệp Du lịch Việt Nam đã không ngừng phát triển. Đến năm 2019 Việt Nam đã có trên 40.000 doanh nghiệp du lịch, thu hút khoảng 1,5 triệu lao động trực tiếp và khoảng 2,5 triệu lao động gián tiếp. Du lịch Việt Nam đã đóng góp 9,2% GDP và đóng góp lan tỏa tới 15% GDP. Du lịch phát triển đã thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác cùng phát triển như: giao thông vận tải, công thương...

Du lịch cũng góp phần quan trọng cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thay đổi diện mạo của nhiều vùng đất, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy giao lưu và hội nhập quốc tế. Du lịch Việt Nam phát triển đã tăng cường mối quan hệ và tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Lượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đang tăng nhanh tạo vị thế ngày một cao của Việt Nam ở nước ngoài, Du lịch Việt Nam thực sự đã trở thành một ngành kinh tế rộng lớn trong cả nước, trong đó có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp du lịch.

tang-truong-du-lich

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại hội nghị

Theo ông Vũ Thế Bình, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tổ chức xã hội nghề nghiệp của các Doanh nghiệp và lao động Du lịch đã được thành lập 12/2002, đến nay Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với thành viên gồm 6 Hiệp hội chuyên ngành, 2 Hiệp hội vùng và 57 Hiệp hội Du lịch các tỉnh, Thành phố, bao gồm trên 18.000 doanh nghiệp hội viên và trên 20.000 hội viên là cá nhân. Hiệp hội Du lịch Việt Nam là một trong số các tổ chức xã hội nghề nghiệp có mạng lưới lan tỏa cả nước và có nhiều hoạt động nổi bật cả trong nước và quốc tế.

"Có được thành tích ngày hôm nay là nhờ sự chỉ đạo, định hướng sáng suốt của Đảng, Chính phủ, Bộ VHTTDL và sự nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước về Du lịch, Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch.

Hôm nay, kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Du lịch Việt Nam, chúng ta tri ân những đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước của ngành Du lịch, cảm ơn sự chỉ đạo và ủng hộ to lớn của Đảng, Nhà nước, của Bộ VHTT&DL đã tạo cho ngành Du lịch động lực to lớn để phát triển. Đồng thời bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực Du lịch trong việc phục hồi, tăng trưởng và đưa Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước", ông Vũ Thế Bình bày tỏ.

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 82/NQ-CP. Kế hoạch hành động của Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra 8 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Cấu trúc lại doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh; Phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với giai đoạn mới; Đa dạng hóa thị trường du lịch; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch; Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; Tăng cường liên kết trong kinh doanh du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch; Phát hiện, tổng hợp ý kiến và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp du lịch.

(Nguồn: toquoc.vn)