Du lịch nội địa là thị trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với du lịch Việt Nam. Năm qua, sau khi mở cửa lại, mặc dù không đạt mục tiêu đón khách quốc tế, Việt Nam lại bùng nổ trong du lịch nội địa. Năm 2022, du lịch Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của khách nội địa. Cụ thể là 101,3 triệu lượt khách, tăng 168,3% so với kế hoạch, vượt mức trước dịch.
Trong giai đoạn 2015 – 2019, du lịch nội địa Việt Nam tăng trưởng trung bình 10,5%. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch, trước đại dịch COVID-19, lượng khách nội địa tăng đều đặn qua các năm và đạt đỉnh vào 2019 với 85 triệu lượt.
Số khách nội địa chiếm 85% trong tổng số khách du lịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, xét về doanh thu, du lịch nội địa lại “lép vế” hơn khi đạt trung bình 229 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2015 – 2019. Trong khi đó, khách quốc tế đóng góp tới 311 nghìn tỷ đồng dù chỉ chiếm tỷ trọng là 15%. Điều này là do doanh thu/khách quốc tế (24 triệu đồng) cao gấp 8 lần doanh thu trên một khách nội địa.
Rõ ràng, chi tiêu của khách nội địa thấp hơn khách quốc tế nhiều. Nhưng mức tăng trưởng trong chi tiêu của khách trong nước lại đang có xu hướng tăng nhanh hơn so với bạn bè quốc tế.
Khả năng phục hồi nhanh sau khủng hoảng: Bằng chứng cụ thể nhất là hậu COVID, du lịch nội địa đã bứt phá, vượt mục tiêu đề ra và vượt luôn cả mức trước dịch.
Ít chịu tác động của các yếu tố bên ngoài như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng, hạn chế các chuyến bay,… Bằng cách này hay cách khác, du khách nội địa Việt Nam vẫn có thể đi du lịch trong giới hạn cho phép. Đồng thời, “cái khó ló cái khôn”, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cũng có thể đưa ra các sản phẩm sáng tạo, đơn cử như dịch vụ du lịch mùa lũ.
Giảm phân hóa nhu cầu từ tính thời vụ của du lịch quốc tế: Hạn chế phụ thuộc vào việc lượng khách nước ngoài mất cân bằng giữa mùa cao điểm và thấp điểm.
Như đã từng đề cập, sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu mới với sức chi tiêu mới sẽ đóng góp đáng kể cho ngành du lịch. Dân số của tầng lớp này tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt 36 triệu người vào năm 2030. Song song với mức thu nhập gia tăng, mức chi tiêu cho du lịch nội địa lẫn nước ngoài của họ cũng tăng theo. Bên cạnh đó, trình độ dân trí cao sẽ thúc đẩy họ tôn trọng và bảo vệ cũng như góp phần quảng bá điểm đến.
Qua những dữ liệu trên, không ngoa khi nói du lịch Việt có cơ sở để kỳ vọng nhiều vào du lịch nội địa trong tương lai
(Nguồn: the-outbox.com)