Thông tin tuyển sinh năm 2024

Thị trường du lịch Việt Nam 2023: Cơ hội và Thách thức

Quản trị viên     22-02-2023      206 lượt xem

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách (8 triệu khách quốc tế và 102 triệu khách nội địa) trong năm 2023. Đây được coi là một mục tiêu đầy thử thách. Năm ngoái được xem là năm tăng trưởng kỷ lục của du lịch nội địa Việt Nam với 101,3 triệu lượt khách. Con số này vượt gần gấp đôi mục tiêu 60 triệu lượt đề ra và thậm chí cao hơn cả mức năm 2019 (85 triệu lượt khách). Tuy nhiên, năm 2022, Việt Nam thực tế chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách quốc tế, đạt 70% so với mục tiêu 5 triệu khách.

Thị trường khách du lịch Việt Nam năm 2023 được dự báo là sẽ có rất nhiều biến số không chắc chắn.

Thị trường nội địa sẽ là chìa khóa của du lịch Việt Nam, nhưng cuộc chơi sẽ không còn dễ dàng

Thị trường Việt Nam sẽ chính thức đạt quy mô 100 triệu dân vào năm 2023. Với quy mô thị trường ngày càng lớn, nhu cầu du lịch đa dạng và năng lực phục hồi đã được chứng minh trong năm 2022, thị trường nội địa được dự báo vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn 2023 – 2024, đặc biệt khi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn nhiều biến số. Năm 2022, thị trường du lịch nội địa đã hoàn toàn phục hồi về mặt lượng khách. Do đó, sẽ rất khó để có thể trông đợi vào một kịch bản tăng trưởng bùng nổ tiếp tục của thị trường này. Các doanh nghiệp du lịch sẽ gặp nhiều thử thách hơn trong việc tiếp tục thu hút thị trường trong nước so với năm 2022. Bởi lẽ nhu cầu du lịch bị dồn nén của người dân đã được giải tỏa, lợi thế mở cửa du lịch sớm cũng không còn. Chưa hết, áp lực cạnh tranh về mức độ hấp dẫn của sản phẩm và tình hình kinh tế khó khăn dẫn tới khả năng thắt chặt chi tiêu trong năm mới.

du-lich-Viet-Nam

Các thị trường truyền thống trong khu vực tiếp tục giữ vai trò then chốt đối với du lịch quốc tế của Việt Nam

Trong 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022, có đến gần 70% đến từ các quốc gia Châu Á. Họ đang có xu hướng ưu tiên cho các chuyến đi trong khu vực vì yếu tố an toàn và chi phí chuyến đi. Kết hợp với cơ cấu thị trường khách quốc tế ở Việt Nam trước dịch, có thể thấy thị trường Châu Á nhiều khả năng sẽ tiếp tục là gam màu chủ đạo của bức tranh thị trường quốc tế tại Việt Nam năm 2023. Các doanh nghiệp có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng tiếp tục của thị trường Hàn Quốc, sự trở lại của Nhật Bản và Đài Loan cũng như một làn sóng mới của các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore. Tuy vậy, trên thực tế, mức độ nhận biết về điểm đến Việt Nam giai đoạn sau Covid-19 của các điểm đến kể trên hiện đều chỉ ở mức trung bình. Theo khảo sát của Outbox tháng 10/2022, mức độ nhận biết trung bình về điểm đến Việt Nam của 3 thị trường Hàn Quốc – Nhật Bản – Đài Loan chỉ ở mức 4,1/7 điểm. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nhiều nỗ lực và giải pháp rõ ràng hơn trong việc tiếp cận và thấu hiểu các thị trường này để có thể cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực

Sự trở lại của thị trường Trung Quốc

Trung Quốc chính thức mở cửa lại du lịch quốc tế từ ngày 8/1/2023 và cho phép người dân đi du lịch nước ngoài trở lại từ tháng 3. Đây được xem là tin vui không chỉ đối với ngành du lịch Việt Nam mà còn của cả thế giới bởi đóng góp rất lớn của thị trường Trung Quốc giai đoạn trước dịch. Cơ hội để ngành du lịch Việt Nam hoàn thành mục tiêu về lượng khách sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thị trường lớn nhất này của chúng ta.

 du-lich-Viet-Nam

Dẫu vậy, trên thực tế khả năng thị trường Trung Quốc chỉ có thể chính thức phục hồi trở lại sớm nhất vào Quý 2 – Quý 3 năm 2023 và phụ thuộc vào tình hình năng lực tài chính của người dân nước này. Riêng đối với Việt Nam, khả năng trở lại của thị trường Trung Quốc thậm chí sẽ còn chậm hơn so với các điểm đến khác trên thế giới như Châu Âu, Nhật Bản (vốn là lựa chọn truyền thống của phân khúc khách cao cấp của Trung Quốc). Sự trở lại của thị trường Trung Quốc cũng mang đến nhiều rủi ro mới và áp lực lên chính quyền địa phương do những khác biệt trong phương án phòng chống dịch của quốc gia này. Điều đó đòi hỏi ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần sớm xây dựng được một chính sách đón khách Trung Quốc phù hợp với bối cảnh mới, vừa hạn chế tối đa các rủi ro có thể phát sinh, vừa đảm bảo năng lực cạnh tranh trong việc thu hút trở lại thị trường khách lớn nhất thế giới này.

Cơ hội mới từ những thị trường mới

Năm 2023, một trong những giải pháp tiếp cận mà các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có thể cân nhắc là cố gắng từng bước tạo thị trường mới cho mình để giảm áp lực phụ thuộc vào các thị trường truyền thống cũng như tạo được các lợi thế trong trung và dài hạn. Ấn Độ đang được xem là một cơ hội mới cho các doanh nghiệp du lịch nhờ tiềm năng tăng trưởng lớn và khả năng kết nối ngày càng thuận tiện. Tuy nhiên, ở góc độ đặc tính thị trường, Ấn Độ là một thị trường khá phức tạp với đa dạng các phân khúc khách hàng và vẫn còn tương đối khác biệt nếu so sánh với hệ thống sản phẩm dịch vụ hiện hữu của Việt Nam. Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh thị trường, việc tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những nghiên cứu đầy đủ về chân dung thị trường; từ đó lựa chọn các phân khúc khách phù hợp với sản phẩm, dịch vụ của mình. Các phương án tiếp cận thị trường truyền thống đơn thuần sẽ không còn phù hợp nữa.

Bên cạnh đó, thị trường mới còn có thể được hiểu là làm mới các thị trường truyền thống hiện hữu, tiếp cận các thị trường cũ một cách có chiều sâu hơn và xây dựng các phân khúc khách hàng chi tiết hơn. Mức độ nhận biết về điểm đến Việt Nam từ các thị trường truyền thống chỉ đang ở mức trung bình. Vì vậy, du lịch Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội nếu đi sâu hơn vào các phân khúc thị trường ngách trên cơ sở nâng cao khả năng thấu hiểu khách hàng ở mỗi phân khúc, từ đó nâng cao mức độ nhận biết chung của cả thị trường. Muốn làm được việc đó, một chiến lược tiếp cận thị trường đi kèm các giải pháp nghiên cứu thị trường cụ thể sẽ cần được triển khai từ mỗi doanh nghiệp đến toàn bộ ngành du lịch.

 (Nguồn: the-outbox.com)