Ngày 15/3/2024 tới đây là dấu mốc tròn 02 năm ngành du lịch Việt Nam chính thức mở cửa trở lại sau đại dịch. Với sự quan tâm của các cấp, sự nỗ lực của toàn ngành, du lịch Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng và đạt được những thành tựu nổi bật.
Khách du lịch trên đà phục hồi nhanh
Từ 15/3/2022, du lịch Việt Nam mở cửa trở lại và từng bước phục hồi trong bối cảnh ngành du lịch châu Á gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế khi nhiều thị trường nguồn lớn trong khu vực lúc đó vẫn chưa mở cửa như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trên thế giới, châu Á là khu vực có tốc độ phục hồi chậm nhất. Trong bối cảnh đó, năm 2022, Việt Nam chỉ đón gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, thị trường nội địa đã phục hồi mạnh mẽ với 101,3 triệu lượt (cao hơn cả mức kỷ lục 85 triệu vào năm 2019), trở thành động lực chính cho sự phục hồi của ngành.
Bước sang năm 2023, thị trường du lịch quốc tế đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, vượt 57% mục tiêu ban đầu (8 triệu lượt), phục hồi 70% so với năm 2019. Đặc biệt, tốc độ phục hồi càng rõ nét hơn trong 6 tháng cuối năm khi lượng khách quốc tế hàng tháng đều đạt trên 1 triệu lượt.
So với năm 2019, về cơ bản các thị trường phục hồi tốt, một số thị trường cao hơn 2019. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc mới phục hồi khoảng 30%. Thay vào đó, Hàn Quốc trở thành thị trường nguồn lớn nhất, chiếm khoảng 28% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
(2024*: Mục tiêu)
Tiếp nối đà tăng trưởng, 2 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt hơn 3 triệu lượt (tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2023), tương đương so với mức cùng kỳ năm 2019. Trong đó, động lực tăng trưởng chính đến từ các thị trường khu vực châu Á (+77,8%) và châu Âu (+76%).
Các thị trường lớn tiếp tục tăng trưởng mạnh: Hàn Quốc (+50,7%), Nhật Bản (+52,3%), Đài Loan (+120%). Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất, xếp thứ hai là thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý, với những tác động tích cực từ chính sách thị thực mới áp dụng từ 15/8/2023, các thị trường châu Âu tăng trưởng sôi động: Anh (+32,6%), Pháp (+34,6%), Đức (+37,1%), Ý (+82,3%), Tây Ban Nha (+48,5%), Nga (+58,7%), Đan Mạch (+47,4%), Thụy Điển (+41,9%), Na Uy (+41,2%).
Năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tương đương năm 2019. Những kết quả tích cực ngay từ đầu năm là tín hiệu khả quan để hiện thực hóa mục tiêu này trong năm nay.
Hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao trên thế giới
Công tác truyền thông, quảng bá, thu hút khách du lịch được đẩy mạnh thông qua các sự kiện nổi bật như Năm Du lịch quốc gia tại các địa phương như Quảng Nam (2022), Bình Thuận (2023), Điện Biên (2024). Cùng với đó, ngành du lịch đã chủ động tổ chức quảng bá hình ảnh, thương hiệu tại các thị trường nước ngoài và tại các sự kiện du lịch quốc tế lớn như Diễn đàn Du lịch Mê Công, Diễn đàn Du lịch ASEAN và hội chợ TRAVEX, Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin (Đức), WTM London (Anh)… Ở trong nước là các hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội và ITE TP.HCM. Đồng thời, du lịch Việt Nam mở rộng hợp tác, kết nối với đối tác quốc tế tại các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như ASEAN, APEC, UNWTO, PATA, GMS, CLMV, CLV.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức xúc tiến du lịch Việt Nam tới thị trường Pháp và châu Âu (tháng 11/2023)
Đặc biệt, công tác truyền thông chính sách và xúc tiến quảng bá trên các nền tảng số được chú trọng triển khai mạnh thông qua các website và mạng xã hội của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam như Facebook, Zalo, Youtube, Instagram. Website https://vietnam.travel quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế, liên tục cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng website toàn cầu, xếp hạng tương đương với website du lịch Thái Lan.
Nhằm hỗ trợ công tác quản lý của cơ quan nhà nước, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao trải nghiệm du khách, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Du lịch Việt Nam vinh dự nhận nhiều giải thưởng danh giá của tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới
Với những nỗ lực của toàn ngành, du lịch Việt Nam vinh dự nhận được sự tin tưởng, yêu mến và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Năm 2023, Việt Nam được vinh danh ở 19 hạng mục Giải thưởng hàng đầu Thế giới và 54 hạng mục Giải thưởng hàng đầu châu Á do tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards trao tặng. Trong đó, đáng chú ý, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới", lần thứ 5 liên tiếp được bình chọn là "Điểm đến hàng đầu châu Á". Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam với những nỗ lực phục hồi và tái thiết ngành du lịch lần thứ 4 được trao danh hiệu "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á". Theo báo cáo phát hành tháng 5/2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Chỉ số năng lực phát triển du lịch và lữ hành năm 2021 của Việt Nam xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong 3 quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số tốt nhất thế giới.
Xây dựng thể chế, chính sách đột phá tạo động lực mạnh mẽ cho du lịch
Giai đoạn du lịch Việt Nam mở cửa, phục hồi sau đại dịch mang đậm dấu ấn của công tác xây dựng thể chế, chính sách cho ngành du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nội lực của ngành du lịch và làm thay đổi sâu sắc cách thức hoạt động của doanh nghiệp và hành vi, nhu cầu của du khách, trong đó nổi lên là những xu hướng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra, cần có những xung lực mới từ những chính sách đột phá tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho du lịch.
Thủ tướng chủ trì hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững (tháng 11/2023)
Với sự chủ động đề xuất, tham mưu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan, lần đầu tiên trong thời gian ngắn, Thủ tướng Chính phủ đã đích thân chủ trì 3 hội nghị lớn chuyên đề về du lịch, gồm có: Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam (tháng 12/2022); Hội nghị toàn quốc về du lịch (tháng 3/2023) và Hội nghị phát triển du lịch nhanh, bền vững (tháng 11/2023).
Kết quả của các hội nghị quan trọng này là Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 về phát triển du lịch Việt Nam toàn diện, nhanh và bền vững. Tại đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo những nhóm giải pháp rất căn cơ, giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Với đặc thù du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tạo nên sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành để chung tay thúc đẩy du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, vị trí trong nền kinh tế.
Đặc biệt, sau những đề xuất kiên trì của ngành du lịch cùng các ngành liên quan, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết thông qua việc chính thức thực hiện một số chính sách mới về thị thực và xuất nhập cảnh kể từ 15/8/2023. Theo đó, thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước với thời hạn tạm trú lên đến 90 ngày, có giá trị nhập cảnh một lần hoặc nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân các nước được miễn thị thực đơn phương vào Việt Nam. Cũng về nội dung này, tại Chỉ thị 08/CT-TTg mới đây, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi về xuất cảnh, nhập cảnh, mở rộng diện miễn thị thực đơn phương, thí điểm cấp thị thực cửa khẩu.
Đoàn công tác Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động du lịch tại Đà Nẵng
Cùng với xây dựng chính sách, công tác quản lý nhà nước được tập trung tăng cường. Năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều đợt công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về du lịch tại nhiều địa phương ở cả 3 miền đất nước. Thông qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những thiếu sót, sai phạm nhằm mục tiêu bảo đảm môi trường hoạt động kinh doanh du lịch lành mạnh, bảo đảm chất lượng dịch vụ phục vụ khách.
Các đề án quan trọng của ngành du lịch được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, trong đó có Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; Đề án "Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm"; Đề án "Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn". Dự thảo "Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện để trình Chính phủ. Khi được phê duyệt, đây sẽ là văn bản quan trọng để triển khai thực hiện quy hoạch phát triển du lịch các vùng miền, địa phương trên cả nước trong giai đoạn tới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam
Trong Chỉ thị 08/CT-TTg mới ban hành, công tác xây dựng thể chế, chính sách tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thủ tướng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017 để làm rõ những bất cập, những vấn đề không còn phù hợp với tình hình mới để trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành và phát huy tốt hơn nữa vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trong tổ chức triển khai các kế hoạch xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch để trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình mới.
Có thể nói, ngành du lịch luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Trong mỗi thời kỳ khác nhau, Đảng, Nhà nước luôn có những quyết sách để tháo gỡ khó khăn, tạo đột phá cho du lịch phát triển. Những văn bản chỉ đạo vừa được ban hành thời gian qua tiếp tục khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
(Nguồn: Toquoc.vn)