Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 8/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.
Phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá
Nêu câu hỏi chất vấn Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu rõ, du lịch là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch bền vững là yếu tố cần thiết để mang lại sự thành công và lợi ích trong tương lai.
Thời gian vừa qua, ngành du lịch đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, dẫn đến không khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới, nhất là việc đánh giá tổng thể tiềm năng, lợi thế hiện có và các giải pháp đảm bảo nguồn lực về tài nguyên, vốn, khoa học công nghệ, con người và nguồn lực mềm. Đặc biệt là hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, khả thi.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tài nguyên du lịch của đất nước ta rất đa dạng, phong phú, cả về truyền thống lịch sử, văn hoá, cảnh quan, môi trường. Đặc biệt, chúng ta có chiều dài bờ biển trên 3.000km trải dài từ Bắc đến Nam, người dân Việt Nam thân thiện, mến khách, cần cù, yêu lao động... là những lợi thế lớn của ngành du lịch.
Cùng với đó, Đảng Nhà nước luôn quan tâm, có chủ trương, chính sách để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế ngành du lịch của chúng ta còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong đợi của người dân cả nước.
Nguyên nhân như đại biểu đã nêu, đó là những vấn đề về chính sách, thể chế, về lãnh đạo chỉ đạo, nguồn nhân lực cũng như bố trí quy hoạch phát triển ngành du lịch.
Theo Thủ tướng, du lịch là ngành mới, có tính hội nhập cao và sẽ có những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn
Thủ tướng Chính phủ nêu 5 định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để phát triển bền vững ngành du lịch:
Một là, triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, phải thể chế hoá, cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng luật pháp. Quốc hội ban hành luật, Chính phủ ban hành Nghị định và các Bộ ngành có các thông tư liên quan để phát triển du lịch.
Thứ hai, phải có sự lãnh đạo chỉ đạo tập trung, xác định rõ trọng tâm để phát triển.
Thứ ba, phải có nguồn lực cho hạ tầng du lịch.
Thứ tư, phải có nguồn nhân lực được đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thứ năm, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành.
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa
Nêu ý kiến chất vấn, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá cao về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế trong thời gian qua, đặc biệt là thời gian gần đây đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng thu hút nguồn lực, thúc đẩy thương mại đầu tư, đặc biệt là nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu câu hỏi chất vấn
Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2024 và trong thời gian tới để thích ứng với tình hình quốc tế đã và đang diễn biến phức tạp, bất thường và bất định?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng khẳng định, chúng ta đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng cho biết, chúng ta triển khai đường lối đối ngoại cũng xác định ưu tiên các bạn bè truyền thống, các nước lớn. Thời gian qua, chúng ta đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng, thực hiện nghiêm túc và đạt được hiệu quả quan trọng, là điểm sáng để tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển và thu hút nguồn lực đầu tư.
"Đường lối đối ngoại góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ nhưng tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả" - Thủ tướng nhấn mạnh.
(Nguồn: Toquoc.vn)