Thông tin tuyển sinh năm 2024

Chuyển đổi số là cơ hội cho ngành du lịch có sự phát triển đột phá

Quản trị viên     01-12-2023      205 lượt xem

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, không gian số, cách tiếp cận số, chuyển đổi số và quản trị số, công nghệ số chính là cơ hội cho ngành du lịch có sự phát triển đột phá.

Sáng 15/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì Hội nghị.

chuyen-doi-so-phat-trien-du-lich

Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững

Ngành du lịch nên chuyển đổi số mạnh mẽ và kiên quyết

Tại Hội nghị, phát biểu về vấn đề chuyển đổi số trong du lịch, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, một ngành muốn có sự phát triển đột phá thường phải có không gian mới, cách tiếp cận mới, cách quản trị mới, công nghệ mới để thực hiện đổi mới đó.

Không gian số, cách tiếp cận số, chuyển đổi số và quản trị số, công nghệ số chính là cơ hội cho ngành du lịch có sự phát triển đột phá. Ngành du lịch nên chuyển đổi số mạnh mẽ và kiên quyết, không nên coi chuyển đổi số là công cụ tự động hóa hoạt động du lịch mà là thay đổi cách làm du lịch, tạo nên nhiều giá trị mới cho khách du lịch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, lên môi trường số, không gian của ngành du lịch sẽ rộng lớn hơn rất nhiều, ngành du lịch sẽ dễ dàng kết nối các lĩnh vực khác, các ngành khác, sản phẩm khác, các tỉnh, vùng khác để khái niệm du lịch được mở rộng.

Ví dụ, có thể chuyển đổi từ tư duy điểm đến, quảng bá các địa điểm nổi tiếng thành tư duy sản phẩm, không chỉ xem gì mà còn ăn gì, mua gì, chơi gì… Nếu vậy thì du lịch cũng sẽ bớt phụ thuộc mùa vụ.

chuyen-doi-so-phat-trien-du-lich

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Chuyển đổi số, công nghệ số chính là lời giải trong việc tạo ra một hệ sinh thái du lịch và sự kết nối chuỗi giá trị. Nhà nước nhìn thấy chuỗi giá trị này thì có thể kết nối hài hòa giá trị và tạo ra giá trị cuối cùng để khách hàng có thể cảm nhận chung về du lịch Việt Nam, nếu không thì các giá trị sẽ rời rạc, cạnh tranh nhau. Khó nhất là Nhà nước nhìn thấy toàn bộ bức tranh, có dữ liệu để phân tích, đánh giá, cảnh báo sớm, điều chỉnh sớm và chuyển đổi số sẽ giúp cho ngành du lịch có một bức tranh tổng hợp, có thông tin tổng hợp tức thời.

"Còn nhiều vấn đề khác nữa mà chuyển đổi số có thể giải quyết, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Bộ VHTTDL để xây dựng các nền tảng số, giải quyết các vấn đề lớn kéo dài của ngành du lịch và đặc biệt góp phần đổi mới mạnh mẽ ngành du lịch", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Vẽ thêm cho bản đồ du lịch Việt Nam

Nêu ý kiến về phát triển du lịch nông nghiệp Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, tiềm năng du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của chúng ta rất lớn. Nếu các tập đoàn du lịch biết hỗ trợ thì sẽ tạo ra kỳ tích.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Thủ tướng và Bộ VHTTDL cần vẽ thêm cho bản đồ du lịch Việt Nam, mở rộng không gian du lịch mới. Theo Bộ trưởng, du lịch nông nghiệp thực sự giúp chúng ta mở ra bản đồ du lịch mới từ những điểm sẵn có. Chúng ta nên có một tư duy mới về du lịch nông nghiệp. Dù nó mang lại nguồn thu không lớn nhưng đó là sức sống của cộng đồng, là bản sắc văn hóa của các dân tộc.

chuyen-doi-so-phat-trien-du-lich

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan phát biểu về phát triển du lịch nông nghiệp

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta có nhiều di sản, có những di sản đã được UNESCO vinh danh và có những di sản ở trong lòng người dân. Một dòng sông, một ngọn núi, một bản sắc, một thổ cẩm, một điệu khèn… tất cả đều là di sản. Nếu chúng ta coi di sản là sản phẩm du lịch mới, không chỉ là Sơn Đòong hay Cố đô thì sẽ kéo dài bản đồ du lịch, sẽ có khác biệt, mang lại giá trị rất lớn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ NNPTNT chủ trì hội nghị để cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng về phát triển du lịch nông nghiệp. Mời các doanh nghiệp du lịch đến với chúng tôi để chúng ta vẽ thêm vào bản đồ du lịch Việt Nam. Đó là xu thế khi ngành du lịch trải rộng ra ở khắp các không gian.

Kiến tạo những "điểm đến" du lịch vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) bày tỏ nhất trí và tán thành cao với báo cáo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng về đánh giá thực trạng hoạt động du lịch thời gian qua; định hướng và các giải pháp phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững.

"Chúng tôi rất tâm đắc và cho rằng các đề xuất được thực hiện 50% thôi thì du lịch của chúng ta năm tới có chỉ tiêu cao"- ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Về định hướng, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề nghị nên tính toán định hướng ở mục tiêu cao cho năm 2024. Không phải 12-15 triệu khách, năm 2024 chúng ta chớp thời cơ đón 18-20 triệu khách. Đặt mục tiêu cao mới có giải pháp đột phá, có chính sách, có động lực để phát triển. Đặt mục tiêu dễ đạt được thì đã lãng phí tài nguyên và sức lực.

chuyen-doi-so-phat-trien-du-lich

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel), phát biểu tại Hội nghị

Để đạt được mục tiêu cao, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất một số kiến nghị.

Thứ nhất, đề nghị tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển du lịch. Về Luật Du lịch, cần xem xét lại một số điều của luật, trong đó có Điều 9, Điều 15 – hai điều về quản lý khách du lịch hiện nay đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch phát triển.

Thứ hai, Luật Đất đai cần quan tâm bổ sung vấn đề du lịch, phát triển các khu du lịch. Hiện nay Luật Đất đai đang bỏ sót phần du lịch. Đề nghị xem xét dự thảo Luật đang được trình Quốc hội để tránh việc bỏ sót.

Thứ ba là Nghị định 132/2020 của Chính phủ về khống chế mức trần lãi vay hiện nay không giúp cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn được. Ngân hàng có hoạt động chuyển đổi rất tốt thúc đẩy doanh nghiệp du lịch tiếp cận vốn, tuy nhiên Nghị định 132 nếu áp dụng tinh thần cho vay 30% như hiện nay vô hình trung doanh nghiệp bị vướng hết.

Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cũng nếu các kiến nghị liên quan đến du lịch đêm; du lịch văn hóa, thể thao; vấn đề xúc tiến du lịch cũng như quản lý điểm đến của các địa phương...

chuyen-doi-so-phat-trien-du-lich

Bà Ngô Hương, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Vinpearl

Nêu ý kiến tại Hội nghị, bà Ngô Hương, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Vinpearl cho biết, năm 2023, thế giới đối diện với nhiều bất ổn. Du lịch Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú chưa đủ để Việt Nam trở thành điểm "phải đến" của du khách quốc tế trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo.

Theo bà Ngô Hương, đã đến lúc chúng ta cần kiến tạo những "điểm đến" vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch. Đó chính là xu thế phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo, có khả năng thu hút và giữ chân du khách liên tục trong nhiều năm, thậm chí trở thành điểm "phải đến" tại châu Á./.

(Nguồn: Toquoc.vn)