Thông tin tuyển sinh năm 2024

Điểm danh ngành học hot trong mùa tuyển sinh 2023

Quản trị viên     03-07-2023      285 lượt xem

Năm 2023, một số ngành học đã nhận được sự yêu thích của thí sinh, trong số đó nổi bật vẫn là các ngành liên quan tới công nghệ 4.0. Cụ thể, một số ngành học như truyền thông, marketing, công nghệ thông tin, y dược, phần mềm, tài chính ngân hàng, khoa học máy tính, du lịch… được nhiều thí sinh đăng ký. Bên cạnh đó, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung, Hàn, Nhật cũng là ngành nghề hấp dẫn.

tuyen-sinh

Ngành truyền thông đa phương tiện và truyền thông đại chúng của Học viện Báo chí và Tuyên truyền có điểm chuẩn năm 2022 là 27,25/30 và 26,55/30. Điều này có nghĩa mỗi môn thi phải được trên 9 điểm thì các em mới có thể đỗ. Tương tự, với ngành công nghệ thông tin tại Đại học Bách Khoa, thí sinh phải đạt 27,25/30 điểm mới đỗ; ngành kỹ thuật ô tô với 26,41/30 điểm. Năm nay, dự kiến điểm chuẩn các ngành này vẫn giữ như năm ngoái.

Ngoài các ngành “hot” truyền thống, năm 2023, nhiều trường đại học cũng công bố mở thêm ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Chẳng hạn, Đại học Bách khoa Hà Nội mở thêm 3 chương trình đào tạo mới, gồm: kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, công nghệ vật liệu polymer và compozit, kỹ thuật sinh học.

Học viện Ngân hàng mở thêm 4 chương trình đào tạo mới là: ngân hàng số, công nghệ tài chính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản trị du lịch. Trường đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như năng lượng tái tạo, kỹ thuật sản xuất thông minh, công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, ngôn ngữ học.

du-lich

Với Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, dự kiến mở một số ngành như: năng lượng tái tạo, kỹ thuật sản xuất thông minh, công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, ngôn ngữ học.

PGS-TS. Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa cho biết, ngoài tăng chỉ tiêu, trường có thêm 5 ngành đào tạo mới, gồm: kỹ thuật phần mềm, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Đông phương học, ngôn ngữ Pháp và răng - hàm - mặt.

Để học sinh, phụ huynh có thêm nhiều thông tin, cơ hội chọn lựa ngành học và nghề nghiệp tương lai, nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh đại học đã được mở ra.

Trả lời câu hỏi về ngành nghề nào giàu tiềm năng trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các ngành liên quan tới AI, robotics, fintech, khoa học dữ liệu… đều là những ngành tiên phong, cần thiết và có sức hấp dẫn cao đối với người học hiện nay.

Nhưng bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới việc đào tạo những ngành nghề liên quan tới vật liệu mới, công nghệ sinh học, khoa học sự sống - là những ngành ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại. Lĩnh vực xã hội nhân văn, đào tạo giáo viên, đào tạo bác sỹ, văn hóa nghệ thuật… cũng không thể lơ là hay bỏ qua.

Theo bà Thủy, tất cả lĩnh vực, ngành nghề chúng ta đang đào tạo đều rất cần cho phát triển kinh tế - xã hội, không phải vì cách mạng công nghiệp 4.0 mà chúng ta chỉ đào tạo những ngành vận dụng, ứng dụng công nghệ cao. Do đó, cần có sự cân bằng giữa nguồn nhân lực trong các lĩnh vực. Thực ra, nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực nào cũng rất thiếu.

Trước “ma trận” thông tin tuyển sinh, không ít học sinh cuối cấp đang băn khoăn, lo lắng trong việc lựa chọn ngành, chọn trường khi đứng trước bước ngoặt lớn của cuộc đời.

Ông Ngô Minh Tuấn, người sáng lập Trường CEO Việt Nam Global cho rằng, hiện đang thiếu những dự báo sâu, khiến thí sinh quen nhìn xung quanh thấy ai làm lĩnh vực nào kiếm được nhiều tiền là chọn ngành đó và những ngành học này được coi là ngành "hot". Ví dụ, ngành sale bất động sản năm ngoái rất "hot", nhưng đến năm nay chững lại.

Theo ông Tuấn, không có ngành nào được coi là ngành "hot", chỉ cần giỏi nghề và mang lại giá trị tốt cho khách hàng, cho xã hội, khi đó mỗi cá nhân sẽ trở thành “người hot". Chuyên gia này cũng lưu ý, thí sinh khi chọn ngành, chọn nghề cần tập trung vào năng lực, sở trường của bản thân, từ đó nghiên cứu tìm ra ngành nghề, lĩnh vực mà mình có thể đáp ứng tốt nhất.

Đưa ra lời khuyên với thí sinh, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học lưu ý các em, nếu đủ nỗ lực, kiên trì, kiên định, không mệt mỏi để phát triển toàn diện cá nhân thì ở môi trường nào, chúng ta cũng thành công. Một cá nhân xuất sắc, nhưng khi vào môi trường toàn người xuất sắc hơn sẽ có nguy cơ rơi vào stress, mất tự tin. Và khi không còn là người đứng đầu sẽ mất đi rất nhiều lợi thế. Ngược lại, các cá nhân nỗ lực, vượt lên trở thành người xuất sắc nhất ở các trường top sau sẽ dành được nhiều cơ hội cho mình, khẳng định bản thân, trở thành chuyên gia ở những lĩnh vực cụ thể.

(Nguồn: baodautu.vn)