Được học tập, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp du lịch số hóa, sinh viên ngành Du lịch điện tử đang sở hữu những lợi thế vượt trội để thích ứng và dẫn dắt xu thế mới trong ngành du lịch.
Trong bối cảnh công nghệ số đang thay đổi toàn diện cách thức vận hành và phát triển của ngành du lịch toàn cầu, Du lịch điện tử (e-Tourism) đã và đang trở thành một hướng đi tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững ngành dịch vụ không khói tại Việt Nam. Tại miền Trung, Trường Du lịch – Đại học Huế là một trong những cơ sở đào tạo tiên phong triển khai ngành học này, với định hướng đào tạo thực tiễn, gắn kết doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng xu thế mới.
Chương trình đào tạo gắn với thực tiễn doanh nghiệp
Ngay từ năm học đầu tiên, sinh viên ngành Du lịch điện tử đã được tiếp cận mô hình “học đi đôi với hành” thông qua các hoạt động thực tập tại các doanh nghiệp du lịch lớn như Sungroup, Vingroup, các khách sạn 4, 5 sao, khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô… Tại đây, các bạn sinh viên được bố trí làm quen với mô hình tổ chức doanh nghiệp, tìm hiểu quy trình vận hành cơ bản tại các khách sạn, công ty lữ hành. Hoạt động này giúp sinh viên hiểu được mình đang học để làm gì và sẽ phát triển nghề nghiệp ra sao trong tương lai.

Bước sang năm thứ hai, sinh viên tiếp tục được tham gia các chuyến đi thực tế đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch điện tử tại Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Bình… để tìm hiểu sâu hơn các chiến lược vận hành và mô hình kinh doanh điện tử của doanh nghiệp. Trong các chuyến đi thực tế, sinh viên không chỉ dừng lại ở tham quan, quan sát mà còn được trực tiếp làm quen với hệ thống đặt phòng trực tuyến (OTA), phần mềm quản lý khách sạn (PMS), công cụ phân tích dữ liệu du lịch, đánh giá phần mềm đặt phòng (booking), quản trị khách hàng (CRM) cũng như các giải pháp công nghệ trong marketing và chăm sóc khách du lịch. Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên mở rộng kiến thức mà còn tạo dựng tư duy hệ thống và khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc thực tế.



Mỗi chuyến đi được thiết kế như một học phần có báo cáo, phân tích và đánh giá, giúp sinh viên phát triển kỹ năng tư duy phản biện và năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn. PGS.TS. Lê Văn Hòa – Trưởng Khoa Quản lý sự kiện và công nghệ truyền thông cho biết: “Chúng tôi không chỉ đưa sinh viên đi tham quan mà còn để học và phản biện như một nhà tư vấn chiến lược tương lai cho ngành du lịch. Nhà trường không chỉ chú trọng đến kiến thức chuyên ngành mà còn muốn sinh viên được va chạm với môi trường thực tế, hiểu cách công nghệ đang định hình lại ngành du lịch, từ đó hình thành tư duy đổi mới và sáng tạo.”
Khi đã tích lũy đủ nền tảng lý thuyết và kỹ năng quan sát – phân tích, năm thứ 3 và năm cuối, sinh viên bước vào giai đoạn thực tập chuyên sâu, kéo dài từ 1 đến 3 tháng tại các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước. Đây là thời gian các bạn không còn đóng vai “người học” mà chính thức trở thành một phần trong guồng máy của doanh nghiệp. Tại đây, sinh viên được trực tiếp tham gia các hoạt động thực tế như phát triển website du lịch, tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên nền tảng trực tuyến, triển khai chiến dịch truyền thông kỹ thuật số, phân tích hành vi du khách dựa trên dữ liệu lớn, hoặc vận hành chatbot và hệ thống chăm sóc khách hàng tự động. Kết quả thực tập được đánh giá bởi cả doanh nghiệp và nhà trường, đảm bảo tính nghiêm túc và chuyên môn trong đào tạo. Nhiều sinh viên sau kỳ thực tập đã được doanh nghiệp giữ lại làm cộng tác viên, tham gia các dự án chuyên sâu hoặc thậm chí khởi sự kinh doanh ngay từ khi còn đang học. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ: “Chúng tôi xem sinh viên không chỉ là người học, mà là đối tác tiềm năng trong nguồn nhân lực tương lai. Thực tập không chỉ là thử việc, mà là cơ hội để họ trưởng thành.”

Gắn kết nhà trường – doanh nghiệp – chuyên gia
Để đảm bảo sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tiễn thường xuyên, nhà trường duy trì mối liên kết chặt chẽ với nhiều đối tác lớn như: Sungroup, Vingroup, Laguna Lăng Cô, Azerai La Residence, Saigontourist, Vietravel… Đây không chỉ là nơi tiếp nhận sinh viên thực tập mà còn là đối tác đồng hành trong quá trình giảng dạy, tổ chức hội thảo, workshop chuyên đề.
Trường Du lịch – Đại học Huế hiện quy tụ một đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm làm việc tại các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước, thường xuyên cập nhật thực tiễn thông qua chương trình trao đổi học thuật, nghiên cứu doanh nghiệp và thực hiện các đề tài phát triển du lịch thông minh, mang đến cho sinh viên một chương trình học luôn “sống động” và sát với thực tế. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên mời chuyên gia, doanh nhân thành đạt từ các công ty công nghệ du lịch, nền tảng đặt dịch vụ và các start-up trong ngành đến giảng dạy, tư vấn, định hướng nghề nghiệp hoặc tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề cho sinh viên. Việc học với chuyên gia thực chiến giúp sinh viên luôn cập nhật xu hướng mới nhất, hiểu rõ yêu cầu tuyển dụng thực tế và sẵn sàng bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đây là cầu nối quan trọng giúp người học nắm bắt kịp thời xu hướng ngành nghề, yêu cầu kỹ năng và cơ hội nghề nghiệp trong nước và quốc tế. Sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường – doanh nghiệp – sinh viên được xem là “kiềng ba chân” trong việc phát triển năng lực toàn diện cho người học, vừa đảm bảo kiến thức chuyên sâu, vừa rèn luyện kỹ năng thực hành và khả năng thích nghi với thị trường.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, gồm phòng vi tính thực hành, studio sản xuất nội dung số, không gian học tập mô phỏng doanh nghiệp, các phần mềm ứng dụng trong lữ hành, khách sạn, nhà hàng… giúp sinh viên thực hành hiệu quả, phát triển kỹ năng mềm và làm quen với các công cụ công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, nhà trường có chính sách khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học, xây dựng dự án khởi nghiệp, tham gia các cuộc thi ý tưởng sáng tạo du lịch ứng dụng công nghệ. Các dự án xuất sắc sẽ được hỗ trợ kết nối mentor, gọi vốn đầu tư và hoàn thiện sản phẩm. Trong chiến lược phát triển lâu dài, nhà trường đặt mục tiêu xây dựng chương trình học mang tính hội nhập, mở rộng liên kết với các trường đại học, tổ chức và doanh nghiệp du lịch tại Thái Lan, Nhật Bản, Hy Lạp, Singapore… Sinh viên có cơ hội tham gia các khóa học ngắn hạn, trao đổi học thuật và thực tập quốc tế, từ đó mở rộng tầm nhìn toàn cầu và gia tăng năng lực cạnh tranh nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.



Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng hiệu quả và nâng cao trải nghiệm du khách, nhu cầu về nhân lực có kiến thức công nghệ và tư duy dịch vụ đang ngày càng tăng cao. Trường Du lịch – Đại học Huế đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu công nghệ và thích ứng tốt với xu thế phát triển của thời đại. Với định hướng đào tạo toàn diện, tiếp cận thực tiễn và hội nhập quốc tế, sinh viên ngành Du lịch điện tử không chỉ được trang bị kiến thức vững chắc mà còn được trải nghiệm những đặc quyền học tập vượt trội – điều làm nên bản sắc riêng có của Trường Du lịch – Đại học Huế trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.