1. Vị trí
Trường là đơn vị đào tạo thuộc Đại học Huế, chịu sự quản lí toàn diện, trực tiếp của Đại học Huế, hoạt động theo sự phân cấp và ủy quyền của Giám đốc Đại học Huế. Trường có logo và website riêng.
– Tên gọi bằng tiếng Việt: Trường Du lịch – Đại học Huế
– Tên gọi bằng tiếng Anh: School of Hospitality and Tourism – Hue University ( HUHT).
Trụ sở chính: 22 Lâm Hoằng, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cơ sở 1: Số 2 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cơ sở 2: Khu quy hoạch Đại học Huế tại phường An Tây và Phường An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Sứ mạng
Trường Du lịch – Đại học Huế có sứ mạng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Quốc gia; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
3. Tầm nhìn
Đến năm 2025, phát triển Trường Du lịch – Đại học Huế thành Trường Đại học Du lịch, đào tạo theo định hướng ứng dụng. Đến năm 2030, Trường là cơ sở đào tạo, nghiên cứu và cung ứng dịch vụ khoa học công nghệ có chất lượng và uy tín tiên phong trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
4. Giá trị cốt lõi
Khai phóng – Hội nhập – Chất lượng – Chuyên nghiệp
5. Triết lý giáo dục
Chất lượng – Chuyên nghiệp – Hội nhập
6. Mục tiêu phát triển
6.1. Mục tiêu chung
Đến năm 2025, phát triển thành Trường Đại học Du lịch, Đại học Huế. Trường là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực du lịch có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp chuẩn mực, có phẩm chất đạo đức tốt, phong cách chuyên nghiệp, năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, chủ động hội nhập, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
6.2. Mục tiêu cụ thể
– Phát triển đội ngũ, đảm bảo về cơ cấu, số lượng và chất lượng; tổ chức bộ máy quản lý tinh gọn với đội ngũ cán bộ quản lý có kiến thức và kỹ năng quản lý giỏi, đảm bảo điều hành các mặt hoạt động của nhà trường một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Đến năm 2025 có 25% giảng viên và chuyên viên có trình độ tiến sĩ; 100% cán bộ quản lý và cán bộ phục vụ được đào tạo chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ.
– Phát triển hệ thống chương trình đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo chuyên sâu, tiên tiến theo nhu cầu doanh nghiệp về lĩnh vực du lịch dưới nhiều hình thức và đối tượng học tập khác nhau để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực du lịch của đất nước. Ổn định qui mô đào tạo từ năm 2023 trong khoảng 4000-4500 sinh viên hệ chính quy, trong đó tỉ lệ sau đại học khoảng 2-3%. Đến năm 2025, xây dựng thành công thêm 01 chương trình đào tạo thạc sĩ và 02 chương trình đào tạo cử nhận.
– Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực du lịch, gắn với phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thực hiện các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu mang tầm chiến lược, các lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt chú trọng nghiên cứu ứng dụng và sử dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh; có nhiều công trình đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Từ năm 2022, mỗi năm Nhà trường công bố được từ 10 bài báo thuộc danh mục Scopus hoặc ISI, và số lượng tăng 10% mỗi năm, mỗi năm có 1-2 sản phẩm khoa học công nghệ được chuyển giao, nguồn thu từ khoa học công nghệ 1-2 tỉ đồng/năm.
– Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu của một trường đại học theo định hướng ứng dụng.
– Đảm bảo công tác kiểm định chất lượng giáo dục thường xuyên, triển khai công tác tự đánh giá và được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia; đến năm 2025 phấn đấu có 40-50% chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng của quốc gia.
– Mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học, các tổ chức quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực. Có chính sách thu hút nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên quốc tế đến làm việc và học tập tại trường.
6.3. Mục tiêu giáo dục và trách nhiệm xã hội
Mục tiêu giáo dục của Trường Du lịch – Đại học Huế là đào tạo, bồi dưỡng tài năng và nguồn nhân lực sáng tạo có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp giỏi; có phẩm chất, đạo đức, sức khoẻ tốt; yêu nghề, năng động, sáng tạo để đáp ứng đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của đất nước, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế.
– Xây dựng môi trường giáo dục chuyên nghiệp và thân thiện hướng tới người học, lấy đảm bảo chất lượng làm nền tảng phát triển, đào tạo phù hợp với chuẩn đầu ra theo yêu cầu của xã hội.
– Thực hiện phương châm kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học, lý thuyết gắn với thực hành: tạo điều kiện cho người học thực hành, thực tập và nghiên cứu khoa học nhằm phát triển kỹ năng nghề nghiệp, tư duy khoa học, năng lực sáng tạo.
– Phát triển thể chất và kỹ năng sống, tạo điều kiện cho người học tham gia sinh hoạt văn hóa tinh thần, sinh hoạt phục vụ cộng đồng.
– Gắn kết với địa phương qua việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu, các hoạt động cộng đồng góp phần phát triển du lịch của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước; hợp lực cùng hệ thống quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp và cựu sinh viên xác định nhu cầu đào tạo, tìm môi trường thực tế nghề nghiệp và vị trí việc làm cho người học.
– Phát triển nhà trường theo hướng hội nhập quốc tế với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu du lịch chuyên sâu trong khu vực và trên thế giới./.
Chi tiết như file đính kèm !