Trang chủ / Đọc báo giùm bạn / Động lực từ dịch vụ, du lịch

Động lực từ dịch vụ, du lịch

Khu vực dịch vụ, du lịch đang trở thành điểm sáng của nền kinh tế khi đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam, nhờ nhu cầu nội địa tăng và khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Thừa Thiên Huế tận dụng các cơ hội để hút khách, góp thêm những chỉ số tăng trưởng.

Du khách mua hàng ở Không gian Văn hóa Lục Bộ

Đóng góp vào tăng trưởng

Trong 7 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến Huế là hơn 2,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là gần 863.000 lượt, tăng 42,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 7, khách đến Huế là hơn 393.000 lượt, tăng 31,07%; trong đó, khách quốc tế có hơn 65.600 lượt, tăng 26,33% so với cùng kỳ. Lượng khách lưu trú tại Huế cũng tăng trưởng. 7 tháng đầu năm, các cơ sở lưu trú đã đón gần 1,2 triệu lượt khách, tăng 20,18%; khách quốc tế là gần 394.000 lượt, tăng 29,35%. Tổng thu từ du lịch là gần 4.783 tỷ đồng.

Những gam màu sáng du lịch Thừa Thiên Huế góp phần tô thêm cho bức tranh kinh tế của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ, du lịch trở thành điểm sáng của nền kinh tế khi đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam, nhờ nhu cầu nội địa tăng và khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ.

Nhìn vào số liệu, thấy rõ những đóng góp của khu vực dịch vụ, du lịch. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) nửa đầu năm 2024 tăng 6,42%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ, du lịch tăng 6,64%, đóng góp 49,76% vào tăng trưởng chung.

Việc thu hút khách du lịch tạo cơ hội để thúc đẩy các ngành dịch vụ. Khách đi du lịch không chỉ trải nghiệm thuần túy hoạt động tham quan, mà còn mua sắm, lưu trú và chi tiêu cho nhiều dịch vụ khác. Cũng nhờ đó, khi lượng khách tăng, doanh thu của các ngành dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024 của cả nước đã ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 2.398 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt hơn 356 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2%. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 29,4 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 314,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%.

Điều đáng mừng là bức tranh du lịch được dự báo sẽ còn nhiều tín hiệu vui, khi diễn biến về lượng khách cho thấy những con số tăng trưởng về khách du lịch sẽ tiếp tục sáng sủa, từ đó sẽ đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định, ngành du lịch duy trì mức tăng trưởng cao nhờ động lực từ các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh.

Tiếp tục bứt phá

Theo các chuyên gia, du lịch quốc tế chiếm khoảng 8% GDP của Việt Nam. Do đó, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phục hồi trong năm 2024 sẽ có thể đóng góp thêm 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của cả nước trong năm nay, sau khi đã đóng góp 4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong năm ngoái. Đối với Thừa Thiên Huế, mặc dù hiện đang trong mùa thấp điểm khách quốc tế, nhưng lượng khách vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ và được dự báo tăng mạnh dịp cuối năm là cơ hội để ngành du lịch Cố đô bứt phá. Thực tế thì Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương thu hút khá đa dạng các thị trường khách quốc tế. Đáng chú ý, các thị trường khách Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và nhiều thị trường khách trọng điểm trước đây đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Top 10 thị trường khách hàng đầu đến Huế mới đây được Sở Du lịch công bố xuất hiện những cái tên đáng chú ý như Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Anh, Tây Ban Nha, Lào, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, bên cạnh đầu tư hoàn thiện các sản phẩm du lịch, kích cầu du lịch nội địa, ngành du lịch địa phương cũng làm mới sản phẩm, đa dạng các sản phẩm du lịch phục vụ khách quốc tế, đặc biệt là hướng đến nâng cao chất lượng, dịch vụ. Ngành du lịch cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá ở nhiều kênh, đến nhiều quốc gia. Đồng thời, xúc tiến các đường bay quốc tế, đưa khách đến và đi từ sân bay quốc tế Phú Bài.

Một thuận lợi là Việt Nam đã nới lỏng các yêu cầu về thị thực du lịch vào năm ngoái, từ đó thuận lợi hơn để thu hút khách quốc tế và giữ chân khách ở lại lâu hơn. Điều quan trọng của du lịch Huế là làm sao để xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch về đêm một cách hiệu quả và tiếp tục kêu gọi đầu tư về các trung tâm mua sắm, thương mại – một trong những nhu cầu rất lớn của du khách mà Huế còn thiếu. Cùng với đó, ngành du lịch Cố đô cũng cần tiếp tục triển khai các giải pháp để xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, an toàn, thân thiện, hấp dẫn, loại bỏ các vấn nạn về chặt chém giá cả với khách, nạn cò mồi, hàng rong. Từ đó tạo sự yên tâm hơn để du khách tiếp tục đến và quay lại Huế.

Nguồn: https://baothuathienhue.vn

About admin

Tin liên quan

Hơn 9.000 tỷ đồng được rót vào một tỉnh miền Trung, sẽ trở thành thành phố trực thuộc TW vào 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD

Sáng ngày 6/4/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị công bố …