Sáng ngày 11/10/2019, tại phòng Hội thảo B101 đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam: Cơ hội phát triển bền vững” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và Công ty cổ phần Thiên Lộc đồng tổ chức.
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có ông Nguyễn Tất Sơn – Giám đốc CTCP Thiên Lộc; bà Nguyễn Thy Nga – Chủ nhiệm nhiệm vụ truyền thông hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, Giám đốc V-Startup; ông Nguyễn Bảo Trọng – Tổng Giám đốc CTCP Miin Việt Nam; ông Lê Ngọc Anh – Giám đốc CTCP TMQT Anh Tú; bà Phạm Thị Thu Hằng – đại diện No Waste Việt Nam. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Đức Thọ – Phó Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh; cùng sinh viên và các cán bộ, giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh. Hội thảo cũng thu hút được sự quan tâm rất lớn từ các nhà khoa học đến từ các trường đại học trong đó có Khoa Du lịch – Đại học Huế. ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga – Giảng viên Bộ môn Lữ Hành – Khoa Du lịch – Đại học Huế đã tham dự hội thảo.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga- Giảng viên bộ môn Lữ hành – Khoa Du lịch – Đại học Huế tham dự hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ – Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh, thực tế ở Việt Nam cho thấy nhận thức về khởi nghiệp còn khá đơn giản, mở một doanh nghiệp, một cơ sở kinh doanh được xem là khởi nghiệp. Nhưng, để hướng tới một nền kinh tế cất cánh, không thể chỉ mở một doanh nghiệp, một đơn vị kinh doanh mà mình làm chủ là đủ mà cần các doanh nghiệp được phát triển dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Bởi vậy, PGS Hiệu trưởng hi vọng Hội thảo sẽ góp phần nâng cao nhận thức về khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường hoạt động nghiên cứu và giảng dạy về khởi nghiệp sáng tạo tại trường Đại học và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Đồng thời sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, các bạn nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên chia sẻ những quan điểm, tư tưởng và những giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam theo hướng bền vững.
PGS.TS Bùi Đức Thọ – Phó Hiệu trưởng ĐH KTQD PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh
Nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp và các nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đã dành thời gian tham dự Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh phát biểu đề dẫn tại Hội thảo và cho biết, hội thảo được làm 2 phiên, Phiên thứ nhất: Những vấn đề chung, doanh nghiệp, trường đại học với việc khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Cơ hội phát triển bền vững. Phiên thứ hai: Môi trường sinh thái với việc khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Cơ hội phát triển bền vững. PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu hi vọng Hội thảo sẽ nhận được nhiều chia sẻ, bình luận về những nội dung trong từng phiên, và qua đó góp phần quan trọng cho thành công của Hội thảo.
Đoàn chủ tọa điều hành phiên thứ nhất và phiên thứ hai của Hội thảo
Hiện nay, làn sóng khởi nghiệp (Startup) đã lan tỏa khắp nơi trên thế giới, truyền cảm hứng cho những người có ý tưởng và mong muốn thực hiện kinh doanh và góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế. Xuất phát từ những năm 90, các doanh nghiệp startup thường hay bị định dạng là một công ty công nghệ. Từ những năm đầu của thế kỷ 21, Startup ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, người ta có thể bắt đầu khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, startup được xác định từ tính sáng tạo đổi mới, quy mô và tốc độ tăng trưởng của nó hơn là lĩnh vực mà nó hoạt động.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành hàng loạt chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, như Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được phê duyệt nhằm hỗ trợ, thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển Startup có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam hiện nay là 4460 . Mặc dù doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chiếm số lượng nhỏ so với tổng số doanh nghiệp hiện nay nhưng nếu tính trên đầu người thì số các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đang cao hơn các quốc gia khác như Trung Quốc (2300 DNKNST); Indonesia (2.100 DNKNST). Điều đáng mừng là trong các lĩnh vực được đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cho thấy sự nổi trội của ngành dịch vụ du lịch. Đây là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm đầu từ nhất từ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với 15.4%; ở vị trí thứ hai là lĩnh vực IT (13.2%); thứ ba là lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (11.0%). Điều này cho thấy ngành dịch vụ du lịch rất có tiềm năng và cần được khai thác, và nên khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần tính toán thật kỹ lưỡng từ ý tưởng, đến mô hình kinh doanh và kế hoạch kinh doanh.
Theo Bloomberg, đa phần những doanh nhân khởi nghiệp thường gặp thất bại trong những giai đoạn đầu tiên, cứ khoảng 10 dự án kinh doanh thì có đến 8 dự án thất bại trong 18 tháng đầu. Nghiên cứu của Small Business Administration chỉ ra rằng có một nửa doanh nghiệp mới tồn tại được trong 5 năm đầu và chỉ 1/3 số doanh nghiệp này tồn tại được trong 10 năm. Trung bình chung, trên 90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại (Marmer, Hermann & Berman, 2011) và hầu hết là do các doanh nghiệp tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc vào những sản phẩm và dịch vụ không như kỳ vọng (Nobel, 2011). Thống kê của Topica Founder Institute (2016) về các mô hình khởi nghiệp thành công ở Việt Nam cho thấy, chỉ có khoảng 28 startup tạm xem là thành công, tức là thỏa mãn được một trong các tiêu chí có định giá từ 10 triệu USD hoặc doanh thu từ 2 triệu USD hoặc có từ 100 nhân viên hoặc đã gọi vốn vòng 2 hoặc đã bán được công ty với giá tốt. Các startup này đều học hỏi và bản địa hoá từ mô hình đã thành công ở nước ngoài.
Hội thảo đã trình bày những quan điểm, tư tưởng và những giải pháp góp phần thúc đẩy hoạt động Khởi nghiệp sáng tạo theo hướng bền vững ở Việt Nam.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga
Bộ môn Lữ Hành