TTH – Những năm qua, lười đọc đã trở thành căn bệnh phổ biến trong giới sinh viên. Tại Huế, nhiều sinh viên năm thứ tư mới bắt đầu tìm đến thư viện.
Tại thư viện khoa Du lịch – Đại học Huế (ĐH), (một nữ sinh viên đến mượn sách) không biết cách truy cập thư viện số (thư viện điện tử). Em thừa nhận, đây là lần đầu em đặt chân đến thư viện của trường.
Trong rất nhiều trường hợp chúng tôi khảo sát, đa số đều ít lên thư viện; việc tra cứu tài liệu trên thư viện điện tử không nhiều người thực hiện. Đối tượng thường xuyên nghiên cứu tài liệu ở thư viện thường là những sinh viên các năm cuối, tìm các tài liệu liên quan đến công trình niên luận, khóa luận. Còn lại, lượng sinh viên tìm đọc các tài liệu chuyên sâu phục vụ cho chương trình học của mình chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, cán bộ phụ trách hoạt động thư viện Khoa Du lịch chia sẻ, năm học 2015 – 2016, số lượt độc giả đến thư viện là 4.727 lượt, trong đó thư viện truyền thống là 1.269 lượt, truy cập thư viện số là 3.458 lượt. Lượng bạn đọc đến thư viện chủ yếu vào đầu năm học, khi thư viện giới thiệu, phổ biến tài liệu, sách,…; ngày học bình thường, thư viện truyền thống trong cảnh vắng tênh, lượng truy cập thư viện số cũng thất thường.
Nên đưa đọc sách vào chương trình kỹ năng
Khảo sát nhiều điểm trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế, hầu hết đều chú trọng xây dựng thư viện điện tử, giải quyết được vấn đề tiết kiệm thời gian cho sinh viên đến thư viện. Sinh viên có thể truy cập mọi lúc mọi nơi, tìm kiếm nguồn tài liệu cần thiết một cách nhanh chóng (nếu có mạng), tiêu biểu như thư viện Khoa Du lịch, Trung tâm Thông tin Thư viện Trường ĐH Khoa học, Trung tâm Học liệu (ĐH Huế),… Nhằm giải quyết vấn đề bản quyền (thư viện điện tử không được đăng các tài liệu bản quyền của nhà xuất bản), các thư viện truyền thống đang đầu tư, sửa sang cơ sở vật chất, bổ sung đầu sách, tăng cường quảng bá, tạo nhiều mô hình hoạt động thư viện hay; nhiều trường có phòng tư liệu của các khoa phục vụ công tác tra tìm tài liệu, đọc sách của sinh viên. Tuy nhiên, trái với nỗ lực của các trường, các thư viện, sinh viên vẫn chưa mặn mà.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thư viện Trường ĐH Khoa học cho rằng, có một phần dễ dãi nào đó từ phía người dạy trong cách chấm điểm, kiểm tra đánh giá năng lực, sự hiểu biết chuyên sâu kiến thức ngành của sinh viên khiến các em chưa đọc nhiều. Với những sinh viên thích đọc tài liệu chuyên ngành, rào cản lớn nhất là thư viện không mua được nhiều tài liệu này vì ít xuất bản. Ngoài phân tích trên, việc giảng viên chưa tìm hiểu nhiều tài liệu hay để giới thiệu cho sinh viên cũng là một lý do. Thư viện như “biển hồ” tài liệu, trong khi sinh viên không thể biết được tài liệu nào cần thiết cho mình, dẫn đến sách nằm chờ người đọc.
Tìm hiểu mô hình thư viện ở nhiều nơi, được biết, việc tổ chức mời tác giả về thuyết trình giới thiệu sách khá hiệu quả, thu hút người đọc. Mới đây, thư viện Khoa Du lịch mời Giáo sư Trần Ngọc Thêm giới thiệu sách, được sinh viên chào đón.
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm chụp ảnh cùng bạn đọc tại Khoa Du lịch Đại học Huế
Để thu hút sinh viên đọc sách, cần có kế hoạch cụ thể từng bước, trước tiên là thay đổi nhận thức của người đọc thông qua phối hợp giữa cán bộ thư viện với đội ngũ giảng viên. Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, nên có các kỹ năng đọc sách, tra cứu tài liệu, kỹ năng thay đổi tư duy người học để họ tiếp cận nhiều hơn với sách, những cuộc thi tìm hiểu sách sẽ giúp hoạt động của thư viện hiệu quả hơn, qua đó tác động tích cực đến sự yêu thích người học.
Lê Hữu Phúc( Thừa Thiên Huế online)