Ngày 23.11, tại Đại Nội Huế, gần 250 học sinh đại diện cho các cấp học trên địa bàn TP.Huế đã cùng tham gia trải nghiệm các trò chơi và tìm hiểu về di sản văn hóa Huế. Dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở GD&ĐT cũng ký kết nhiều nội dung nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục di sản cho học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.
Thời gian qua, ngành giáo dục và ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp hữu hiệu đế đưa di sản vào trường học như truyền dạy Ca Huế, thành lập các CLB Ca Huế và các CLB nhạc cụ dân tộc tại các trường học, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa tham quan, tìm hiểu di sản thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, các buổi giao lưu trải nghiệm biểu diễn nghệ thuật truyền thống, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa Huế tại các trường học… Đặc biệt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có chính sách miễn vé tham quan di tích đối với học sinh trên địa bàn toàn tỉnh nên đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức các giờ ngoại khóa để học sinh tìm hiểu về di sản văn hóa.
Các cháu 5 tuổi trường Mầm non Hoa Mai (TP.Huế) biểu diễn múa cung đình cùng các nghệ sĩ
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức nhân cách và truyền thống văn hóa Huế cho học sinh, với các nội dung chính: xây dựng giáo trình hỗ trợ giáo dục lịch sử văn hóa và con người Huế; tổ chức trải nghiệm di sản và tập huấn giáo viên về tích hợp giảng dạy lịch sử văn hóa và con người Huế… Hiện nay, trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì giáo dục địa phương chiếm 20% thời lượng nội dung và là chương trình chính khóa. Theo đó, bố trí đầy đủ học liệu, tư liệu cũng như các điều kiện đảm bảo việc giáo dục di sản mang lại hiệu quả, chất lượng.
Em Uyên Nhi, học sinh lớp 8 trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP.Huế) tấu đàn tranh về dân ca 3 miền
Trong đợt ký kết ghi nhớ chương trình hợp tác Giáo dục di sản văn hóa Huế lần này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ phối hợp và hỗ trợ ngành giáo dục địa phương triển khai nhiều nội dung và chương trình hoạt động để đưa di sản văn hóa Huế đến với các thế hệ học sinh. Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: việc ký kết này là bước chuyển động quan trọng về hình thức, đồng thời hiện thực hóa chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đưa giáo dục di sản vào trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Thừa Thiên Huế là địa phương hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và di sản phi vật thể trong cả nước. Trong đó, có đến 5 di sản của triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc- Âm nhạc cung đình Việt Nam, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Việc đưa chương trình giáo dục di sản văn hóa vào trường học sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn lịch sử địa phương mình, trân trọng vốn di sản quý giá của cha ông để lại; từ đó, khơi dậy lòng tự hào và ý thức bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa của thế hệ trẻ.
Biểu diễn múa lục cúng hoa đăng của cung đình triều Nguyễn
Nội dung chương trình hợp tác Giáo dục di sản văn hóa Huế giữa Sở GD&ĐT và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế gồm: Biên soạn các loại hình tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa Huế dùng cho học sinh; Xây dựng chuyên đề học tập lịch sử tại Khu di sản văn hóa Huế; Xây dựng các chương trình hoạt động, tìm hiểu, khám phá, tương tác các hoại hình di sản (di sản văn hóa vật thể; di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu) cho học sinh các cấp; Tổ chức các cuộc thi học sinh tìm hiểu di sản văn hóa Huế…
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ký kết ghi nhớ về đẩy mạnh giáo dục di sản văn hóa Huế cho học sinh
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: việc ký kết đẩy mạnh công tác giáo dục di sản văn hóa rất quan trọng đối với cả 2 ngành văn hóa và giáo dục hiện nay, nhất là ở vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống xứ Huế. Phải phấn đấu để cứ hàng năm, mỗi học sinh sẽ được tham quan trải nhiệm di sản Huế ít nhất một lần. Và trước hết, ngành giáo dục cần phải “trang bị” những thông tin, nội dung di sản văn hóa Huế cho giáo viên; bởi họ chính là người sẽ lên kế hoạch và hướng dẫn cho học sinh trong các đợt tham quan đó.
“Tỉnh có chính sách miễn vé tham quan di sản cho học sinh trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh các trường học tiếp cận, tìm hiểu và trân quý di sản văn hóa. Nhưng các trường học cũng lưu ý rằng, đi tham quan phải có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng, có người hướng dẫn để học sinh định hình được giá trị quý báu của di sản chứ không phải đi tham quan vì được miễn vé. Do đó, theo tôi thì các giáo viên cũng phải biết và hiểu về di sản văn hóa Huế trước khi có kế hoạch cho học sinh tham quan, trải nghiệm”- ông Thọ nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ tham quan và trải nghiệm trò chơi cung đình tại khu di sản Hoàng Cung Huế
Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng Sở giáo dục cần phối hợp với các đơn vị liên quan để sớm xây dựng bộ giáo trình hàng đầu quốc gia về giáo dục địa phương; trong đó, việc giáo dục di sản văn hóa phải có các nội dung phù hợp theo từng độ tuổi của học sinh các cấp (cấp 1, cấp 2, cấp 3). Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu Sở VHTT và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có kế hoạch tìm nguồn lực để chỉnh trang, trùng tu các di tích liên quan đến sự học, như: chính trang di tích Văn Thánh Võ Thánh, di dời dứt điểm các hộ dân trong di tích Quốc Tử Giám, tu bổ và chỉnh trang Di Luân Đường… Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, ông Phan Ngọc Thọ đã gửi lời chúc mừng đến toàn thể cán bộ công nhân viên chức và người lao động đang làm việc tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đơn vị văn hóa trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham quan và trải nghiệm các trò chơi cung đình, trò chơi dân gian tại Khu di sản Hoàng Cung Huế.
Nguồn: http://baovanhoa.vn