Tháng 12 vừa qua, tôi cùng với các đồng nghiệp làm công tác giảng dạy và nghiên cứu du lịch ở Đại học Huế có dịp đi đến Hàn Quốc để giao lưu học hỏi ở một số trường đại học và được trải nghiệm các dịch vụ du lịch và khách sạn của nước bạn nhằm có thêm tư liệu phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu. Mặc dù chuyến đi giao lưu học hỏi và thăm thú ở Hàn Quốc chỉ vỏn vẹn trong 5 ngày 4 đêm, chủ yếu ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nhưng cũng đã mở rộng tầm mắt cho chúng tôi về việc sử dụng và khai thác tài nguyên du lịch cũng như chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp du lịch, khách sạn tại xứ sở “Kim Chi”.
Đầu tiên và cũng là cảm nhận lớn nhất của tôi, đó là người Hàn Quốc đã rất khôn khéo khai thác những yếu tố thiên nhiên tưởng chừng bất lợi để phục vụ du lịch, thu hút khách nước ngoài và để giới thiệu hình ảnh đất nước họ ra khắp thế giới.
Đoàn chúng tôi bắt chuyến bay từ sân bay quốc tế Đà Nẵng và hạ cánh ở sân bay Incheon, Seoul sau chừng 6 giờ bay. Đây đang là thời gian vào mùa đông ở Hàn Quốc. Mặc dù trời rất lạnh, nhiệt độ thường xuyên dưới âm 9 độ C và có tuyết rơi nhưng vẫn không ngăn được dòng du khách đổ về đảo Nami, một hòn đảo hoang sơ với những hàng cây trụi lá khi vào đông. Một vài mảnh tuyết trong đêm còn vương vấn trên con đường ngoằn ngoèo lên đảo khiến cho phong cảnh của mùa đông xứ Hàn thêm phần lãng mạn, làm nao lòng khách phương xa. Tuy nhiên khách thăm đảo không phải vì cảnh đẹp mà bởi vì sự lan tỏa siêu tốc của bộ phim “Bản tình ca mùa đông” được quay tại nơi đây từ năm 2002 đã thu hút một lượng lớn khách du lịch quốc tế đến với đảo. Du khách đến đây hầu như chỉ để chụp hình với bức chân dung của hai nhân vật chính mà họ yêu thích trong bộ phim đó, Choi Ji Woo và Bae Yong Joon, và lang thang nhìn ngắm phim trường với những khung cảnh trong phim mà họ đã từng dõi theo mê mẩn trên sóng truyền hình. Và từ đó đến nay, thông qua con đường du lịch, hòn đảo nhỏ bé này đã mang lại không biết bao nhiêu là lợi nhuận cho nước Hàn.
Sau khi tham quan đảo Nami, đoàn chúng tôi trở về Seoul, check in vào khách sạn 3 sao, và bắt đầu từ đây, chúng tôi “ngộ” ra được nhiều điều về cách sử dụng nguồn nhân lực trong các khách sạn ở Hàn Quốc.
Tại bộ phận lễ tân của khách sạn, không có nhân viên trực mở cửa hay người xách hành lý, chỉ có duy nhất một nhân viên lễ tân làm thủ tục nhận phòng, đồng thời cũng là người giải quyết mọi yêu cầu của du khách trong thời gian lưu trú. Tại bộ phận nhà hàng, số lượng nhân viên phục vụ cũng ở mức tối thiểu. Theo quan sát của chúng tôi, cả một nhà hàng rộng rãi mà chỉ có duy nhất một nhân viên phục vụ, vừa hướng dẫn khách, vừa quan sát để bổ sung thức ăn kịp thời khi các khay thức ăn vơi. Điểm tâm buổi sáng được phục vụ theo kiểu buffet tự chọn, khách đặt phiếu ăn vào một chiếc rổ xinh xắn được đặt ngay cửa thang máy ở lối vào nhà hàng và tự phục vụ theo nhu cầu của bản thân. Thực khách dùng bữa xong phải tự mình dọn dẹp, phân loại đĩa, muổng, ly, tách đã dùng để vào trong các khay riêng đặt gần cuối nhà hàng. Trong thời gian lưu trú khá dài (5 ngày 4 đêm) chúng tôi nhận thấy khách sạn có rất ít nhân viên, ở mỗi bộ phận chỉ có khoảng từ 1 đến 2 người, mọi hoạt động của khách đều có camera theo dõi, nếu có gì bất trắc, nhân viên lễ tân sẽ giúp đỡ ngay.
Ngoại trừ bữa sáng được xem là bữa ăn chính có nhiều món, các bữa ăn trưa và chiều của người Hàn rất đơn giản nên không tốn kém nhiều thời gian cũng như người phục vụ vì mỗi bữa chỉ một món chính, thường là cá nướng hoặc thịt nướng hoặc món kim báp cùng với canh rong biển. Hầu hết các bữa ăn của người Hàn đều có món kim chi cũng như rong biển hay dưa củ cải để ăn kèm, nhưng họ bày ra trên đĩa không nhiều và người ăn phải tự lấy thêm vừa đủ cho mình, không được để thừa các gia vị đó nếu không muốn bị coi thường vì lãng phí. Tăm xỉa răng không được phục vụ, hỏi thăm nhân viên mới biết là tất cả các loại thức ăn thừa sẽ được phân loại sau đó một cách khoa học để cung cấp làm thức ăn cho gia súc, nếu tăm bị lẫn vào sẽ làm tổn thương các con vật nuôi khi chúng dùng thức ăn thừa đó. Hầu như tất cả các nhà hàng mà đoàn chúng tôi đến đều chỉ có 1- 2 người phục vụ chứ không đông đảo như ở ta và họ phải làm tất tần tật mọi thứ, từ việc bưng bê thức ăn, dọn dẹp bàn ăn, thu dọn bát đĩa…
Việc khai thác nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống dân tộc phục vụ phát triển du lịch tại Hàn Quốc cũng rất đáng để chúng ta học tập. Tại các điểm tham quan chỉ có người trực cổng, bên trong điểm tham quan không được phép mua bán dưới hình thức nào, vì vậy nơi nào cũng rất sạch sẽ và chỉnh chu. Người dân có thể thuê các địa điểm di tích văn hóa – lịch sử để tái tạo, phục dựng lại các nghi thức sinh hoạt của cung đình ngày xưa như đám cưới của công chúa và phò mã ngay tại chính các cung điện công chúa và phò mã đã từng sinh sống để phục vụ cho du khách thưởng lãm.
Tại các nhà hàng đặc sản của Hàn Quốc, du khách được trải nghiệm làm kim chi hay kim báp, khiến cho khách du lịch, nhất là phụ nữ rất phấn khích và thích thú. Có thể nói dịch vụ làm kim chi tại chổ đã cho chúng tôi một sự sự trải nghiệm tuyệt vời nhất. Sản phẩm kim chi do du khách làm ra sẽ được mang gửi tặng cho trẻ em mồ côi hoặc không nơi nương tựa. Đây là cách làm từ thiện đậm tính nhân văn, đánh vào tấm lòng nhân ái và sự sẻ chia, tạo cảm hứng và niềm vui cho du khách vì sản phẩm của họ đã có địa chỉ sử dụng và đem lại lợi ích cho cộng đồng nên ai cũng đều cố gắng làm cho tốt, chứ không qua loa, đại khái. Từ cách làm du lịch kết hợp từ thiện nói trên đã gợi mở cho du lịch Thừa Thiên Huế hướng vận dụng tại các cơ sở sản xuất, chế biến các món ăn truyền thống mang đậm hương vị xứ Huế, thông qua hình thức hướng dẫn, dạy khách du lịch cách làm bún bò, các loại bánh nậm, bánh lọc, bánh bèo, kẹo mè xửng… Rồi từ đó nhân rộng ra làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh như làm nón, thêu, đan lát mây tre… nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Huế nhiều hơn.
Chuyến du lịch Hàn Quốc đã để lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm tuyệt vời và nhiều bài học bổ ích nên mặc dù giá tour khá cao nhưng ai cũng hài lòng và hạnh phúc, đúng như ông cha ta đã nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ”. Dư vị của chuyến tham quan, học hỏi vẫn còn lan tỏa, để rồi cô đọng lại trong tâm trí trong mỗi người, và đó là cái hay, cái độc đáo mà du khách luôn muốn quay lại xứ sở “Kim Chi”.
Th.S Nguyễn Thị Ngọc Cẩm