Hệ sinh thái chuyển đổi số ngành du lịch
Theo Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng, triển khai Đề án Phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 06/QĐ-TTg , ngày 06 tháng 01 năm 2022) để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về du lịch, trong đó ưu tiên tích hợp cơ sở dữ liệu căn cước công dân với cơ sở dữ liệu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho thống kê, quản lý khách du lịch.
Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng cao trải nghiệm du khách bao gồm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia; phát triển trang mạng du lịch quốc gia, ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel”, thẻ Việt – thẻ du lịch thông minh phục vụ khách du lịch; phát triển nền tảng số “Quản trị và kinh doanh du lịch”.
Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia, các nền tảng số kết nối liên thông hệ thống thông tin du lịch với các ngành liên quan phục vụ công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế.
Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam; thiết kế, xây dựng, tổ chức, vận hành một trang web quốc gia và một ứng dụng di động quốc gia về du lịch theo cách chuyên nghiệp, nội dung phong phú, hấp dẫn và mang lại nhiều hữu ích cho khách du lịch.
Về phía các Hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả giữa các doanh nghiệp du lịch và các tập đoàn lớn về viễn thông, công nghệ thông tin theo cơ chế thị trường trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thẻ Việt – Thẻ du lịch thông minh (Thẻ du lịch quốc gia)
Với vai trò là đơn vị đầu mối trong lĩnh vực chuyển đổi số du lịch, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch đã tập trung xây dựng và triển khai hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc, khắc phục tình trạng “trăm hoa đua nở”.
Trong đó, yếu tố cốt lõi là hình thành các nền tảng số ở tầm quốc gia nhằm hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch, hướng tới phục vụ các chủ thể chính trong ngành du lịch là cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương, các điểm đến, các đơn vị kinh doanh du lịch và khách du lịch.
Các nền tảng số chính gồm có: hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương; hệ thống Dashboard tích hợp thông tin điều hành du lịch giúp cơ quan quản lý tổng hợp số liệu quan trọng; hệ thống báo cáo thống kê du lịch được quy định tại Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL.
Thẻ Việt – Thẻ du lịch thông minh định danh khách hàng, hỗ trợ giao dịch an toàn, nhanh chóng; ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel” với những tính năng ưu việt nâng cao trải nghiệm cho du khách cùng tính năng phản ánh bảo vệ quyền lợi của du khách; ứng dụng “Quản trị và Kinh doanh du lịch” tích hợp nhiều tiện ích trong hoạt động kinh doanh; “Trang vàng du lịch Việt Nam” hỗ trợ quản lý bán hàng, tương tác với khách du lịch; hệ thống vé điện tử áp dụng tại các điểm tham quan kiểm soát tối ưu quy trình quản lý vận hành, thanh toán thuận tiện cho du khách.
Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel”
Phát triển mạnh kênh truyền thông số của Tổng cục Du lịch, gồm có các website và các trang mạng xã hội. Trong đó, website https://vietnamtourism.gov.vn phục vụ công tác quản lý nhà nước; website https://vietnam.travel quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với du khách quốc tế; cùng với đó là các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo, Youtube… để góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông tin.
Song song với việc xây dựng các nền tảng số quốc gia về du lịch, trong thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch cũng đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các địa phương trong cả nước triển khai chuyển đổi số trong hoạt động du lịch như Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Lào Cai, Cần Thơ, Sơn La…
Hệ thống vé điện tử đang áp dụng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Ảnh: TITC)
Nguồn: https://vietnamtourism.gov.vn