Nghiên cứu khoa học là một hoạt động đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín và vị thế của Trường Đại học. Hoạt động này không chỉ để tạo cơ hội cho giảng viên, sinh viên được trực tiếp tham gia vào các dự án nghiên cứu nhằm tăng cường kiến thức, hiểu biết về thực tế hoạt động kinh doanh du lịch mà đồng thời góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học thông qua việc áp dụng những lý thuyết về nghiên cứu khoa học vào thực tiễn hoạt động nghiên cứu. Bên cạnh đó, mục tiêu của nghiên cứu khoa học còn góp phần trao đổi, giúp đỡ nghiên cứu đối với những thực tập sinh, nghiên cứu sinh trong nước và ngoài nước đang thực hiện nghiên cứu các vấn đề liên quan đến du lịch.
Xác định tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, Khoa Du lịch – Đại học Huế trong 10 năm qua luôn chú trọng đầu tư kinh phí, phát triển đội ngũ và nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học nói riêng và hoạt động đào tạo của Khoa Du lịch nói chung. Kết quả của sự đầu tư đó có thể tóm lược ở một vài điểm sau:
- Về đội ngũ nhân lực Khoa học và Công nghệ: đến thời điểm hiện tại Khoa Du lịch hiện có tổng số cán bộ cơ hữu: 108 cán bộ, trong đó có 78 cán bộ giảng dạy (chiếm 72,22%), 64,10% cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học (trong đó có 03 Phó giáo sư; 6 Tiến sĩ; 41 Thạc sĩ) phụ trách giảng dạy khối kiến thức chuyên ngành và nhiều cán bộ đang là nghiên cứu sinh ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Đức, Bỉ, New Zealands… ở nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau liên quan đến du lịch chẳng hạn: Kinh tế du lịch, Quản lý du lịch, Quản trị kinh doanh du lịch, Thương mại điện tử du lịch, Địa lý du lịch, Marketing du lịch, Tâm lý du lịch, Công nghệ thông tin & truyền thông trong du lịch…đ áp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học cho học viên của Khoa Du lịch và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
- Về cơ sở vật chất: Khoa Du lịch – Đại học Huế có diện tích trên 3000 m2 với 2 tòa nhà chính trong khuôn viên Khoa. Tòa thứ nhất được bố trí làm Trung tâm thực hành và liên kết doanh nghiệp có 20 phòng thực hành; Thư viện với phòng ốc được trang bị đầy đủ tiện nghi phục vụ cho việc thực hành và học tập ngoài giờ cho học viên, tòa thứ hai gồm 14 phòng học và tổ hợp hành chính được bố trí hợp lý với các trang thiết bị phục vụ học tập, đào tạo và giảng dạy của Khoa như phòng máy tính, máy chiếu, máy điều hòa, hệ thống wifi, các trang thiết bị khác. Thư viện Khoa gồm có các phòng đọc có diện tích sử dụng gần 170 m2, bao gồm các phòng internet, kho sách, tài liệu phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và các nhu cầu khác của sinh viên và giảng viên: Thư viện Khoa có tất cả 3.393 đầu tài liệu in với 7.229 bản sách, bao gồm:1.615 đầu sách tiếng Việt với 1.992 bản; 1.778 đầu sách ngoại văn với 2.361 bản. Ngoài tài liệu in, Thư viện còn có 1.081.722 files sách điện tử và 100 đầu tạp chí điện tử quốc tế chuyên ngành có bản quyền.
Về kết quả nghiên cứu khoa học: Ngay từ những năm đầu mới thành lập, Khoa Du lịch đã triển khai ngay chiến lược hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ thông qua các đề tài nghiên cứu các cấp, đề tài đặt hàng của các địa phương và các dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế. Đưa tiêu chí hoat động khoa học công nghệ vào chỉ tiêu đánh giá đạt chuẩn công việc và thi đua khen thưởng hàng năm. Nhờ vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa trong thời gian qua đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Từ năm 2008 đến nay, cán bộ giảng viên và sinh viên của Khoa đã triển khai thực hiện 195 đề tài, dự án nghiên cứu HTQT các cấp với tổng kinh phí hơn 10 tỉ đồng, trong đó có 14 dự án nghiên cứu HTQT, 02 đề tài cấp nhà nước, 18 đề tài cấp bộ, cấp tỉnh, 14 đề tài cấp ĐH Huế, 103 đề tài cấp cơ sở, và 44 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Các đề tài đều được triển khai đạt kết quả tốt, nhiều đề tài có sản phẩm mang tính ứng dụng cao, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và phục vụ cho hoạt động đào tạo và phát triển của Khoa. Nhiều sản phẩm được đánh giá cao tại các hội chợ triển lãm khoa học công nghệ của khu vực như: Hội chợ triển lãm sản phẩm sáng tạo của sinh viên và cán bộ trẻ Đại học Huế năm 2013, Hội chợ Công nghệ thông tin và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2013, Hội chợ triển lãm Sản phẩm khoa học Công nghệ Đại học Huế năm 2014, Hội chợ Công nghệ và thiết bị vùng Nam Trung Bộ – Tây Nguyên tại Tỉnh Daknong. Tỷ lệ đề tài nghiên cứu khoa học và số công trình khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành khá cao so với các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng hiện nay ở Việt Nam. Các đề tài nghiên cứu khoa học đã góp phần thiết thực vào việc đổi mới, hoàn thiện nội dung giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa, cũng như góp phần tích cực vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn phát triển của ngành du lịch.
Về xuất bản, trong thời gian qua, các cán bộ giảng dạy của Khoa đã chủ biên hoặc tham gia biên soạn 26 giáo trình, sách chuyên khảo và tài liệu giảng dạy được xuất bản tại các nhà xuất bản trong và ngoài nước, 183 bài báo được đăng tại trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó có 40 bài đăng tải ở tạp chí quốc tế và 108 bài đăng tạp chí trong nước.
- Định hướng xây dựng chiến lược phát triển hoạt động khoa học công nghệ: Trong giai đoạn 2018-2022 hoạt động Khoa học Công nghệ của Khoa định hướng tập trung theo một số hướng nghiên cứu chính gắn liền với các ngành, chuyên ngành đào tạo và thực tiễn phát triển du lịch ở các địa phương hiện nay, Cụ thể hóa:
1/ Nghiên cứu các vấn đề trong hoạt động kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế nói riêng và khu vực MT-TN nói chung.
+ Các vấn đề về kinh doanh và phát triển sản phẩm du lịch.
+ Quản trị nguồn nhân lực du lịch
+ Marketing sản phẩm và truyền thông của các doanh nghiệp du lịch lữ hành
+ Chất lượng dịch vụ, quản trị chất lượng và sự hài lòng khách hàng
2/ Nghiên cứu về quản lý điểm đến du lịch và phát triển bền vững
+ Nghiên cứu đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch
+ Nghiên cứu nhu cầu các thị trường và giải pháp marketing điểm đến
+ Giải pháp và mô hình trong quản lý, phát triển điểm đến du lịch cụ thể ở một số địa phương MT-TN
+ Các loại hình du lịch và phát triển bền vững: du lịch tâm linh, du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch có trách nhiệm, du lịch team building, sự kiện và thị trường du lịch lễ hội sự kiện…
3/ Nghiên cứu hình ảnh, thương hiệu và năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch.
+ Hình ảnh điểm đến
+ Xây dựng mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến
+ Phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch
+ Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến
4/ Công nghệ thông tin (IT) trong du lịch và E-marketing
+ Các nghiên cứu xây dựng khung lý thuyết, mô hình và ứng dụng các công cụ và phương thức ứng dụng IT trong du lịch nói chung và E-marketing nói riêng
+ Nghiên cứu điều kiện công nghệ và yếu tố thể chế trong vận dụng IT và E-marketing trong du lịch lữ hành
+ Xây dựng các mô hình ứng dụng E-marketing trong các doanh nghiệp theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp du lịch lữ hành (CAN-SPAM, SEM, Email marketing, Social media marketing…)
5/ Nghiên cứu xây dựng chương trình, giáo trình và giảng dạy môn học, hoạt động thực tập thực tế của sinh viên các chuyên ngành du lịch, đánh giá sản phẩm đầu ra, động cơ, phương pháp và các phương thức tổ chức học tập của sinh viên… góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại Khoa Du lịch – Đại học Huế.