1. Khái quát chung:
Hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ quan trọng mà bất cứ cơ sở đào tạo bậc đại học nào cũng cần phải chú trọng. Mỗi đơn vị đào tạo muốn làm mới mình, muốn không bị lạc hậu trước xu thế phát triển ngày càng sâu và rộng của quá trình hội nhập, muốn luôn đổi mới, sáng tạo và đảm bảo chất lượng đào tạo, thì cần phải coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học trong quá trình đào tạo. Đối với ngành du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương các tỉnh Miền Trung – Tây nguyên và cả nước thì do đặc thù của ngành và yêu cầu khắt khe đối với chất lượng dịch vụ, thì việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ trong đào tạo, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp càng trở nên bức thiết.
Trong bối cảnh đó, Khoa Du lịch – Đại học Huế được thành lập tháng 1/2008 nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Qua 8 năm hoạt động, Khoa Du lịch luôn kiên định với phương châm “Chất lượng tạo nên sự khác biệt” (Best practices make the differences), gắn đào tạo lý thuyết đi đôi với thực hành, nghiên cứu khoa học đi đôi với chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp thông qua các liên kết và hợp tác. Khoa Du lịch luôn xem đây là cách tiếp cận có tính đột phá nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của Tỉnh Thừa Thiên Huế, của các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung Tây Nguyên nói riêng, và của cả nước nói chung.
2. Kết quả đạt được:
Với phương châm đó, trong giai đoạn vừa qua Khoa Du lịch đã có được những kết quả đáng khích lệ về Khoa học Công nghệ chẳng hạn: Số lượng đề tài đã thực hiện có tăng đặc biệt là đề tài NCKH của giảng viên; Kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu về tỷ lệ khá tốt hàng năm vẫn chiếm tỷ lệ cao; Có các sản phẩm của đề tài đạt giải ở các kỳ triển lãm; nhiều đề tài, dự án được các đơn vị sử dụng, đặt hàng đánh giá cao…Cụ thể:
– Các dự án nghiên cứu với sự tài trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) 2007-2008 đã hình thành được bộ cơ sở dữ liệu về chuỗi giá trị du lịch vì người nghèo, phân tích nhu cầu thị trường du lịch hành lang kinh tế Đông Tây được các đối tác đánh giá cao. Các dữ liệu khuyến cáo đã được chuyển tải thông qua các hội nghị quốc tế, làm cơ sở cho việc phân tích phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp quan tâm cũng như cung cấp thêm các tài liệu tham khảo tốt phục vụ công tác giảng dạy.
– Đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu, thử nghiệm một số tua du lịch đầm phá dựa vào cộng động” (2009-2011) đã xây dựng 03 tour du lịch đặc trưng của vùng đầm phá Thừa Thiên Huế và phim quảng bá về vẻ đẹp đầm phá Tam Giang đã được chuyển giao cho Sở Khoa học Công nghệ Tỉnh và một số doanh nghiệp sử dụng để khai thác tour tuyến trong du lịch
– Các đề tài nghiên cứu khác như: “Đánh giá khả năng thu hút khách du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây – Việt Nam”; “Thiết kế và xây dựng hệ thống tư vấn thông tin khách sạn ở thành phố Huế”; “Nghiên cứu phát triển bền vững du lịch di sản ở Thừa Thiên Huế”; “Nghiên cứu xây dụng một số tua du lịch kết hợp từ thiện ở thành phố Huế”; “Nghiên cứu văn hóa Tâm linh trong các lễ hội được tổ chức tại các chùa ở Huế phục vụ phát triển du lịch”… là những đề tài được đánh giá cao đáp ứng xu thế phát triển ngành du lịch của Tỉnh nói riêng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung.
– Sản phẩm ứng dụng: “Ứng dụng hệ thống tư vấn thông tin khách sạn ở thành phố Huế” bước đầu đã được triển khai cho sinh viên Khoa sử dụng đề thực tập môn học; “Kho tài nguyên số thư viện Khoa Du lịch” được Thư viện Khoa Du lịch triển khai sử dụng phục vụ học tập và nghiên cứu cho sinh viên, học viên cao học và giảng viên; “Hệ thống đăng ký chuyên ngành trực tuyến” được Tổ Đào tạo Công tác sinh viên triển khai cho sinh viên năm 2 sử dụng để đăng ký chuyên ngành học; “Ứng dụng lịch công tác tuần” đang được kiểm tra và triển khai cho Tổ Tổ chức Hành chính Khoa sử dụng…
– Một số sản phẩm khoa học tham gia các chương trình triển lãm của Đại học Huế và tỉnh, khu vực tổ chức như: Hội chợ triển lãm sản phẩm sáng tạo của sinh viên và cán bộ trẻ năm 2013, Hội chợ Công nghệ và thiết bị vùng Nam Trung Bộ – Tây Nguyên tại Tỉnh Daknong, Hội chợ triển lãm Sản phẩm khoa học Công nghệ Đại học Huế năm 2014 vào tháng 05/2014, Hội chợ Triển lãm Khoa học Công nghệ – Hội thảo Hợp tác – Phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông, Tỉnh Thừa Thiên Huế có kết quả đáng ghi nhận như 03 giải ba, 02 giải khuyến khích và có một sản phẩm lọt vào top 16 sản phẩm tiêu biểu của Đại học Huế
3. Thống kê số lượng đề tài hàng năm:
Đề tài cấp Tỉnh:
- Nghiên cứu, thử nghiệm một số tua du lịch dựa vào cộng đồng vùng đầm phá Tam Giang (2009)
Đề tài cấp Huyện:
- Nghiên cứu các sản phẩm du lịch và xây dựng website du lịch huyện Phú Lộc, Tỉnh Thừa Thiên Huế (2012)
- Nghiên cứu, biên soạn và xuất bản cẩm nang du lịch huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế (2015)
Đề tài cấp Bộ:
- Đánh giá khả năng thu hút khách du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây – Việt Nam (2010)
Đề tài cấp Đại học Huế:
- Nghiên cứu văn hóa tâm linh trong các lễ hội được tổ chức tại các chùa ở Huế phục vụ phát triển du lịch (2011)
- Thiết kế và xây dựng hệ thống tư vấn thông tin khách sạn ở thành phố Huế (2012)
- Nghiên cứu phát triển bền vững du lịch di sản ở Thừa Thiên Huế (2012)
- Nghiên cứu xây dựng một số tua du lịch kết hợp từ thiện ở thành phố Huế (2013)
- Xây dựng khung ứng dụng sử dụng mô hình đa tác tử hút và đẩy cho hệ thống tư vấn điểm du lịch ở khu vực miền Trung – Việt Nam (2015)
- Nghiên cứu phát triển du lịch lễ hội ở Thừa Thiên Huế (2016)
Đề tài cơ sở cấp Khoa (Đính kèm danh mục)