Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / Cơ hội cho sinh viên Du lịch trong thời kỳ chuyển đổi số

Cơ hội cho sinh viên Du lịch trong thời kỳ chuyển đổi số

Xu hướng số hóa trong du lịch

Những năm xảy ra đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đã làm thay đổi các khái niệm du lịch truyền thống, cách tiếp cận và dẫn dắt nhu cầu du khách. Chuyển đổi số cũng tạo ra giá trị cho lĩnh vực du lịch bằng cách tăng lợi nhuận và chuyển đổi giá trị từ các công ty truyền thống sang các doanh nghiệp công nghệ số, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của hệ sinh thái kinh doanh du lịch.

Hiện nay, chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại hoặc máy tính, du khách đã dễ dàng đặt vé du lịch, mua các sản phẩm du lịch dù bất kể đang ở đâu trên thế giới. Hơn nữa, phương tiện truyền thông xã hội và tiếp thị nội dung có tác động ngày càng nhiều đến việc ra quyết định của khách du lịch. Do đó, các công cụ kỹ thuật số có thể dễ dàng giúp khách hàng luôn cập nhật, chia sẻ tin tức của công ty, quảng cáo các ưu đãi đặc biệt phục vụ nhu cầu thông tin điểm đến của mình. Điều này cho thấy thị trường kinh doanh du lịch đã thay đổi trong thời đại công nghệ 4.0, các mô hình kinh doanh truyền thống đã chuyển đổi trọng tâm sang kinh doanh kỹ thuật số với việc ứng dụng các nền tảng công nghệ tạo ra loại hình kinh doanh mới, chuyên nghiệp và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Ứng dụng công nghệ trong du lịch phát triển mạnh mẽ sau thời kỳ Covid – 19. Ảnh: internet

Khảo sát mới đây của Vietnam Report thực hiện trong tháng 11/2022 cho thấy, kênh đặt dịch vụ được phần lớn du khách lựa chọn qua ứng dụng du lịch như: Traveloka, Booking.com… (78,5%). Tiếp đó là qua website của công ty du lịch (56,9%), rồi mới đến đặt trực tiếp tại văn phòng của đại lý, công ty du lịch (36,9%). Xu hướng khách du lịch ưu tiên các phương thức thanh toán không tiếp xúc, hạn chế tiền mặt nhiều hơn với tỷ lệ khách hàng sử dụng thẻ ATM/Visa lên tới 72,3%, chuyển khoản 52,3%, ví điện tử 46,2% rồi mới đến tiền mặt (33,9%).

Các địa phương trong cả nước cũng tích cực trong công cuộc chuyển đổi số ngành du lịch, ứng dụng du lịch thông minh. Nhiều địa phương đã triển khai các tính năng như trợ lý du lịch ảo hỗ trợ du khách, tăng cường hệ thống thuyết minh tự động hay triển khai số hóa dữ liệu và hình ảnh. Tại Đà Nẵng đã sử dụng ứng dụng chatbot “Da Nang Fantasticity” cung cấp các thông tin du lịch tại đây hay tại Thừa Thiên Huế, các app như Hue City Passport, App Di tích Huế… được du khách sử dụng rộng rãi trong việc tìm kiếm các thông tin liên quan đến du lịch, hoạch định chương trình du lịch mỗi lần ghé thăm vùng đất này. Số hóa hệ thống dữ liệu du lịch không chỉ giúp chủ động cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu về điểm đến của du khách thông qua thiết bị thông minh; mà còn hướng tới đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thuận tiện với các chủ thể liên quan, từ đó, tăng cường hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh cũng như uy tín thương hiệu du lịch quốc gia.

Các điểm tham quan, di tích tích hợp mã QR cung cấp thông tin điểm đến cho du khách. Ảnh: internet

Đào tạo nhân lực du lịch trong giai đoạn số hóa

Trước nhu cầu nhân lực đáp ứng được cả chuyên môn và công nghệ, nhiều trường đại học đã chú trọng đào tạo sinh viên có khả năng thích ứng nhanh với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, đáp ứng nhu cầu mới đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.

Nắm bắt được làn sóng đổi mới đó, là một trong những địa chỉ tiên phong đào tạo chuyên sâu về ngành du lịch, Trường Du lịch – Đại học Huế đã đẩy mạnh đầu tư các ứng dụng công nghệ hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập, góp phần thúc đẩy sự liên kết liên ngành du lịch, đáp ứng được nhu cầu thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực này. Đồng thời, trường tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với các doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng như công nghệ để xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nhân lực.

 

Trường Du lịch – Đại học Huế chú trọng đầu tư trang thiết bị công nghệ phục vụ cho ngành Du lịch điện tử

Hiện nay, ngành Du lịch điện tử tại Trường Du lịch  – Đại học Huế đang phân chia thành 2 chia ngành: Kinh doanh số và Marketing số nhằm giúp sinh viên có nhiều sự lựa chọn trong quá trình học cũng như đáp ứng nhu cầu việc làm đang thiếu hụt trong lĩnh vực này. Trường Du lịch đã chủ động trong việc xây dựng các học phần kết hợp lý thuyết và thực tiễn, cập nhật các xu hướng phát triển du lịch số hiện nay, cung cấp cho sinh viên cái nhìn đa chiều từ ngành học này.

Sinh viên học ngành Du lịch điện tử được tiếp cận với trang thiết bị hiện đại, tiên tiến
Sinh viên được trải nghiệm, học tập tại các học phần kỹ năng của ngành Du lịch điện tử

Ngành Du lịch điện tử hay còn được biết đến với tên gọi E- Tourism là ngành học được đào tạo kết hợp giữa khối kiến thức Du lịch và Công nghệ thông tin … Ngành học này giúp người học sử dụng ứng dụng Công nghệ thông tin, Internet, Phân tích dữ liệu, Digital Marketing làm nền tảng để thực hiện các tương tác đa chiều, hiệu quả, cho phép giảm chi phí, tăng tốc độ thu thập và xử lý dữ liệu, đồng thời mang đến những trải nghiệm sinh động, chân thực hơn, tạo ra giá trị mới cho khách hàng trong các lĩnh vực du lịch.

Theo học ngành Du lịch điện tử, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức cần thiết về kinh doanh du lịch, kết hợp với tư duy chiến lược về phân tích dữ liệu, quản trị và kiến thức, kỹ năng Công nghệ thông tin. Sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức nền tảng và chuyên sâu về du lịch trên nền tảng internet; có năng lực hoạch định, tổ chức thực thi các dự án chuyển đổi số trong doanh nghiệp du lịch; phát triển mô hình du lịch số và thiết lập các dự án khởi nghiệp số.  Bên cạnh đó, sinh viên còn được thực hành công cụ phân tích dữ liệu, rèn luyện những kỹ năng cần thiết như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm; cơ hội tham gia nghiên cứu; tư duy logic nhạy bén giải quyết các tình huống phát sinh; phát triển năng lực ngoại ngữ… giúp ích cho công việc tương lai sau này.

Sinh viên ngành Du lịch điện tử tham gia thực tập tại các doanh nghiệp kinh doanh điện tử để phát triển các kỹ năng về công nghệ thông tin
Ngoài ra, sinh viên tham gia các chuyến thực tế để tìm hiểu về quy trình kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch hiện nay
Sinh viên tham gia các cuộc thi về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển du lịch

Cơ hội rộng mở khi học ngành Du lịch điện tử

Chính sự phát triển mạnh mẽ của cung và cầu, nền kinh tế kỹ thuật số gần như bùng nổ và ngày càng trở nên quen thuộc với mọi người, thúc đẩy các công ty tìm kiếm những lợi thế cạnh tranh, kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch cũng ngày càng tăng cao với nhiều vị trí hấp dẫn, đặc biệt là với thế hệ Gen Z năng động, được mệnh danh là thế hệ “ăn công nghệ, ngủ công nghệ”…  Vì thế, việc sở hữu kiến thức và cơ hội nghề nghiệp ngành Du lịch điện tử chính là lợi thế mà bất kỳ sinh viên đam mê làm việc trong ngành này luôn muốn hướng đến.

Ngành học Du lịch điện tử hiện nay được xem là ngành học đầy hứa hẹn trên thị trường lao động Việt Nam và thế giới…Sau khi tốt nghiệp, sinh viên trở thành những người có năng lực trong hoạt động phân tích dữ liệu, nắm bắt xu hướng, quản trị và giải quyết các bài toán bằng cách ứng dụng nền tảng số, mang đến trải nghiệm thuận tiện, hữu ích và nhanh chóng nhất cho khách hàng. Sinh viên sẽ dễ dàng có cơ hội làm việc trong đa dạng lĩnh vực ngành nghề từ E-Commerce, E-transport, E-learning, E-Wallet, Fintech… Và các vị trí việc làm hấp dẫn các bạn có thể làm là:  Giám đốc kinh doanh thương mại điện tử, Giám đốc bán hàng trực tuyến, Chuyên viên phân tích dữ liệu kinh doanh, Chuyên viên chuyển đổi kỹ thuật số, Chuyên viên thương mại điện tử, chuyên viên Digital Marketing, Chuyên viên quản lý dự án, Tự khởi nghiệp các mô hình kinh doanh online…

Phan Đình Quân – sinh viên tốt nghiệp ngành Du lịch điện tử năm 2023, hiện đang làm content marketing cho công ty Wglobal và là Giảng viên tập sự DSH Viet Nam

Bởi vì Du lịch điện tử là một ngành năng động và có mức tăng trưởng nhanh nên thu nhập của người lao động cũng rất khả quan, phụ thuộc nhiều vào khả năng và sự đóng góp thực tế của mỗi người. Theo thống kê từ các Website nghiên cứu về mức lương hiện nay như vietnamsalary.vn, Salary.com, Jobgo.vn…, mức lương trung bình của ngành Du lịch điện tử như sau:

– Mức lương Du lịch điện tử bậc thấp nhất: 7 triệu/tháng.

– Mức lương Du lịch điện tử bậc trung bình: 13 triệu 360 nghìn đồng/tháng.

– Mức lương Du lịch điện tử bậc cao nhất lên đến: 30 triệu 250 nghìn đồng/tháng.

Mức lương có sự chênh lệch là do trình độ chuyên môn, vị trí công việc cụ thể, kinh nghiệm, thâm niên. Có thể thấy, mức lương của ngành thương mại điện tử cao hơn mặt bằng chung khá nhiều. Lương ở mức thấp nhất đã là 7.000.000đ với những người chưa có kinh nghiệm. Chính sự hấp dẫn về mức lương mà ngành này đang ngày càng được săn đón. 

Là một ngành có mức độ tăng trưởng nhanh, luôn đổi mới sáng tạo và yêu cầu nguồn nhân sự chất lượng cao, thu nhập của người lao động luôn nằm trong mức khả quan. Khi đã có kinh nghiệm tích lũy, việc thăng chức và tăng lương không còn quá khó khăn. Cụ thể:

– 2 – 3 năm kinh nghiệm: khoảng 9 – 11 triệu/tháng

– Trên 5 năm kinh nghiệm: từ 12 – 15 triệu/tháng

Con số này thay đổi theo vị trí và nhiệm vụ cụ thể mà bạn đảm nhận.

Mức lương trung bình cho nhân viên kinh doanh tour du lịch
Hiện tại nhu cầu nhân sự du lịch đặc biệt là nhân sự ngành Du lịch điện tử đang rất khan hiếm
Mức lương dao động từ 20- 30 triệu đồng nhưng không yêu cầu kinh nghiệm
Cơ hội việc làm đối với sinh viên ngành Du lịch điện tử đang rộng mở

Minh Nhật (Khoa QLSK&CNTT)

About Khoa QLSK&CNTT

Tin liên quan

9 lý do nên chọn Trường Du lịch – Đại học Huế

Trường Du lịch – Đại học Huế có sứ mạng đào tạo và cung cấp …