Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH LÀNG GỐM THANH HÀ, HỘI AN

MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH LÀNG GỐM THANH HÀ, HỘI AN

          Hiện tại, du khách đến với làng gốm Thanh Hà khá đa dạng; chúng ta thấy có sự xuất hiện của cả khách du lịch nội địa và quốc tế; khách cũng đến từ nhiều nguồn: Tự đến hay là đi theo các công ty du lịch. Vào ngày 27/8/2019, “Nghề gốm Thanh Hà, phường Thanh Hà, TP. Hội An, Quảng Nam được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ giúp cho việc lưu giữ giá trị làng nghề tốt hơn và phục vụ khách du lịch tốt hơn. Du khách đến với Thanh Hà hơn 2,2 triệu lượt khách vào 9 tháng đầu năm 2019 (Thống kê của ban quản lý di tích – Trung tâm di tích Hội An). Đây là con số nói lên được rằng sự hiệu quả trong việc khai thác. Cụ thể, tính đến hết tháng 9 năm 2019, tình hình du lịch Thanh Hà được thể hiện chi tiết qua những số liệu thống kê đáng kỳ vọng: 1.618.572 lượt khách quốc tế đến và 633.402 lượt khách nội địa. Hiện nay, làng nghề có 33 hộ sản xuất với 80 lao động, trong đó có 5 Nghệ nhân Ưu tú đều đã ở độ tuổi 70 – 80. Sản phẩm có hai dòng gốm là gốm sành nâu còn gọi là đồ xanh và dòng gốm đỏ, còn gọi là đồ đỏ.

          Nghiên cứu sự xuất hiện tồn tại và phát triển của làng gốm Thanh Hà – Hội An cho thấy sự phát triển của làng Gốm chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố tự nhiên, kinh tế, xã hội. Các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tới sự phát triển của làng nghề truyền thống phục vụ du lịch bao gồm:

          Một là, nhu cầu của người tiêu dùng và khách du lịch trên thị trường.

Cũng như bất kì các ngành sản xuất, sản xuất của các làng gốm Thanh Hà phục vụ du lịch cũng phải tuân theo quy luật cung cầu của thị trường. Vì vậy sự phát triển của nó trước hết phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Cần khẳng định rằng những sản phẩm thủ công truyền thống dù chúng ta yêu mến đến đâu nhưng nếu không có thị trường, không có nhu cầu về sản phẩm đó thì ngành nghề truyền thống cũng như các làng nghề truyền thống không thể phát triển được.

Dân cư thành thị và du khách (đặc biệt là khách quốc tế) nói chung là họ có mức sống cao, có “lối sống thành thị”. Do đó, nhu cầu dịch vụ hết sức đa dạng, hoạt động dịch vụ cực kì phức tạp, nhu cầu về các sản phẩm mỹ nghệ rất lớn. Vì vậy, số lượng dân cư thành thị và du khách ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ những sản phẩm thủ công truyền thống. Chính vì vậy, Thanh Hà đã xây dựng mô hình dựa trên yếu tố nhu cầu của khách du lịch, nội địa và quốc tế.

          Hai là, trình độ của nghệ nhân và đội ngũ thợ làng nghề, sự tham gia trực tiếp của người dân trong làng.

Cần phải khẳng định rằng vị trí của nghệ nhân đối với các làng nghề truyền thống là rất lớn. Chính tài năng của các nghệ nhân với đôi “bàn tay vàng” của họ đã tạo nên những sản phẩm quí giá, tinh xảo và độc đáo – những sản phẩm văn hóa sống mãi với thời gian, góp phần làm vẻ vang cho dân tộc và cho mỗi làng nghề. Chính người nghệ nhân, người thợ cả đã giữ cho làng nghề truyền thống tồn tại, đã đào tạo những người thợ mà trước hết là con cháu của họ, rồi đến những người trong làng và từ đời này qua đời khác kế tiếp nhau và để đến ngày nay có những nghề và những làng nghề truyền thống nổi tiếng trên thế giới và sản phẩm của nó có một không hai.

Khả năng cạnh tranh, sức sống của không ít sản phẩm các làng nghề như gốm sứ khác… Chủ yếu phụ thuộc vào tài hoa, kinh nghiệm tay nghề của nghệ nhân, thợ cả. Tuy nhiên, với chỉ có 5 nghệ nhân tại làng gốm trong các làng gốm Thanh Hà vì nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp được coi là bí mật chỉ được truyền lại cho con cháu trong gia đình dòng họ, điều này cản trở không nhỏ đến chất lượng lao động trong các làng nghề truyền thống, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Dựa trên sự đặc sắc và sự mới lạ của các sản phẩm do các nghệ nhân làm ra. Thanh Hà phát triển các sản phẩm tò he bằng gốm rất được sự yêu thích của du khách.

Vì vậy, phát triển các làng gốm Thanh Hà trong cơ chế thị trường tùy thuộc rất nhiều vào việc xây dựng đội ngũ các nghệ nhân của các làng nghề và truyền nghề cho những người lao động trẻ tuổi.

          Thứ ba, trình độ khoa học công nghệ, sự cung ứng trong và ngoài làng.

 Trong nền kinh tế thị trường, không chỉ có kinh nghiệm cổ truyền mà phải có khoa học công nghệ hiện đại, phải biết kết hợp các yếu tố truyền thống với khoa học công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phải được người tiêu dùng trong xã hội hiện đại chấp nhận, tạo tính hấp dẫn cho sản phẩm nhất là các du khách.

Trong thực tế làng gốm Thanh Hà mạnh dạn đổi mới công nghệ, thay đổi mẫu mã nên ngày càng phát triển mạnh, tuy nhiên bên cạnh đó tình trạng phổ biến là trình độ công nghệ của các làng nghề truyền thống ở nước ta rất khác nhau, còn ở trình độ thấp, công nghệ truyền thống là phổ biến. Công nghệ truyền thống có tính hai mặt, một mặt có khả năng tạo việc làm rất lớn, nhu cầu vốn thấp phù hợp với trình độ người lao động nhưng mặt khác nó có quy mô nhỏ, năng suất lao động thấp, ít có khả năng phổ biến rộng rãi, gây ô nhiễm môi trường … Vì vậy để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủ công truyền thống ở các làng nghề truyền thống phải từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại.

Việc phát triển làng gốm trên mô hình cung ứng các sản phẩm về gốm thì Thanh Hà rất nhanh chóng nắm bắt công nghệ, chế tạo khuôn mẫu sản phẩm để có thể đáp ứng nhu cầu của khách về sản phẩm một tốt hơn.

Do khả năng có hạn về vốn, nhu cầu giải quyết việc làm và trình độ thợ thủ công còn hạn chế nên một mặt phải tận dụng công nghệ truyền thống nhưng mặt khác các công đoạn nặng nhọc của quá trình sản xuất thì phải ứng dụng công nghệ hiện đại cụ thể là thay bằng máy móc như: máy cưa, máy xẻ, bào, nghiền, trộn đất, … làm cho năng suất lao động tăng lên rõ rệt và hạ giá thành sản phẩm.

Như vậy, việc kết hợp công nghệ hiện đại và công nghệ truyền thống là yêu cầu khách quan trong việc phát triển làng nghề truyền thống ở nước ta. Về nguyên tắc những công đoạn sản xuất nặng nhọc gây ô nhiễm môi trường quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm… thì cần phải từng bước hiện đại hóa, còn những công đoạn khác mà máy móc không thể thay thế được hoặc thay thế được nhưng không tạo ra nét độc đáo riêng có của sản phẩm truyền thống đã nổi tiếng của địa phương thì nên và phải sử dụng công nghệ truyền thống.

          Bốn là, chính sách của nhà nước đối , các cấp quản lý

Trong quản lý nhà nước, quản lý nhà nước về kinh tế giữ vị trí đặc biệt quan trọng, các hoạt động của nhà nước đều hoặc là tác dụng thúc đẩy hoặc là kìm hãm sự vận động của ngành kinh tế. Bất cứ nhà nước nào cũng đều có vai trò quản lí nền kinh tế quốc dân thông qua các công cụ quản lý và can thiệp bằng thể chế, chính sách để điều tiết nền kinh tế vận động nhằm đạt đến mục tiêu mong muốn và theo định hướng đã lựa chọn.

Thực tế đã chứng minh hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển hay suy vong của các làng nghề truyền thống nói chung. Thời kì trước đổi mới, trong chính sách đối với các thành phần kinh tế, chúng ta đã tập trung phát triển kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, không chấp nhận kinh tế tư nhân, cá thể nên các làng nghề truyền thống theo nghĩa là các đơn vị kinh tế độc lập đã chuyển thành các hợp tác xã hay các tổ, đội ngành nghề phụ trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp kinh doanh tổng hợp đã làm cho các làng nghề truyền thống không phát triển được thậm chí có nguy cơ diệt vong. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới tới nay, với chính sách thừa nhận hộ gia đình là chủ thể kinh tế độc lập, tự chủ trong nông thôn, các doanh nghiệp tư nhân được phép thành lập và phát triển thì các làng nghề truyền thống đã có điều kiện phục hồi và phát triển mạnh. Nhờ chính sách hội nhập nền kinh tế nước ta với khu vực và trên thế giới đã làm cho nhiều sản phẩm làng nghề có điều kiện phát triển nhất là hàng thủ công mỹ nghệ vì đã mở được thị trường tiêu thụ.

Có thể khẳng định rằng, trong nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa hiện nay nền kinh tế đất nước nói chung và các làng nghề truyền thống nói riêng có phát triển được hay trì trệ suy thoái là tùy thuộc rất lớn vào định hướng và các chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước.

Cũng nhờ chính sách linh hoạt chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ phục vụ đời sống như ngói, gạch, sản phẩm gia dụng thì ban quản lý Hội An nhanh chóng chuyển sang phục vụ du lịch cho Thanh Hà.

          Năm là, các nhân tố khác.

– Kết cấu hạ tầng: hệ thống giao thông vận tải, điện, nước, thông tin liên lạc… có ảnh hưởng rất lớn đến các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch. Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phát triển của các làng nghề truyền thống chịu ảnh hưởng rất lớn bởi hệ thống cung cấp điện nước, tiến bộ công nghệ thiết bị, máy móc hiện đại để đổi mới công nghệ cổ truyền nhằm tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường của các làng nghề. Ngoài ra, sự hoạt động của các làng nghề truyền thống trong nền kinh tế thị trường còn chịu tác động mạnh của yếu tố thông tin nói chung, bưu chính viễn thông nói riêng. Nó giúp nắm bắt kịp thời, nhanh chóng, chính xác những thông tin về thị trường, giá cả, mẫu mã, quy cách sản phẩm … để từ đó có những ứng xử thích hợp đáp ứng nhu cầu thị trường.

– Vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Vốn là yếu tố, là nguồn lực quan trọng đối với bất kì quá trình sản xuất kinh doanh nào, do đó, sự phát triển của các làng nghề truyền thống cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của nhân tố vốn. Trước đây vốn sản xuất của các hộ kinh doanh trong các làng nghề là rất nhỏ bé, thường là vốn tự có của các gia đình hoặc vay mượn của người thân nên quy mô sản xuất không được mở rộng. Ngày nay nhu cầu vốn để mở rộng quy mô sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thủ công truyền thống là đòi hỏi cấp thiết, các hộ sản xuất kinh doanh phải có số lượng vốn khá lớn để đầu tư cải tiến công nghệ, có như vậy mới tăng được năng suất lao động hạ giá thành và tăng chất lượng sản phẩm.

– Sự phân bố các tài nguyên (tự nhiên và nhân văn) có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng.

Trước đây phần lớn các làng gốm thống được hình thành do có nguồn nguyên liệu tại chỗ. Nhưng hiện nay, nguồn nguyên liệu tại chỗ của nhiều làng gốm Thanh Hà đã cạn kiệt, phải vận chuyển từ những nơi khác với chi phí cao, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thủ công truyền thống. Trong điều kiện khoa học công nghệ hiện đại, việc tìm kiếm nguyên liệu mới với giá rẻ thay thế các loại nguyên liệu truyền thống nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm là vấn đề cần quan tâm của các nhà khoa học và của bản thân các làng nghề truyền thống nói chung.

– Trình độ phát triển của nền kinh tế đất nước và năng suất lao động xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất vật chất có ảnh hưởng rất căn bản tới sự phát triển các ngành nghề của các làng nghề truyền thống.

– Cơ cấu dân cư, sức mua của dân cư và du khách sẽ đặt ra những yêu cầu về quy mô phát triển và cơ cấu của các ngành nghề ở các làng gốm.

– Truyền thống văn hoá, phong tục tập quán của dân cư: yếu tố này ảnh hưởng lớn đến tính đặc thù, tính nhân văn của sản phẩm.

          Các ưu điểm của mô hình hiện tại có thể được kể ra như sau:

– Mô hình thể hiện được mối quan hệ công việc các bên liên quan. Trong mô hình, các cấp quản lý sẽ là đầu não của hệ thống, nhân sự của ban này gồm những người thuộc cơ quan chính quyền địa phương, ban quản lý di tích làng cổ, chính quyền các cấp và có sự tham gia của tổ chức Jica. Các cấp quản lý sẽ thực hiện quyền điều phối tất cả các hoạt động du lịch diễn ra trong khu vực làng gốm. Các cấp quản lý du lịch sẽ thiết kế, xây dựng, quản lý các loại sản phẩm du lịch, và thông qua người dân địa phương, các nhà cung ứng, lực lượng lao động địa phương bán sản phẩm du lịch cho khách du lịch, đồng thời thực hiện quyền giám sát, quản lý việc kinh doanh của hợp phần này theo quy định của địa phương.

– Trong mô hình hiện tại, các cấp quản lý được thể hiện một cách rõ ràng và có được sự phân chia nhiệm vụ tương đối tốt, tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch và nghiên cứu, bảo tồn được phát huy một cách tối đa.

– Mô hình hiện tại rất dễ vận hành và phối hợp nhịp nhàng giữa các hộ dân giữa các giai đoạn đón tiếp khách. Khách đến tham quan đầu tiên sẽ mua vé ở quầy bán vé, tại đây nhân viên bán vé sẽ chỉ dẫn tận tình cho du khách. Nếu du khách muốn mua vé tham quan bảo tàng thì giá vé là 50.000 đồng/vé và được chỉ nơi mua tại quầy bán vé ngay cổng đi vào bảo tàng, hiện tại giá vé tham quan làng gốm đang ưu đãi với giá 35.000 đồng/vé cho 2 khách, sau thời gian ưu đãi sẽ có giá 35.000 đồng/vé cho 1 khách, khách du lịch mua vé sẽ được nhân viên chỉ dẫn trên sơ đồ hướng đi vào làng gốm, nơi nhận quà tặng sau khi tham quan xong và những hộ dân được vào xem và tham gia trải nghiệm cách làm gốm. Khi du khách vào làng, đầu tiên sẽ gặp hộ chuốt gốm, tại đây người dân thân thiện, niểm nở, luôn cười trong suốt quá trình đón tiếp khách, họ mời chào và cho du khách chính tay thử cảm giác tạo ra một sản phẩm gốm trên bàn xoay là như thế nào. Sau đó, đi tiếp một đoạn sẽ gặp hộ sản xuất con thổi, tại đây du khách cũng được trải nghiệm quá trình tạo ra một con thổi và có thể mang về nhà làm kỉ niệm. Đi sâu hơn nữa sẽ là diểm nhận quà tặng, mỗi vé du khách sẽ được lựa chọn cho mình một con thổi tùy thích.

– Mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại làng gốm Thanh Hà có sự kết hợp giữa tham quan các di sản văn hóa, bảo tàng gốm, với các hoạt động trải nghiệm làm gốm cùng người dân, thăm quan quy trình sản xuất và được tặng quà có bao bì sản phẩm mang thương hiệu làng gốm Thanh Hà.

– Tiền vé tham quan của khách du lịch được Ban quản lý trích lại cho các hộ dân tham gia vào hoạt động đón tiếp khách tại làng gốm Thanh Hà. Theo lời Cô Sen chia sẻ: thì lượng vé tham quan 1 tháng dưới Thành phố được hưởng 40%, ở Phường hưởng 60% và họ sẽ trả cho tất cả hộ dân tham gia sản xuất. Trong 1 tháng nếu đạt trên 50.000 vé thì phường sẽ trả cho mỗi người làm gốm mức lương trên 5 triệu đồng mỗi tháng.

– Ngoài việc đón tiếp khách du lịch, các hộ dân ở đây được khuyến khích sản xuất và bán ra thị trường trong nước.

          Các hạn chế của mô hình khai thác hiện tại

– Các sản phẩm quà tặng cho khách du lịch còn đơn điệu, phần lớn là những sản phẩm được nặn theo hình mười hai con giáp.

– Quy mô để khách trải nghiệm còn hạn chế, mỗi nhà chỉ có hai bàn xoay cho khách lần lượt trải nghiệm nên đối với các khách có số lượng lớn thì việc trải nghiệm làm gốm còn hạn chế, không thể đáp ứng cho tất cả du khách.

– Các sản phẩm được khách tạo ra chưa được tập hợp đưa vào lò nung và tạo ra thành phẩm cuối cùng để du khách có thể đem về làm kỷ niệm. Chủ yếu, khách mới chỉ được thao tác và trải nghiệm việc tạo hình cho sản phẩm.

          Mô hình làng gốm Thanh Hà đã đạt được những thành quả tích cực trong đó cải thiện được kinh tế của địa phương, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống. Trong thời gian tới, làng gốm Thanh Hà cần tiếp tục phát huy những ưu điểm của mô hình du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần lưu ý đa dạng sản phẩm quà tặng cho khách du lịch, mở rộng không gian và quy mô trải nghiệm của khách du lịch.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga
Bộ môn Lữ Hành 

About Khoa Lữ hành

Tin liên quan

Công khai luận án tiến sĩ của NCS Lê Thị Tố Quyên

Thực hiện quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, Trường Du lịch – Đại …