Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / Nhà vườn Phú Mộng – Kim Long – đến lúc phải thức dậy!

Nhà vườn Phú Mộng – Kim Long – đến lúc phải thức dậy!

     Kim Long nằm ở bờ bắc sông Hương, là một vùng đất có cảnh quan đẹp, khung cảnh hữu tình với hệ thống cây xanh phong phú và đa dạng. Tiềm năng khai thác loại hình du lịch sinh thái – cộng đồng từ các nhà vườn Kim Long rất khả thi, có thể khai thác du lịch đến nhà vườn Kim Long theo cả đường bộ lẫn đường sông. Không gian nhà vườn Kim Long thường kín đáo và tinh tế. Xung quanh ngôi nhà vườn bao giờ cũng là mảnh đất rộng để trồng các loại cây ăn trái, các loại rau, hoa, cây cảnh, cây hương liệu… Tất cả có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt khác nhau của con người ở đây. Nhà vườn Kim Long là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ vừa có hiệu quả kinh tế trong sự hài hòa giữa thiên nhiên và cuộc sống. Thú tiêu khiển của người Huế trong ngôi nhà vườn cũng là một nét văn hóa độc đáo. Phổ biến nhất là hòn non bộ với cảnh núi non thu nhỏ, có hang động, có chùa tháp, có suối, có thác, có người và thú vật, tượng trưng cho cảnh sinh hoạt hay sự tích lịch sử, huyền thoại, cổ tích nào đó.

     Không gian nhà vườn Kim Long là nơi nuôi dưỡng tinh thần, thể hiện sức sáng tạo và phản ánh những ước vọng, hoài bão, sở thích của chủ nhân ngôi nhà. Con người trong vườn Huế thường xem cây là bạn, xem ao hồ, bể cạn, non bộ là kẻ tri ân, xem chim muông là khách ân tình lưu luyến… Tất cả đã giúp cho khu vườn Huế vừa tràn trề sức sống nhưng cũng có gì đó e ấp trầm tư như chính tính cách hướng nội của những con người nơi đây. Ngày nay, du khách đến nghỉ tại các nhà vườn Kim Long sẽ tiếp cận được khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng, không khí trong lành, tận hưởng nhiều thú vui nơi không gian trầm lặng xứ Huế. Hy vọng nhà vườn Kim Long sẽ được nhiều du khách biết đến và trải nghiệm, mở ra một hướng phát triển mới của du lịch xứ Huế.

     Trên thực tế, ngoài tour du lịch về nhà vườn tổ chức 2 năm 1 lần vào các kỳ Festival thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Kim Long, còn lại phần lớn du khách đến đây đều tự phát và mang tính nhỏ lẻ. Tình trạng du khách đến tham quan quá ít một phần là do công tác quảng bá chưa có chiều sâu, du khách chưa biết nhiều đến giá trị văn hóa của nhà vườn, một phần sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chủ yếu dựa vào tài nguyên du lịch có sẵn, đặc biệt là chưa có sự kết hợp giữa du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Chưa tổ chức tốt các dịch vụ bổ sung để đáp ứng nhu cầu về ẩm thực, giải trí, nghỉ dưỡng của du khách. Vậy để đánh thức tiềm năng DLST & CĐ theo tôi cần giải quyết các vấn đề bất cận hiện nay như sau:

     Thứ nhất, cần động viên, giúp đỡ, hỗ trợ cho các chủ nhân nhà vườn về phương pháp, kinh nghiệm trong việc bảo quản, sửa chữa đúng theo quy trình bảo tồn kiến trúc gỗ truyền thống, tránh những biến đổi làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan kiến trúc nhà vườn truyền thống. Cần tôn vinh và khen thưởng cho những gia đình có công gìn giữ và bảo vệ nhà vườn truyền thống để vừa khuyến khích bảo tồn, vừa phát triển du lịch nhà vườn truyền thống. Hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi dành cho các gia đình đủ năng lực triển khai loại hình Homestay để hoàn thiện chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách. Thứ hai, cần nâng cao nhận thức và vai trò của người dân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp văn hóa địa phương và chia sẻ lợi ích cho cộng đồng một cách thỏa đáng trong việc khai thác sản phẩm “Nhà Vườn” của họ.  Thứ ba, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan xung quanh; đồng thời trùng tu, bảo dưỡng các di tích lịch sử, văn hóa.

     Sự kết hợp tốt giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà vườn truyền thống với phát triển du lịch bền vững sẽ là một lợi thế trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà vườn truyền thống và phát triển du lịch. Di sản nhà vườn truyền thống phục vụ du lịch, du lịch góp phần quảng bá di sản nhà vườn và tạo nguồn thu nhập cho chủ nhân nhà vườn, qua đó khuyến khích việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà vườn truyền thống được tốt hơn. Phối hợp với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước đưa du khách đến với tuyến tham quan nhà vườn Huế bằng các chương trình homestay, garden tour…Sau cùng, cần xây dựng dự án ở tầm vĩ mô kết hợp với du lịch sinh thái để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà vườn một cách hiệu quả nhất. Tua du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại nhà vườn là một loại hình du lịch hướng tới thiên nhiên và những giá trị truyền thống, giúp con người nghỉ ngơi, thư giãn, giải tỏa căng thẳng, phục hồi sức khỏe, đồng thời cũng giúp con người hòa nhập với thiên nhiên, khám phá thiên nhiên và khám phá chính bản thân.

Th.S Nguyễn Thị Ngọc Cẩm – Bộ môn LH & HDDL

About Khoa Lữ hành

Tin liên quan

Hoàn thành chương trình của nhóm nghiên cứu mạnh năm 2021: Nghiên cứu phát triển du lịch

Chiều ngày 11/07/2024, tại Phòng họp I.7 Đại học Huế đã diễn ra chương trình …