Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / Tăng vị trí trên bảng xếp hạng đại học QS Châu Á: Đại học Huế đang hiện thực hóa mục tiêu phát triển thành Đại học Quốc gia Huế

Tăng vị trí trên bảng xếp hạng đại học QS Châu Á: Đại học Huế đang hiện thực hóa mục tiêu phát triển thành Đại học Quốc gia Huế

Chiều ngày 25/11/2020 (giờ Việt Nam), tổ chức QS (Quacquarelli Symonds) đã công bố bảng xếp hạng đại học Châu Á 2021 (QS Asia Rankings 2021). Trong bảng xếp hạng lần này, Đại học Huế đã vươn lên nhóm 401 – 450 của Châu Á, xếp thứ 6 trong 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam góp mặt trong danh sách. Như vậy, so với vị trí 451 – 500 trong 2 lần xếp hạng 2019 và 2020, Đại học Huế đã bắt đầu cho thấy sự chuyển mình đi lên theo đúng chiến lược phát triển, hướng đến mục tiêu trở thành Đại học Quốc gia vào năm 2022 và vị trí 300 Châu Á vào năm 2025. Không chỉ thứ bậc, điều đáng quan tâm hơn là các chỉ số xếp hạng của Đại học Huế đã cải thiện qua từng năm.

 Thấy gì qua những con số?

Các chỉ số tổng thể liên quan đến xếp hạng trong bảng dưới đây cho thấy sự thăng tiến đều đặn của Đại học Huế qua 3 kỳ xếp hạng QS Asia gần nhất.

Chỉ số QS Asia 2019 QS Asia 2020 QS Asia 2021
Thứ hạng của ĐH Huế 451-500 451-500 401-450
Vị trí tương đối của ĐH Huế (thuộc trong top) 90% 81% 60%
Điểm xếp hạng của ĐH Huế so với trung bình Châu Á -67.30% -63.30% -51.80%
Điểm xếp hạng của ĐH Huế so với trung bình Việt Nam (TB các CSGDĐH có trong bảng xếp hạng) -53.50% -49.20% -28%

Về thứ hạng theo từng tiêu chí, trong kỳ xếp hạng này, Đại học Huế có thứ hạng châu lục của 8 tiêu chí tăng so với QS Asia 2020; đặc biệt thứ hạng của tiêu chí Uy tín trong giới sử dụng lao động (Employer Reputation) lần đầu tiên đứng thứ 200 Châu Á.

Xét về điểm số cho từng tiêu chí xếp hạng, có 6/11 tiêu chí có điểm số tăng, thậm chí tăng rất mạnh, trong khi 5 tiêu chí còn lại thì giữ nguyên hoặc có giảm nhẹ.

Khi xem xét đến kết quả hoạt động thông qua các chỉ số thống kê của QS, có thể thấy hầu hết các chỉ số của Đại học Huế đều tăng rõ rệt qua từng năm. Ví dụ, số bài báo công bố bình quân trên 1 giảng viên lần lượt là: 0,18; 0,30 và 0,38 ở các kỳ xếp hạng 2019, 2020 và 2021. Tương tự, số trích dẫn bình quân trên 1 bài báo của Đại học Huế là 2,69; 2,87 và 3,83 ở các kỳ xếp hạng 2019, 2020 và 2021.

Đằng sau những con số

Tháng 7/2020 vừa qua, vị trí của Đại học Huế trên xếp hạng Webometrics cũng đã tăng hơn 900 bậc so với lần xếp hạng trước, giữ vững vị trí thứ 7 trong các CSGDĐH Việt Nam được xếp hạng. Lần này là sự thăng hạng trên bảng xếp hạng QS Châu Á. Các thăng tiến này không phải ngẫu nhiên mà chính là kết quả của những điều chỉnh về chiến lược, chính sách quản trị và phát triển của Đại học Huế  trên các lĩnh vực bồi dưỡng đội ngũ, đào tạo, việc làm sinh viên khi ra trường, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, thông tin,….

Những năm sắp đến là những năm quan trọng đối với Đại học Huế trong tiến trình phát triển thành Đại học Quốc gia, khi phải chinh phục lần lượt các mốc vị trí 351-400 và 301-350 để đạt đến mục tiêu thuộc tốp 300 của Châu Á.

Một vài thông tin về xếp hạng QS Asia 2021

* Số CSGDĐH được xếp hạng là 634, tăng 93 so với QS Asia 2020.

* Các quốc gia có nhiều CSGDĐH được xếp hạng là Trung Quốc (124), Ấn Độ (106), Nhật Bản (98) và Hàn Quốc (85).

* Liên tiếp 3 năm liền, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) giữ vị trí đứng đầu Châu Á.

* Có 93 CSGDĐH lần đầu tiên có tên bảng xếp hạng, chủ yếu từ Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan; đặc biệt 6 trong số đó đã vào ngay top 250.

* Trong số 11 CSGDĐH Việt Nam được xếp hạng, có 3 đơn vị mới có tên lần đầu là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp Tp Hồ Chí Minh và Trường ĐH Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh.

*Lần này, vị trí của 2 Đại học Quốc gia, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Cần Thơ đều giảm, trong khi vị trí các trường Đại học Tôn Đức Thắng, Duy Tân thì tăng và Đại học Đà Nẵng giữ nguyên vị trí so với kỳ xếp hạng 2020.

QS Asia VN 2021

Xếp hạng đại học Châu Á – QS Asia University Rangkings, được QS thực hiện bắt đầu từ năm 2009; sử dụng các tiêu chí và trọng số hơi khác so với xếp hạng QS toàn cầu trên cơ sở đặc thù của khu vực.

Tiêu chí và trọng số tính điểm xếp hạng đại học Châu Á:

  1. Uy tín trong giới khoa học (khảo sát toàn cầu), trọng số 30%
  2. Uy tín trong giới sử dụng lao động (khảo sát toàn cầu), trọng số 20%
  3. Tỷ lệ giảng viên/sinh viên, trọng số 10%
  4. Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ, trọng số 5%
  5. Số trích dẫn trên đầu bài báo (dữ liệu Scopus), trọng số 10%
  6. Số bài báo trên đầu giảng viên (dữ liệu Scopus), trọng số 5%
  7. Mạng lưới nghiên cứu quốc tế, trọng số 10%
  8. Giảng viên quốc tế, trọng số 2,5%
  9. Sinh viên quốc tế, trọng số 2,5%
  10. Sinh viên trao đổi nhận vào, trọng số 2,5%
  11. Sinh viên trao đổi gửi đi, trọng số 2,5%.

Phạm Khắc Liệu

(Nguồn: Top Universities in Asia in 2021 | Top Universities)

About admin

Tin liên quan

Công khai thời gian, địa điểm, toàn văn luận án và tóm tắt luận án, tính mới luận án bằng tiếng Việt và tiếng Anh của nghiên cứu sinh Nguyễn Hoàng Tuệ Quang, Khóa năm 2021, ngành Du lịch

Căn cứ điều 22 của Quyết định số 1695/QĐ-ĐHH ngày 20 tháng 12 năm 2019 …