Trang chủ / Đọc báo giùm bạn / Thay đổi trong đào tạo nhân lực du lịch để đáp ứng xu thế chuyển đổi số

Thay đổi trong đào tạo nhân lực du lịch để đáp ứng xu thế chuyển đổi số

Để giải quyết sự thiếu hụt, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, phải có sự vào cuộc, tăng cường liên kết của 3 nhà là “Nhà trường – Nhà tuyển dụng – Nhà nước”.

Theo đại diện một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo khối ngành du lịch, đứng trước bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi công tác đào tạo phải thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động.

Nhiều yêu cầu đặt ra đối với công tác đào tạo nhân lực du lịch trong bối cảnh chuyển dịch

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Tuấn – Hiệu trưởng Trường Du lịch, Đại học Huế bày tỏ, du lịch đã và đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào GDP và tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là sau đại dịch COVID-19, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

449445938_884120370418863_4698954637206740040_n.jpg
Sinh viên Trường Du lịch, Đại học Huế (Ảnh: Website nhà trường).

Theo thầy Tuấn, hiện nay chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành du lịch. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong du lịch dù mang đến nhiều cơ hội, song cũng đem lại không ít thách thức.

Đơn cử, chuyển đổi số trong ngành du lịch giúp tối ưu hóa vận hành, tăng cường tính cạnh tranh và công tác quảng bá của doanh nghiệp và điểm đến, tăng cường trải nghiệm khách hàng, quản lý dữ liệu hiệu quả hơn. Thế nhưng, hiện nay cơ sở hạ tầng của ngành du lịch ở nước ta chưa đảm bảo và đồng bộ, hoạt động số hóa trong du lịch đang diễn ra lẻ tẻ, thiếu sự kết nối; thiếu nguồn lực bao gồm cả nhân lực, vật lực và tài lực.

Thầy Tuấn thông tin, thực trạng nhân lực du lịch của nước ta hiện nay có thể nói là vừa thiếu về số lượng, vừa chưa đảm bảo về mặt chất lượng. Đơn cử, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Du lịch, chỉ có khoảng 45% tỷ lệ lao động nghề đã qua đào tạo và 55% lao động còn lại chưa qua đào tạo). Vì vậy, vai trò của việc đào tạo nhân lực du lịch càng trở nên quan trọng hơn.

Để đáp ứng sự phát triển, thay đổi trong bối cảnh như hiện nay, Trường Du lịch, Đại học Huế đã tăng cường khối kiến thức ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch và du lịch thông minh, bao gồm thương mại điện tử, marketing điện tử, quản trị quan hệ khách hàng trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá và xúc tiến sản phẩm, công nghệ và phần mềm quản lý trong lữ hành, khách sạn, nhà hàng… Giải pháp này nhằm nâng cao năng lực khai thác, sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong việc quảng cáo, bán hàng, quản trị kinh doanh, xây dựng cơ sở dữ liệu về khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất lao động…

Bên cạnh đó, sinh viên Trường Du lịch còn được tăng cường thời lượng thực hành, thực tế qua việc đẩy những môn chuyên ngành, nghiệp vụ lên năm học thứ 2. Từ đó, giúp sinh viên sớm tiếp xúc với chuyên môn nghề và có khả năng thực hành thuần thục, phát triển và rèn luyện năng lực nghề. Nhà trường cũng tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên toàn trường, đảm bảo chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên.

Bên cạnh đó, trường cũng tăng cường mời chuyên gia, doanh nhân giàu kinh nghiệm đến giảng dạy, chia sẻ nghề nghiệp, tư vấn, tạo thêm động lực cho sinh viên. Hiện nay, Nhà trường đang liên kết với hơn 30 doanh nghiệp, tập đoàn du lịch, khách sạn lớn trong và ngoài nước như Sun Group, Vin Group, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh, Công ty Du lịch Viettravel, Saigon Tourist, các Khu nghỉ dưỡng ở khu vực Miền Trung… và một số doanh nghiệp ở nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản… tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều cơ hội cọ xát thực tiễn với nghề.

Từ đó, sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ là nguồn nhân lực năng động, giỏi thực hành, sẵn sàng thích ứng với môi trường luôn biến động trong du lịch.

Theo thầy Tuấn, để giải quyết tình trạng thiếu hụt, và nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, chỉ riêng sự cố gắng của các đơn vị đào tạo là chưa đủ mà cần phải có sự vào cuộc, tăng cường liên kết của 3 nhà là “Nhà trường – Nhà tuyển dụng – Nhà nước” để có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Để làm được việc này, cần tiến tới cơ chế “đặt hàng đào tạo” gắn với tuyển dụng nhân sự du lịch. Ngoài ra, cần tổ chức điều tra, đánh giá và dự báo phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, từ đó có phương án đào tạo đảm bảo về số lượng và chất lượng, và hợp lý về cơ cấu.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thuỷ – Trưởng khoa Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội bày tỏ, du lịch là một trong những hoạt động kinh tế đặc biệt quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với Việt Nam khi nước ta đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Thực tế hiện nay, bối cảnh toàn cầu hóa với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và chuyển đối số đã trở thành xu thế tất yếu, mang tính cách mạng ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, trong đó có ngành du lịch và công tác đào tạo khối ngành du lịch.

Lĩnh vực du lịch hiện nay cũng có sự thay đổi tất yếu theo các xu hướng mới như xu hướng tăng trưởng xanh; xu hướng số hóa trong du lịch; xu hướng du lịch theo sở thích, cá tính; xu hướng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; xu hướng cạnh tranh hóa toàn diện, …

Hơn nữa, chuyển đổi số đã làm thay đổi toàn bộ mô hình và cách thức của các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị du lịch hiện nay. Việc chuyển từ giao dịch truyền thống sang giao dịch điện tử, số hóa đã ảnh hưởng đến vị trí, vai trò, nhu cầu của những bên liên quan trong ngành du lịch như khách hàng, đối tác, nhà cung cấp,…

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều tập đoàn kinh tế hiện nay đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó có du lịch nên nhu cầu về nhân lực du lịch hiện nay là rất lớn.

Đáng nói, sự dịch chuyển nhân lực từ nước ta sang nước ngoài và ngược lại khi chúng ta đã trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, Cộng đồng Kinh tế ASEAN,… đã dẫn tới vấn đề cần phải đảm bảo du lịch Việt Nam xứng đáng cung cấp chuỗi dịch vụ trong khu vực. Do đó, bắt buộc phải có sự thay đổi tích cực về nguồn nhân lực du lịch.

Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục cùng công nghệ thông tin đã dẫn tới rào cản về sự hiểu biết đối với các điểm đến của người dân không còn bị hạn chế như trước đây. Khả năng tự túc du lịch, tự tìm kiếm, tự lên kế hoạch mà không cần qua những công ty trung gian ngày gia tăng. Với lưu lượng khách du lịch ngày càng tăng, yêu cầu phục vụ ngày càng cao, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế đã khiến công tác đào tạo lĩnh vực du lịch hiện cũng gặp phải nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, theo cô Thủy, đứng trước những thách thức trên, công tác đào tạo đối với lĩnh vực này một mặt phải có chiến lược phát triển mang tính dài hạn, đồng thời trong mỗi thời kỳ nhất định khi có những biến động và xây dựng những định hướng cụ thể để đánh giá về thời cơ, thách thức. Từ đó đề ra những mục tiêu, cách thức phát triển cho phù hợp với từng giai đoạn.

Không những vậy, mỗi cơ sở cần đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh, quản trị rủi ro và hội nhập được với khu vực và thế giới cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.

Để đáp ứng bối cảnh ấy, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã đặt ra số yêu cầu cơ bản trong công tác đào tạo như nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp phải có khả năng tham gia vào quá trình vận hành của chuỗi giá trị mang tính khu vực và thế giới; phải có năng lực thích ứng với nền kinh tế số.

Ngoài ra, nguồn nhân lực phải có khả năng đáp ứng được với những biến đổi mang tính toàn diện của ngành, có khả năng tham gia lao động ở nước ngoài, tham gia giải quyết những vấn đề trong môi trường làm việc trong nước và quốc tế. Đặc biệt, phải có khả năng thích ứng công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị nhân lực theo cách “thông minh”, tư duy phản biện, quản trị, phân tích, có kỹ năng giải quyết vấn đề để đưa ra những giải pháp tích trong vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Đặc biệt, nhằm theo kịp sự phát triển, đáp ứng các tiêu chuẩn của những nước trong khu vực và trên thế giới, khối ngành du lịch còn được Khoa và Nhà trường đào tạo theo định hướng chuyên gia. Cụ thể, Khoa đã đào tạo 2 ngành gồm Ngành Quản trị dịch vụ du lịch lữ hành và ngành Du lịch theo hướng phân chuyên ngành sâu gồm 05 chuyên ngành như Văn hóa du lịch, Lữ hành hướng dẫn du lịch, Hướng dẫn du lịch quốc tế, Quản trị kinh doanh lữ hành, Quản trị du lịch cộng đồng.

Điều này nhằm giúp cho người học lựa chọn theo đúng sở thích và vị trí việc làm, thích ứng với môi trường và công việc sau khi tốt nghiệp ra trường, có chuyên môn giỏi, tay nghề cao. Qua đó, các nhà tuyển dụng dễ dàng tiếp nhận nhận và phát huy tốt thế mạnh của nguồn nhân lực, giảm sự chồng chéo trong công tác chuyên môn.

Ngoài ra, Khoa cũng bổ sung một số học phần nhằm thích ứng với bối cảnh hiện nay như học phần năng lực số, kinh doanh du lịch trực tuyến, quản trị rủi ro trong du lịch,… Tăng cường các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa. Trường cũng là một trong số ít đơn vị có số lượng tín chỉ về tiếng Anh chuyên ngành du lịch tương đối lớn với 12 tín chỉ.

Đặc biệt, theo cô Thủy, chương trình đào tạo khối ngành Du lịch cũng được nhà trường xác định là tổng thể gắn kết chặt chẽ giữa Nhà trường với doanh nghiệp. Trong đó, đề cao tầm quan trọng của việc trao đổi với lãnh đạo của doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình sao cho phù hợp với thực tiễn và khả năng đáp ứng của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Các ngành về du lịch được Nhà trường xây dựng có 05 học phần bắt buộc có những chuyên gia là lãnh đạo của một số doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước tham gia giảng dạy.

Mặt khác, nhà trường cũng thay đổi các phương thức đánh giá kiểm tra trên cơ sở đánh giá năng lực với 3 yêu cầu về kỹ năng, kiến thức và thái độ đối với sinh viên khối ngành Du lịch. Vào đợt thi cuối kỳ những học phần chuyên ngành, thay vì thi Viết, sinh viên được thi thực hành để kiểm tra các đơn vị năng lực, nhằm đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, giao tiếp, ngoại ngữ và tin học.

Cùng bàn về công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch hiện nay, Thạc sĩ Phạm Ngọc Dũng – phụ trách bộ môn Lữ hành, Khoa Du lịch và Ẩm thực, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công tác đào tạo nhân lực du lịch trình độ cử nhân hiện nay ở nước ta còn đang nhập nhằng giữa 2 vấn đề là đào tạo nhân lực theo nghiệp vụ và nhân lực có khả năng quản lý.

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo lĩnh vực du lịch còn tập trung quá nhiều vào đào tạo năng lực nghiệp vụ. Điều này là chưa đủ đối với nhân lực du lịch trình độ đại học cần đạt yêu cầu cao về năng lực quản lý. Thực tế này đã dẫn tới hậu quả là không đi theo đúng kỳ vọng ban đầu của người học và yêu cầu của nơi sử dụng lao động. Chính vì vậy, có tình trạng lực lượng lao động về du lịch được đào tạo ra rất nhiều nhưng ở lại làm đúng ngành du lịch vẫn còn hạn chế.

Do đó, thầy Dũng cho rằng, cần xây dựng chương trình đào tạo của khối ngành du lịch trình độ đại học tập trung vào năng lực quản lý (năng lực nghiệp vụ chỉ nên là nền tảng ban đầu) để vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và có định hướng về lộ trình phát triển. Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các trường cần phải đảm bảo về năng lực ngoại ngữ, phải liên thông giữa một số chương trình trong nước và khu vực; cập nhật thêm một số xu hướng như xu hướng phát triển xanh, chuyển đổi số trong ngành du lịch vào trong chương trình đào tạo.

Việc đầu tư của Nhà nước cho các cơ sở đào tạo du lịch còn rất hạn chế

Về công tác tuyển sinh, cô Thủy cho hay, những năm gần đây, việc tuyển sinh đối với khối ngành du lịch của Khoa đều tương đối thuận lợi. Điều này được thể hiện rõ nét qua điểm đầu vào năm sau có xu hướng tăng hơn so với năm trước cùng số lượng hồ sơ nộp vào rất đông. Tỷ lệ chọi trong tuyển sinh dao động từ 1 chọi 15 đến 1 chọi 20.

221563.1kx.jpg
Sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Ảnh: Website nhà trường).

Thông tin thêm, cô Thủy cho biết, sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp các ngành du lịch có việc làm là tương đối cao sau. Cụ thể, khảo sát từ khóa 2022-2023, sau tốt nghiệp 6 tháng, tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt khoảng trên 80%, sau 12 tháng đạt trên 95%. Trong đó, có khoảng 62-63% số sinh viên làm đúng ngành. Mức thu nhập trung bình của sinh viên du lịch sau khi tốt nghiệp trung bình vào khoảng trên 10 triệu đồng/tháng.

Về vị trí việc làm, sinh viên sau khi tốt nghiệp các ngành du lịch có thể làm việc trong Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại ở các địa phương; phòng chuyên môn nghiệp vụ ở những đơn vị, doanh nghiệp du lịch, làm giảng viên ở những trường đào tạo khối ngành du lịch. Ngoài ra, người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở những tổ chức phi chính phủ để quản lý các dự án phát triển du lịch, ban quản lý di tích, điểm đến du lịch, bảo tàng, … hoặc khởi nghiệp công ty, doanh nghiệp du lịch.

Nhân Ngày Du lịch thế giới 27/9, Phó Giáo sư Bùi Thanh Thủy cũng bày tỏ mong muốn các cơ sở giáo dục đại học đào tạo khối ngành du lịch cần phải kết hợp sử dụng những chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến. Bên cạnh đó, công tác đào tạo phải chú trọng vào vấn đề chuyển đổi nội dung, chương trình theo hướng hiện đại, quốc tế hóa để đáp ứng với những yêu cầu mới.

Còn theo thầy Tuấn, 3 năm qua do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 nên tình hình tuyển sinh của nhiều đơn vị đào tạo du lịch trong cả nước nói chung là gặp rất nhiều khó khăn. Đối với Trường Du lịch, Đại học Huế, tỷ lệ tuyển sinh 3 năm qua khá thấp so với chỉ tiêu/ kế hoạch đặt ra.

Cụ thể, năm 2021 nhà trường chỉ tuyển được 580 sinh viên/ 950 chỉ tiêu (đạt tỷ lệ 61%); năm 2022 tuyển được 650 sinh viên/ 950 chỉ tiêu (đạt 68%); năm 2023 tuyển được 770 sinh viên/ 950 chỉ tiêu (đạt 81%). Bên cạnh đó, tình trạng sinh viên bỏ học trong thời gian đại dịch COVID-19 cũng cao hơn hẳn so với thời điểm trước và sau đại dịch (tỷ lệ sinh viên bỏ học trong 3 năm đại dịch chiếm 25% so với trung bình bỏ học trong nhiều năm là 15-17%).

Bước sang năm học 2024, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, việc tuyển sinh của Nhà trường đã có những khởi sắc. Nhà trường đã tuyển sinh đạt đủ chỉ tiêu.

Thông tin thêm, thầy Tuấn cho hay, sau đại dịch, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp du lịch trong cả nước tăng cao. Tuy nhiên, nhiều lao động cũ trong ngành du lịch do không trụ được với ngành qua thời gian đại dịch đã chuyển sang những ngành nghề khác. Điều này dẫn tới nhân lực của ngành du lịch bị thiếu hụt khá nghiêm trọng.

Do đó, các doanh nghiệp du lịch đã tăng cường sử dụng nhân lực là lực lượng sinh viên từ những trường đào tạo khối ngành du lịch tham gia kỳ thực tập doanh nghiệp. Nhờ vậy, cơ hội về việc làm và tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp tăng cao. Đơn cử, tỷ lệ việc làm của sinh viên Nhà trường thống kê sau 6 tháng tốt nghiệp trong 3 năm qua đều đạt tỷ lệ trên 90%.

Trong bối cảnh “khát” nhân lực du lịch hiện nay, hầu hết sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đều đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, tìm được việc làm phù hợp. Hơn nữa, nhìn chung thu nhập sinh viên sau tốt nghiệp hay của người lao động trẻ khối ngành du lịch ở mức trung bình khá (tốt hơn so với khối hành chính, viên chức nhà nước và một số ngành nghề khác, nhưng không phải là quá cao trong xã hội).

Nhân Ngày Ngày Du lịch thế giới 27/9, Hiệu trưởng Trường Du lịch, Đại học Huế cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước cần có sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho các cơ sở đào tạo, nhất là cơ sở thực hành nghiệp vụ.

Bởi, du lịch là lĩnh vực gắn liền với những hoạt động đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ. Tuy nhiên thực tế thời gian qua, việc đầu tư của Nhà nước cho các cơ sở đào tạo du lịch còn rất hạn chế, nhất là đối với các trường đại học công lập, hầu như chưa có bất kỳ sự đầu tư nào về cơ sở thực hành. Do đó, các trường thường phải liên kết với doanh nghiệp nên khá thụ động trong việc bố trí thời gian thực tập.

Hơn nữa, khối ngành đào tạo du lịch cần thống nhất được một “quy chuẩn” về đào tạo trình độ đại học. Hiện nay, việc phát triển chương trình đào tạo và triển khai các chương trình đào tạo còn mang tính tự phát của mỗi trường. Điều này đã dẫn đến chất lượng đào tạo không đồng đều, thậm chí có chương trình chưa đảm bảo về chất lượng.

Thầy Tuấn cũng mong muốn, những cơ sở đào tạo khối ngành du lịch được nâng tầm từ cơ sở vật chất, đến chất lượng chương trình đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng dạy… Để qua đó, kết quả đào tạo của các trường chính là chất lượng đào tạo của người học sau khi tốt nghiệp không ngừng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Còn theo thầy Dũng, công tác tuyển sinh ngành Quản trị dịch vụ Du lịch lữ hành của trường vẫn có xu hướng ổn định trong những năm gần đây, dự báo mức độ tăng trưởng sẽ kéo dài trong 3-5 năm nữa sẽ bão hòa.

img_7945_1.jpg
Sinh viên Khoa Du lịch và Ẩm thực, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Mặt khác, thầy Dũng cho hay, sinh viên sau khi tốt nghiệp cử nhân ở khối ngành du lịch hiện nay đang có 3 nhóm vị trí trong các doanh nghiệp về du lịch. Cụ thể, người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở vị trí nghiệp vụ (nhân viên thiết kế, nhân viên sale, … và sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay); vị trí quản lý bộ phận, quản lý điều hành (trưởng bộ phận kinh doanh, trưởng bộ phận marketing, ….); vị trí liên quan đến dịch vụ như giảng dạy ở những bậc học thấp hơn,…

Để công tác đào tạo khối ngành du lịch ngày càng phát triển, thầy Dũng cũng mong rằng, các cơ sở đào tạo cần chuẩn hóa đội ngũ giảng viên như nâng cao số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ. Bên cạnh đó, mỗi nhà trường cần tập trung vào đào tạo theo chiến lược, định vị năng lực của mình như tập trung vào hoạt động kinh doanh du lịch quốc tế, … để tạo ra bản sắc riêng trong chương trình đào tạo. Cách làm như vậy sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người học và những đơn vị sử dụng lao động, và ngành học của mỗi nhà trường được phát triển bền vững.

Nguồn: https://giaoduc.net.vn

About admin

Tin liên quan

Muốn tìm nơi để thư giãn, Huế lọt vào “mắt xanh” của du khách

Nhân lúc tâm trạng không vui, nữ du khách muốn tìm một nơi để thư …