Trang chủ / Đọc báo giùm bạn / Chi tiết phương án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương

Chi tiết phương án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương

Sáng 28-9, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.

Chi tiết phương án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà – Ảnh: GIA HÂN

Sáng 28-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.

Dự kiến thành lập 2 quận thuộc TP Huế

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết ngày 9-9, Hội đồng thẩm định cấp nhà nước đã họp, thống nhất thông qua đề án với số phiếu tán thành đạt 100% (17/17 thành viên).

Ban cán sự đảng Chính phủ đã xem xét, thống nhất, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, đồng ý về chủ trương thành lập thành phố (TP) Huế trực thuộc trung ương.

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Về tên gọi, thành phố Huế trực thuộc trung ương gắn với địa danh Huế đã có lịch sử hình thành lâu đời và đã khắc sâu trong ký ức của người dân Huế nói riêng, người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Đồng thời, tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Về phương án thành lập TP Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng thời với thành lập TP Huế trực thuộc trung ương, thành lập 2 quận, 1 thị xã, 1 huyện và 11 phường, 1 xã, 1 thị trấn thuộc thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có liên quan.

Cụ thể, thành lập 2 quận (Phú Xuân, Thuận Hóa) thuộc TP Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở TP Huế hiện hữu. Thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở nguyên trạng huyện Phong Điền.

Nhập huyện Nam Đông với huyện Phú Lộc để thành lập huyện Phú Lộc mới. Thành lập 11 phường, 1 thị trấn và 1 xã trên cơ sở sắp xếp 21 đơn vị cấp xã (2 phường, 1 thị trấn, 18 xã).

Như vậy, theo Bộ trưởng Trà, theo đề án TP Huế trực thuộc trung ương có 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 1.236.393 người.

Có 9 đơn vị cấp huyện, gồm 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện (không thay đổi số lượng đơn vị cấp huyện nhưng có giảm 1 thành phố, 2 huyện và tăng 2 quận, 1 thị xã).

Có 133 đơn vị cấp xã, gồm 78 xã, 48 phường, 7 thị trấn (giảm 8 đơn vi cấp xã, trong đó giảm 17 xã và tăng 9 phường); tỉ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).

Tờ trình nêu rõ đề án thành lập và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, của khu vực miền Trung và địa phương đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Việc xây dựng đề án thành lập TP Huế trực thuộc trung ương có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ ý chí, khát vọng, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

Tạo động lực để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, góp phần hiện thực hóa nghị quyết 54/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội vùng, góp phần phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Trà nêu rõ Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc thành lập TP Huế trực thuộc trung ương.

Xem xét, quyết định theo thẩm quyền các nội dung gồm thành lập 2 quận thuộc TP Huế trực thuộc trung ương.

Thành lập thị xã Phong Điền và sắp xếp, thành lập các đơn vị cấp xã thuộc thị xã Phong Điền. Sắp xếp, thành lập các đơn vị cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tán thành việc thành lập TP Huế trực thuộc trung ương

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ Ủy ban Pháp luật tán thành các nội dung theo tờ trình của Chính phủ.

Theo ông Tùng, do nội dung đề án gồm cả nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên cần được xem xét, giải quyết một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục.

Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, kết luận về nội dung các đề án này.

Trong đó, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ đề án, bảo đảm đúng quy định để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).

Nguồn: https://tuoitre.vn

About admin

Tin liên quan

Muốn tìm nơi để thư giãn, Huế lọt vào “mắt xanh” của du khách

Nhân lúc tâm trạng không vui, nữ du khách muốn tìm một nơi để thư …