Trường Du lịch – Đại học Huế, tiền thân là Khoa Du lịch – Đại học Huế, được thành lập ngày 14/1/2008 theo Quyết định số 020/QĐ-ĐHH-TCNS của Giám đốc Đại học Huế. Với tầm nhìn: “Xây dựng Trường Du lịch – Đại học Huế thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu và cung ứng dịch vụ khoa học công nghệ có chất lượng và uy tín tiên phong trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”, Trường Du lịch – Đại học Huế luôn chú trọng đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trên cơ sở phát huy hiệu quả nội lực hiện có, kết hợp với khai thác các nguồn lực vững mạnh của Đại học Huế. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Trường đã đạt được những thành tựu vượt bậc, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và của cả nước.
Quy mô người học của Trường tăng nhanh từ 120 sinh viên ở năm học đầu tiên 2008 – 2009 đến hơn 3300 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh trong năm học 2022 – 2023. Với tinh thần tiên phong để hội nhập, Trường Du lịch – Đại học Huế đã không ngừng phát triển các chương trình đào tạo mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Hiện tại, Trường đang triển khai 08 ngành đào tạo đại học với 12 chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về du lịch, bao gồm: Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (với 5 chuyên ngành: Quản lý lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Tổ chức và quản lý sự kiện, Truyền thông và Marketing du lịch dịch vụ, Quản trị quan hệ công chúng), Kinh tế (chuyên ngành: Kinh tế du lịch), Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị kinh doanh du lịch), Du lịch điện tử; Quản trị du lịch & khách sạn (chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh). Từ năm 2016 đến nay, Trường Du lịch đã và đang đào tạo hơn 300 học viên cao học thuộc 2 chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và ngành Du lịch; cùng 24 nghiên cứu sinh và 6 dự bị nghiên cứu sinh trong chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Du lịch; mở ra cơ hội lớn cho người học được học tập và nghiên cứu chuyên sâu về du lịch ở trình độ cao. Tính đến hết năm học 2021 – 2022, Trường có hơn 6000 cử nhân và thạc sĩ du lịch đã tốt nghiệp và đang đóng góp sức mình phục vụ cho công cuộc phát triển của ngành công nghiệp không khói ở Việt Nam và trên thế giới.
Song song với việc phát triển các chương trình đào tạo, đội ngũ của Nhà trường cũng lớn mạnh không ngừng về số lượng và chất lượng. Hiện nay, tổng số giảng viên, viên chức và người lao động của Nhà trường là 110 người, trong đó có 03 Phó giáo sư, 13 Tiến sĩ, 79 Thạc sĩ, 12 Nghiên cứu sinh và 29 giảng viên đang theo học thạc sĩ ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Về mặt tổ chức, Trường Du lịch – Đại học Huế có 04 Khoa và 3 Trung tâm trực thuộc, bao gồm: Khoa Du lịch học, Khoa Quản lý lữ hành, Khoa Quản trị khách sạn – Nhà hàng, Khoa Quản lý sự kiện và công nghệ truyền thông, Trung tâm thực hành và liên kết doanh nghiệp, Trung tâm phát triển du lịch bền vững, Trung tâm công nghệ truyền thông; cùng các đơn vị trực thuộc khác.
Từ khi thành lập đến nay, Trường Du lịch – Đại học Huế luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, đặc biệt thông qua việc huy động tài trợ từ nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế. Đội ngũ cán bộ giảng viên của Nhà trường đã và đang thực hiện nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ KHCN từ cấp Nhà nước, cấp Tỉnh, cấp Thành phố, cấp Đại học Huế cho đến cấp Trường, hàng năm xuất bản khoảng 40 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Kiên định với tôn chỉ “Chất lượng tạo ra sự khác biệt”, Trường Du lịch – Đại học Huế luôn tập trung nỗ lực trong cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy, chú trọng nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng ngoại ngữ cho sinh viên, xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hoạt động thực tập nghề, thực tập quản lý của sinh viên Trường Du lịch được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá rất cao.
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên nói riêng đang có những bước phát triển vượt bậc sau khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; và Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch (MRA-TP) của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); và đặc biệt, trong bối cảnh ngành du lịch dịch vụ đang phát triển trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau đại dịch COVID-19. Nhiều cơ hội đang mở ra cho Trường Du lịch – Đại học Huế để viết tiếp những trang sử vàng truyền thống trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2025 trở thành Trường Đại học thành viên của Đại học Huế và là trường đại học trọng điểm của cả nước về du lịch.