Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / Xây dựng Thừa Thiên Huế thành một thành phố di sản trực thuộc Trung ương

Xây dựng Thừa Thiên Huế thành một thành phố di sản trực thuộc Trung ương

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 11-10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế là theo hướng một thành phố di sản của Việt Nam, của khu vực và thế giới.

Khi cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết. Việc này nhằm tạo điều kiện cho tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Làm rõ hơn về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế là theo hướng trở thành một thành phố di sản của Việt Nam, của khu vực và thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

“Trước đây đã có kiến nghị xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương nhưng tỉnh này còn nhiều tiêu chí chưa đáp ứng được về hạ tầng hay một số huyện còn khó khăn… Do đó, tỉnh nghiên cứu để trình Bộ Chính trị cho phép xây dựng thành một thành phố di sản của Trung ương, với những cơ chế, đặc thù riêng. “Đây là một điểm độc đáo, sáng tạo, do đó cơ chế đặc thù dành cho tỉnh cần nghiên cứu khai thác được hết vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc này bước đầu sẽ được thực hiện thí điểm và sẽ tổng kết, đánh giá, bổ sung.

“Với tầm nhìn, sứ mệnh xây dựng Thừa Thiên Huế thành một thành phố di sản trực thuộc Trung ương theo tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị, chắc chắn Quốc hội, nhân dân sẽ đồng tình”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khi góp ý về dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thì cho rằng, dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên Huế còn thiếu những chính sách lâu dài giúp Huế thu hút các dự án đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách để sau 5 năm, ngân sách của tỉnh sẽ bảo đảm cân đối, để tỉnh trở thành một trong những địa phương có đóng góp cho ngân sách Trung ương. “Chưa thấy có chính sách dài hạn cho Thừa Thiên Huế trong dự thảo nghị quyết mà mới chỉ có các chính sách ngắn hạn”, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận định.

Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Đó là quy định: “Phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thu đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn”.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay nhu cầu vốn cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế khá lớn, khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, trong khi ngân sách tỉnh còn nhiều hạn chế.

“Do đó, nếu được để lại 100% nguồn thu phí tham quan nộp ngân sách nhà nước cho địa phương sử dụng cho công tác trùng tu, bảo tồn di tích thì bình quân một năm địa phương sẽ có thêm khoảng 260 tỷ đồng để cùng với nguồn vốn đầu tư công, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa hợp pháp khác để đầu tư đẩy nhanh công tác trùng tu, bảo tồn di tích, giảm thiểu mức độ xuống cấp của các di tích”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Thẩm tra về nội dung này, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đồng ý với đề xuất trên của Chính phủ bởi lẽ việc này sẽ góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương, đẩy nhanh công tác trùng tu, bảo tồn di tích, giảm thiểu mức độ xuống cấp của các di tích quốc gia.

Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng, đây là cơ chế đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên Huế, do đó đề nghị cho phép để lại 100% số thu từ nguồn thu phí tham quan để thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế nhưng không dùng để xác định tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương. Cũng có một số ý kiến đề nghị tăng mức thu phí tham quan để góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương trong việc bảo tồn, trùng tu di tích.

About admin

Tin liên quan

Trường Du lịch – Đại học Huế tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ năm 2024

Trong những năm vừa qua, Trường Du lịch – Đại học Huế luôn là “địa …