Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / Một vài suy nghĩ và kinh nghiệm giảng dạy theo cơ chế đặc thù tại Khoa Du Lịch – Đại Học Huế

Một vài suy nghĩ và kinh nghiệm giảng dạy theo cơ chế đặc thù tại Khoa Du Lịch – Đại Học Huế

 

Theo Bộ GD-ĐT, các cơ sở đào tạo liên kết đào tạo với doanh nghiệp được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng mở rộng quy mô đối với các ngành đào tạo về du lịch và mở rộng chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 trình độ ĐH của các ngành này. Điều kiện bắt buộc để hưởng cơ chế đặc thù này là các cơ sở giáo dục ĐH phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Cụ thể, các cơ sở có đào tạo ngành du lịch phải gắn kết với hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch để dự báo nhu cầu lao động, xây dựng chuẩn đầu ra và đào tạo sinh viên có kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngành nghề.

Các cơ sở đào tạo phải thỏa thuận doanh nghiệp là nơi thực hành, thực tập của cơ sở đào tạo sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm… của doanh nghiệp để đào tạo thực hành. Thời gian đào tạo tại các doanh nghiệp ít nhất bằng tổng thời gian thực hành, thực tập của chương trình đào tạo và không ít hơn 50% tổng thời gian thực hiện chương trình đào tạo.

Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội trong thời đại công nghệ 4.0, Khoa du lịch đã bước đầu tuyển sinh hai ngành đào tạo chính quy của Khoa là Ngành QTDVDL và LH, Ngành QTKS và NH bước đầu có tín hiệu vui vì số sinh viên đầu vào của hai ngành này chiếm hơn một nửa số lượng sinh viên của toàn Khoa. Trong cấu trúc tổng thể 60- 62 học phần (121 tín chỉ), có 38/62 học phần bắt buộc, 24/62 học phần tự chọn (tương đương 50/121 tín chỉ). Trong đó, sinh viên cần lựa chọn tích luỹ 16/50 tín chỉ (tỉ lệ chiếm hơn 1/3). Như vậy, tổng số tín chỉ tự chọn gấp hơn 3 lần số lượng tín chỉ tự chọn mà sinh viên cần tích luỹ. Với tỉ lệ như vậy, bảo đảm sự lựa chọn tối ưu của sinh viên. Trong đó, các học phần tự chọn bao gồm các học phần thuộc nhiều mảng kiến thức khác nhau trong lĩnh vực du lịch, chuyên sâu về lữ hành, hướng dẫn, khách sạn, nhà hàng và các kỹ năng liên quan.

Các học phần cốt lõi nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng của ngành. Các học phần tự chọn theo hướng chuyên sâu về các lĩnh vực du lịch. Các đặc điểm này sẽ tạo điều kiện tối đa cho người học trong việc đảm bảo tích luỹ được các kiến thức nền tảng, quan trong của ngành, đồng thời thoả mãn nhu cầu lựa chọn tích luỹ các kiến thức liên quan cần thiết khác phù hợp với bản thân người học.

Điểm nhấn thứ nhất của CTĐT theo cơ chế đặc thù là Sự tham gia của doanh nghiệp trong chương trình đào tạo cũng là kim chỉ nam cho loại hình đào tạo theo cơ chế đặc thù mà Khoa du lịch muốn hướng đến

Để đảm bảo nguyên tắc của cơ chế đào tạo đặc thù ngành QTDVDL & LH cũng như ngành QT khách sạn và QT nhà hàng, trong chương trình 50/60 học phần sẽ có sự tham gia giảng dạy của chuyên gia hoặc sinh viên đi thực tế, thực tập học phần tại các doanh nghiệp du lịch như là các công ty lữ hành, các khách sạn hay các nhà hàng với các hoạt động tương ứng nội dung học phần được mô tả trong các đề cương chi tiết. Các học phần này tập trung vào khối kiến thức cơ sở ngành, ngành và kiến thức chuyên sâu của ngành. Tuy nhiên, có 10-12 học phần không có sự tham gia của chuyên gia và doanh nghiệp là 9 học phần thuộc khối kiến thực giáo dục đại cương, 2 học phần mang tính đặc thù hàn lâm về thống kê kinh doanh và kinh tế và học phần về phương pháp nghiên cứu khoa học.

Điểm nhấn thứ hai của CTĐT theo cơ chế đặc thù rất quan trọng là Tăng cường thời gian thực tập, thực hành tại doanh nghiệp

Nhằm đảm bảo thời gian thực tập của doanh nghiệp chiếm hơn 50% thời lượng chương trình đào tạo giúp sinh viên có cơ hội thực hành thực tế nghề nghiệp tại doanh nghiệp, chương trình Quản trị khách sạn áp dụng cơ chế đặc thù được thiết kế với tiêu chí đưa sinh viên đi thực tập trong mỗi học phần. Trong đó, tỷ lệ thời lượng có sự tham gia của doanh nghiệp trong mỗi học phần này đều trên 60%. Ngoài ra, khác với chương trình đào tạo không đặc thù, chương trình này sẽ tăng số lượng tín chỉ của 3 học phần Thực tập nghiệp vụ 1 và Thực tập nghiệp vụ 2, Thực tập quản lý thành 3 tín chỉ mỗi học phần (tăng 1 tín chỉ/ học phần so với chương trình truyền thống). Mô hình mà khoa du lịch cần nhắm đến là ICASE:

  • I(Internship): doanh nghiệp du lịch sẽ tạo môi trường trải nghiệm và thực tập thường xuyên cho sinh viên của Khoa. Hai bên cùng phối hợp quản lý và cùng chia sẻ cách thức làm việc tại chổ cũng như rèn luyện các kỹ năng nghề cho sinh viên.
  • C (Co-Research): Khoa du lịch và doanh nghiệp du lịch sẽ hợp tác trong các hoạt động phối hợp nghiên cứu. Nội dung, nhân lực, tài chính do Khoa và doanh nghiệp chia sẻ, có thể thực hiện ở Khoa, ở doanh nghiệp hoặc ở cả 2 nơi.
  • A (Academic):doanh nghiệp du lịch sẽ thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn tại doanh nghiệp cho giảng viên lẫn sinh viên theo học.
  • S (Scholarship): Khoa và doanh nghiệp du lịch sẽ cung cấp một số học bổng cho sinh viên hàng năm hoặc có thể kèm chương trình tuyển dụng/cam kết làm việc từ doanh nghiệp sau khi sinh viên tốt nghiệp.
  • E (Employment):Trên cơ sở cho sinh viên được thực tập nghề tại doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể tìm kiếm hay đầu tư ngay nguồn nhân lực cho chính doanh nghiệp của mình sau này.

Tóm lại, để hướng đến việc áp dụng các CTĐT của Khoa sau này theo cơ chế đặc thù, thiết nghĩ, Khoa du lịch cần phối hợp với doanh nghiệp định hướng nghề nghiệp sớm cho sinh viên; kết nối giữa nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với nguyện vọng việc làm của sinh viên sao cho phù hợp. Để đạt được những mục tiêu trên đội ngũ giảng viên của Khoa sắp tới, cần kết hợp các phương pháp giảng dạy một cách có hiệu quả, như là một số PPGD sau đây:

  1. Project-based Learning (PBL): Các học phần về kỹ năng, kỹ thuật và công nghệ và kỹ năng được chú trọng thiết kế giúp cho sinh viên học tập hiệu quả thông qua quá trình làm ra những sản phẩm (Learning by Doing) cụ thể dưới sự hướng dẫn của giảng viên và các giám đốc bộ phận ở các doanh nghiệp du lịch.
  2. Học tập phục vụ cộng đồng (Service-based learning) – Kết hợp hoạt động cộng đồng với học thuật; áp dụng kinh nghiệm hoạt động như một đề mục giảng dạy. Sinh viên sẽ có cơ hội cọ xát thực tế được bổ sung các kiến thức rộng hơn như văn hóa, xã hội, làm quen với môi trường kinh doanh của các DNDL
  3. Phương Pháp dạy thực hành tại chổ bằng cách đưa sinh viên đến các điểm tham quan hay các DNDL để sinh viên sớm được cọ xát thực tập và tìm hiểu thực tế chứ không tiêu tốn quá nhiều thời gian trên lớp
  4. Phương Pháp trao đổi (học thuật-kinh nghiệm và kinh nghiệm-học thuật): Thường xuyên giới thiệu hoặc tiến cử giảng viên về hoạt động thực hành tại các doanh nghiệp du lịch thời gian khoảng từ 1 tháng đến 6 tháng nhằm nâng cao kiến thức thực tế, thay đổi phương pháp giảng dạy trên lớp bằng cách áp dụng những kinh nghiệm đã được bồi dưỡng tại DNDL nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp phục vụ trong ngành du lịch, đáp ứng được yêu cầu thực tế và xã hội trong thời gian sắp tới. Vì theo tôi, số lượng đội ngũ giảng viên của Khoa Du Lịch chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thêm vào đó, đội ngũ giảng viên hiện này cũng chưa chuyên sâu về du lịch, nhiều giảng viên chuyển từ ngành khác sang giảng dạy nên thiếu sự hiểu biết sâu sắc cả về lý luận cũng như kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, về phía DNDL, phần lớn các giám đốc cũng gặp rất nhiều khó khăn khi được mời tham gia giảng dạy vì họ chưa được trang bị kỹ năng sư phạm nên họ ngại đến giảng dạy tại Khoa. Họ chỉ muốn đến chia sẻ kinh nghiệm, nói chuyện một hay hai buổi chứ họ không can đảm đảm trách một số môn học mặc dù họ thừa kinh nghiệm để đứng lớp. Ngoài ra, do số lượng sinh viên ở mỗi lớp đặc thù quá đông (70-75SV/lớp) nên việc giảng dạy quá khó, thời gian cho mỗi sinh viên thực hành quá ít và doanh nghiệp cũng không thể nhận một lúc một lượng sinh viên quá lớn, cần điều chỉnh số lượng sinh viên theo hướng lựa chọn phù hợp với cơ chế đặc thù mới đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như đầu ra nếu chúng ta muốn đảm bảo chất lượng dạy và học.

Trên đây là một số chia sẻ của bản thân khi tham gia giảng dạy một số môn chuyên sâu của ngành QTDVDL&LH theo cơ chế đặc thù của Khoa du lịch cũng như cảm nhận của một giảng viên đã giảng dạy lâu năm theo cơ chế truyền thống. Hy vọng những cái khó trong cơ chế đào tạo đặc thù sớm được tháo gỡ, hòa nhập và phát triển theo xu hướng đào tạo mở hiện nay!

Ths Nguyễn Thị Ngọc Cẩm – BMLH& HDDL

About Khoa Lữ hành

Tin liên quan

Trường Du lịch – Đại học Huế tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ năm 2024

Trong những năm vừa qua, Trường Du lịch – Đại học Huế luôn là “địa …