Với tốc độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, mỗi năm ngành du lịch cần thêm gần 40.000 lao động mới, bên cạnh đó phải không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Du lịch Việt Nam trong những năm qua đã đạt được rất nhiều thành tích ấn tượng, đặc biệt trong năm 2019 ngành đã thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam được tôn vinh với nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới. Với sự nỗ lực của toàn ngành, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của ngành du lịch Việt Nam là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng và trình độ đáp ứng không chỉ nhu cầu thị trưởng trong nước mà còn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Vậy, trên thực tế chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện nay như thế nào? Làm thế nào để nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực?
Sự tăng trưởng ấn tượng của ngành Du lịch Việt Nam năm 2019
Có thể khẳng định, năm 2019 là năm rất thành công của du lịch Việt Nam. Toàn ngành đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng. Với kết quả này, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Đồng thời, theo Tổng cục Du lịch, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vượt Indonesia, vươn lên vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến. Chất lượng dịch vụ du lịch cải thiện đáng kể.
Sự phát triển này còn không chỉ thể hiện ở các con số thống kê về lượng khách du lịch quốc tế, nội địa, tổng thu mà còn là các danh hiệu mà du lịch Việt Nam đạt. Trong đó phải kể đến các giải thưởng như “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019”…
Năm 2019 cũng đánh dấu chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Trong 3 lần xếp hạng (2 năm/ lần), du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 75/141 nền kinh tế (năm 2015) lên vị trí 63/140 vào năm 2019.
Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tiếp tục làm thay đổi chất lượng hạ tầng dịch vụ du lịch, góp phần hình thành nhiều khu du lịch khép kín, đẳng cấp quốc tế. Tính đến nay, cả nước có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 phòng, trong đó có 171 cơ sở lưu trú 5 sao và 295 khách sạn 4 sao.
Câu hỏi được đặt ra là với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của ngành du lịch như hiện nay, liệu nguồn nhân lực trực tiếp cũng như gián tiếp có đáp ứng kịp thời và lâu dài nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp hay không?
Nhân lực du lịch vừa thiếu lại vừa yếu
Theo thống kê sơ bộ của ngành Du lịch Việt Nam 2019, nước ta hiện có khoảng 1,3 triệu lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch (chiếm 2,5% tổng số lao động trong cả nước), trong đó có khoảng 20% chỉ được huấn luyện tại chỗ, chưa qua đào tạo chính quy với chất lượng mang tính chuyên nghiệp. Do vậy, cùng với tiến độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, đòi hỏi mỗi năm cần phải đào tạo thêm khoảng 40.000 lao động mới, kết hợp với công tác không ngừng đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có với số lượng tương tự.
Hiện tại, cả nước có 346 cơ sở đào tạo về du lịch các cấp từ sơ cấp đến bậc đại học. Hằng năm, các trường đại học tại Việt Nam tiếp nhận và đào tạo hàng chục nghìn cử nhân nhưng chỉ 1/3 trong số đó đáp ứng được những tiêu chí mà ngành du lịch đề ra. Tính đến nay, số lượng lao động lĩnh vực khách sạn – lữ hành mới chỉ chiếm 2,5% tổng lao động cả nước trong khi quy mô ngành cần nhiều hơn thế.
Khi đặt trong bối cảnh kinh tế khu vực, lực lượng lao động Việt Nam không chỉ bị cạnh tranh về mặt số lượng mà còn về chất lượng và năng lực thực hành. Xét về năng suất lao động, nước ta mới chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/10 Nhật Bản và 1/5 Malaysia – một con số quá khiêm tốn so với tiềm lực nội tại.
Thật tế, Việt Nam chúng ta hiện đang rất thiếu nhân lực có trình độ, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm trong ngành “công nghiệp không khói”. Chính vì vậy, trong xu hướng đầu tư ngày càng tăng đối với các nhà hàng, khách sạn, resort 5 sao như hiện nay, thị trường nhân lực của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị “chiếm dụng” từ nguồn nhân lực các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia…
Với tốc độ tăng trưởng, đầu tư, thu hút du khách… của du lịch Việt Nam hiện nay, dự đoán đến năm 2020, sẽ cần đến 2,5 triệu lao động làm trong ngành này. Doanh thu của ngành du lịch ước tính hết năm 2020 đạt khoảng 35 tỷ USD. Hàng loạt các khách sạn 5 sao liên tục được các doanh nghiệp lớn đầu tư đưa vào hoạt động, ví dụ như VinGroup, SunGroup, FLC, Saigontourist… Cùng với đó là xu hướng nhiều thương hiệu quốc tế hàng đầu về bất động sản du lịch như: Accor, JW Marriott, Hyatt, InterContinental, Four Seasons… đã và đang rốt ráo tăng thêm thị phần tại Việt Nam, góp phần tạo nên sự cạnh tranh đa dạng, hấp dẫn nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực yếu và thiếu hiện nay của chúng ta là rào cản lớn cho sự phát triển của ngành du lịch.
Như vậy, cùng với chủ trương phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì vấn đề đáp ứng nguồn nhân lực du lịch để có thể đảm bảo về chất lượng và số lượng là chuyện cấp thiết và không hề đơn giản, đòi hỏi phải chỉnh sửa ngay những vấn đề bất cập trong quy mô đào tạo, sự liên kết giữa cung và cầu của nhà trường và các doanh nghiệp, cùng những chính sách và hành lang pháp lý tạo điều kiện để phát triển và nâng cao nguồn nhân lực du lịch cả về chất và lượng.
Đi tìm lời giải cho bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, tương lai du lịch Việt Nam phải khởi nguồn từ việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ, chất lượng, sẵn sàng đương đầu với khó khăn để đưa ngành công nghiệp dịch vụ lên một tầm cao mới. Hiểu rõ điều đó, Khoa Du lịch – Đại học Huế mong muốn tạo ra một môi trường giáo dục lý tưởng, nơi mọi kỹ năng đều được bắt đầu từ nền tảng vững chắc.
Khoa Du lịch – Đại học Huế (Mã trường: DHD) được ghi nhận là một trong những đơn vị đào tạo bậc đại học và sau đại học về du lịch lớn nhất ở khu vực miền Trung – Tây nguyên và cả nước. Với sứ mạng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của khu vực miền Trung – Tây nguyên và cả nước, Khoa Du lịch – Đại học Huế đã và đang tạo ra cơ hội cho hàng ngàn sinh viên năng động, sáng tạo, yêu thích các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Tăng quy mô tuyển sinh
Năm 2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Khoa Du lịch là 1.410 chỉ tiêu (tăng 210 chỉ tiêu so với 1.200 chỉ tiêu năm 2019). Trong đó có 690 chỉ tiêu đào tạo theo cơ chế đặc thù của Bộ Giáo dục và Đào tạo của 04 ngành gồm: Du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; và 50 chỉ tiêu tuyển sinh ngành đào tạo mới Quản trị du lịch và khách sạn.
Không ngừng nâng cao chất lượng
Về khung chương trình đào tạo, sinh viên thay vì chỉ được đào tạo theo các hình thức truyền thống, cơ chế đào tạo đặc thù đang dần mang lại những lợi ích thiết thực trong đó các ngành điều chỉnh theo hướng mở, dễ dàng chuyển đổi, liên thông; bao gồm các học phần cốt lõi và các học phần tự chọn. Các học phần cốt lõi nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng của ngành đào tạo. Các học phần tự chọn theo hướng chuyên sâu về các lĩnh vực du lịch theo vùng miền, khu vực địa lý, loại hình du lịch… Rút ngắn thời gian đào tạo phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời, tăng thời gian đào tạo thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Cơ sở đào tạo tự chủ lựa chọn doanh nghiệp đối tác; chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực tham gia đào tạo của doanh nghiệp đối tác trong quá trình phối hợp đào tạo và tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập.
Về hoạt động thực tập, liên kết doanh nghiệp (DN), đến nay, Khoa Du lịch đã có hơn 30 DN đối tác. Có thể kể đến các DN lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế như Công ty CP Du lịch Hương Giang, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Saigon Morin, Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô, Công ty CP Alba Thanh Tân Huế, Công ty Du lịch Viettravel… các tập đoàn và DN ngoại tỉnh như Sun Group (Đã Nẵng), Vingroup (Phú Quốc, Hội An, Nha Trang, Đà Nẵng), Công ty CP Du lịch Dragon Sea (Thanh Hóa), Cocobay Đà Nẵng, Công ty CP Flamingo group (Cát Bà – Hải Phòng, Đại Lãi – Vĩnh Phúc)… Mỗi năm, Khoa đưa hơn 1.000 lượt sinh viên tham gia thực tập, thực tế tại các DN. Ngoài ra, Khoa còn liên kết được với một số doanh nghiệp ở nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản để gửi sinh viên đủ điều kiện đi thực tập (internship) ở các nước này.
Sinh viên thực tập tại Tập đoàn Sun World Bà Nà Hills – Đà Nẵng
Sinh viên Khoa Du lịch được tham gia đào tạo và học tập trong Khuôn khổ Dự án “Tourist” tại Thái Lan
Về cơ hội việc làm, tính đến năm 2019 tỷ lệ sinh viên Khoa Du lịch – Đại học Huế ra trường tìm được việc làm trên 90% bởi chất lượng đào tạo đã đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động du lịch hiện nay.
Đón đầu xu hướng
Ngoài các ngành đặc thù về du lịch như khách sạn, nhà hàng, lữ hành, du lịch,.. thì các ngành lai như du lịch điện tử cũng đang nhận được sự chú ý và quan tâm của nhà trường, doanh nghiệp và xã hội. Với sự phát triển sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, du lịch cũng đang là một trong những ngành chịu ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ của nó. Chính vì vậy, du lịch điện tử được dự đoán sẽ là ngành “hot” và bổ sung một lượng nhân lực có chất lượng và trình độ đáng kể cho ngành du lịch trong thời đại CNTT&TT bùng nổ như hiện nay.
Trong năm 2020, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ toàn ngành Du lịch đón khoảng 20,5 triệu lượt du khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 830.000 tỷ đồng. Chính vì nhu cầu du lịch ngày càng tăng do đó việc đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực là một yếu tố then chốt quyết định sự thành công của ngành trong thời đại hội nhập hiện nay.
Hoàn thiện hệ thống đào tạo từ bậc cử nhân đến thạc sỹ, tiến sỹ
Khoa Du lịch – Đại học Huế là đơn vị thứ 2 trong cả nước (cùng với Khoa Du lịch – Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội) có hệ thống đào tạo du lịch hoàn thiện cả 3 cấp: từ Cử nhân, đến Thạc sỹ và Tiến sỹ du lịch.
Ban Quảng bá tuyển sinh – Khoa Du lịch – Đại học Huế
Tuyển sinh Khoa Du lịch – Đại học Huế Tuyển sinh đại học: Tổng chỉ tiêu tuyển sinh: 1.410 chỉ tiêu. Cho 8 ngành đào tạo gồm: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (555 chỉ tiêu), Quản trị khách sạn (355), Du lịch (225), Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (125), Quản trị du lịch và khách sạn (50), Du lịch điện tử (50) và Quản trị kinh doanh (50); xem chi tiết tại http://hat.hueuni.edu.vn/khoa-du-lich-dai-hoc-hue-tuyen-sinh-nam-2020.html. Tuyển sinh thạc sỹ: 80 chỉ tiêu cho 2 ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (MS 8810103) và Du lịch (MS 8810101). Tuyển sinh tiến sỹ: 10 chỉ tiêu ngành Du lịch (MS 9810101). |
Tài liệu tham khảo:
- https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/co-che-dac-thu-dao-tao-nhan-luc-du-lich-20171121214756709.htm
- https://bnews.vn/nam-2019-du-lich-viet-nam-dat-ky-tich-vang-tang-truong/143985.html
- http://hat.hueuni.edu.vn/de-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-nong-nhu-cau-dao-tao-nhan-luc-du-lich.html