Du lịch di sản được định nghĩa là hoạt động du lịch hướng tới sự trải nghiệm nghệ thuật, văn hoá, đời sống của con người trong quá khứ nhằm giúp con người hiện tại hiểu được chính mình. Bảo tàng là nơi cho phép công chúng tham quan các bộ sưu tập hiện vật nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá và hưởng thụ văn hoá của họ. Bảo tàng là nơi sưu tầm, bảo quản và trưng bày các sản phẩm văn hoá của con người và “trình diễn” phục vụ con người. Như vậy, Bảo tàng là một phần không thể thiếu trong hoạt động du lịch, giải trí của con người.
Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế là một trong những Bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam với các bộ sưu tập hiện vật phong phú và quý hiếm.
Với ý nghĩa như trên và mục đích giúp sinh viên Khoa Du lịch có cơ hội tiếp cận học phần Du lịch di sản từ góc nhìn thực tiễn, giảng viên phụ trách học phần đã tổ chức buổi tham quan thực tế tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và nghe chuyên gia bảo tàng nói chuyện vào ngày 14-11-2018. Đây cũng là một hoạt động của Bảo tàng nhằm hướng tới Kỷ niệm ngày Di sản Việt Nam 23-11-2018.
Tập thể lớp K49 Kinh tế Du lịch tham quan tại bảo tàng Cổ vật cung đình Huế
Buổi thực tế được bắt đầu bằng việc thuyết minh viên hướng dẫn sinh viên tham quan bảo tàng, nhiều sinh viên Khoa Du lịch tỏ ra rất thích thú bày tỏ rằng «đây là lần đầu tiên em được đến tham quan bảo tàng và nó rất thú vị, khác hẳn với suy nghĩ ban đầu của em về bảo tàng». Ngoài ra, trong buổi nói chuyện của Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế – TS. Huỳnh Thị Anh Vân với chủ đề «Các hình thức thuyết minh và diễn giải trong di sản và bảo tàng», sinh viên Khoa du lịch cũng mạnh dạn trao đổi, thảo luận các vấn đề chuyên môn như là : vấn đề quảng bá, truyền thông Bảo tàng trong du lịch ? vấn đề ứng dụng công nghệ để tạo trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến tham quan bảo tàng ? vấn đề kết nối thị trường mục tiêu đối với các hoạt động và dịch vụ của bảo tàng….
Trao đổi, thảo luận với thuyết minh viên
Kết thúc buổi thực tế, đại diện sinh viên là bạn Ngô Vĩnh Thiện Hà, lớp K49 Kinh tế du lịch cùng giáo viên phụ trách môn học đã tặng quà và phát biểu lời cảm ơn đối với diễn giả- TS. Huỳnh Thị Anh Vân cùng sự hỗ trợ tận tình của cán bộ của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Chúng tôi đều đồng ý rằng, kết thúc buổi thực tế này là một sự mở đầu đầy nhân duyên giữa Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và Khoa Du lịch, Đại học Huế hay rộng hơn là giữa ngành bảo tàng và du lịch.
Một số hình ảnh khác:
Phan Thị Diễm Hương – Bộ môn Du lịch học