Trang chủ / Đọc báo giùm bạn / Dấu ấn ngành VHTTDL 6 tháng đầu năm: “Cỗ xe tam mã” bắt đầu bứt tốc

Dấu ấn ngành VHTTDL 6 tháng đầu năm: “Cỗ xe tam mã” bắt đầu bứt tốc

Tiếp nối thành công của năm 2022, bước sang năm 2023 – năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục phương châm “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến” ngành VHTTDL đã đạt được nhiều dấu ấn, kết quả tích cực, khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của văn hoá, thể thao và du lịch trong sự phát triển của đất nước.

Kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tháng 11/2021 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hoá, liên tiếp sau đó những hội nghị, hội thảo lớn tầm quốc gia với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước bàn về sự phát triển của văn hóa được tổ chức.

Có thể kể đến như Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” được tổ chức ngày 29/11/2022 dưới sự chủ trì của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa hay Hội thảo Văn hóa 2022 “Thể chế, Chính sách và Nguồn lực cho phát triển văn hoá” được tổ chức ngày 17/11/2022 dưới sự chủ trì và tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (khi đó là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng); Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ Trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.

Trong năm 2023, nhiều sự kiện văn hóa lớn tiếp tục được tổ chức càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn hoá.

Ngày 27/02/2023, Bộ VHTTDL phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Hội thảo khoa học cấp quốc gia tổ chức Hội thảo “80 năm Đề cương Văn hóa về Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển”. Hội thảo năm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, với mục đích khẳng định và phát huy những giá trị cốt lỗi của một văn kiện lịch sử – Đề cương về văn hóa Việt Nam, nghiên cứu quá trình vận dụng đường lối văn hóa của Đảng và thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước; tổng kết những thành tựu và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (khi đó là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng); Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng… tại hội thảo cho thấy sự quan tâm lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự phát triển văn hóa sau 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời.

Tai Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, bản chất cốt lõi của văn hóa chính là “một mặt trận”, là “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”, là “sức mạnh nội sinh”, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước” như Đề cương về văn hóa Việt Nam, cùng các văn kiện của Đảng đã khẳng định. Đặc biệt, phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng ta đã đề ra luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa, trong đó nhân tố con người nắm giữ vị trí then chốt.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định, việc tiếp tục tạo ra được sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam, với tư cách là một trụ cột của sự phát triển, là trung tâm của sự phát triển, là sức mạnh mềm văn hóa trong cấu trúc sức mạnh tổng thể quốc gia, rõ ràng không còn là giải pháp riêng của ngành văn hóa mà cần phải là giải pháp tổng thể của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Đảng.

Ngay sau chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, cuối tháng 3/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có buổi thăm và làm việc với Bộ VHTTDL về việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa theo yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực văn hoá, kết quả Hội thảo Văn hóa năm 2022. Điều này tiếp tục khẳng định sự quan tâm rất lớn của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đối với lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao ngành VHTTDL đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn, thách thức và biến động, nhất là tác động của đại dịch Covid–19.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Bộ VHTTDL đã có rất nhiều nỗ lực, đặc biệt đã đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, chuyển từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, chú trọng công tác xây dựng pháp luật, kiến tạo sự phát triển các ngành, lĩnh vực quản lý.

Bộ VHTTDL đã chủ trì soạn thảo để Chính phủ trình Quốc hội thông qua nhiều luật quan trọng. Điển hình là Luật Điện ảnh (sửa đổi) được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. “Chúng ta đã nỗ lực đến những “phút bù giờ” để giải quyết được những vấn đề vướng mắc của thực tiễn, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện dự luật trình Quốc hội thông qua, chuyển mạnh từ tư duy coi điện ảnh chỉ là một ngành văn hoá, nghệ thuật sang tư duy coi đây vừa là một ngành văn hóa nghệ thuật, đồng thời là một ngành công nghiệp văn hóa để có chính sách phù hợp. Hay Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, tiến bộ hơn nhiều so với luật cũ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bộ VHTTDL cũng đã chủ động phối hợp tham mưu, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và hiện đang chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành một số luật khác (như Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), thậm chí đã tính đến giai đoạn sau nhiệm kỳ Khóa XV. Bộ cũng đã chủ động rà soát, xây dựng mới và tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 – 2026 với các Ban, Bộ, ngành Trung ương, qua đó, giúp ngành VHTTDL có thêm những nguồn lực quan trọng để phát triển.

Bên cạnh dấu ấn trong công tác thể chế, chính sách, trong năm 2023, nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật cũng có nhiều khởi sắc. Điển hình như thành công của hoạt động lễ hội đầu năm Quý Mão 2023.

Trong mùa lễ hội năm nay, nhìn chung những hiện tượng tiêu cực, lợi dụng lễ hội để trục lợi hay các hành vi mê tín di đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục… được hạn chế tối đa, các lễ hội đa phần được tổ chức tiết kiệm, trang trọng, dần theo hướng văn minh, hiện đại hơn.

Báo cáo của Ban Dân nguyện gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tháng 02/2023 đã khẳng định: “Các hoạt động văn hóa, lễ hội dịp Tết Quý Mão 2023 được tổ chức lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi”.

Thành công đó ngoài sự nỗ lực của các địa phương còn là nhờ sự chuẩn bị tích cực, từ sớm, từ xa cho công tác quản lý lễ hội của Bộ VHTTDL. Ngay từ trước khi bước vào mùa lễ hội, Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội năm 2023. Đồng thời, hoạt động giám sát công tác tổ chức trong thời gian lễ hội trên cả nước được đẩy mạnh.

Nửa đầu năm 2023, trên cả nước, các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, với các hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Những cuộc liên hoan, triển lãm toàn quốc và từng khu vực được tổ chức đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sáng tạo và xây dựng phong trào.

Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Cục Điện ảnh, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức thành công chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023), tạo ấn tượng sâu đậm trong hội viên và công chúng yêu nhiếp ảnh, điện ảnh cả nước.

Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật từng bước được phục hồi, các loại hình nghệ thuật đã có những tìm tòi, đổi mới đáng trân trọng, sân khấu truyền thống, điển hình là cải lương, có nhiều khởi sắc. Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp được dàn dựng công phu, có chất lượng. Phong trào văn học, nghệ thuật quần chúng ở cơ sở cũng được quan tâm, đầu tư, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc.

Ngoài ra, các hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam diễn ra với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, được đầu tư tổ chức quy mô, có trọng tâm, trọng điểm.

Có thể khẳng định, trong nửa đầu năm 2023, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã giúp cho văn hóa thu được những kết quả khởi sắc, khẳng định vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước.

Sự kiện thể thao lớn nhất mà Việt Nam tham dự nửa đầu năm 2023 là SEA Games 32 được tổ chức tại Campuchia tháng 5/2023, và tại kỳ SEA Games này, dù gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, thể thao Việt Nam vẫn gặt hái những thành công ngoài mong đợi.

Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự SEA Games, đoàn Thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn ở một kỳ đại hội tổ chức ở nước ngoài (với 136 huy chương vàng, 105 huy chương Bạc và 118 huy chương Đồng, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games). Đây còn là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp.

Thành tích của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 đến từ quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu dài và bài bản với bước đà là SEA Games 31.

Trong đó, nhóm các môn Olympic đã được đầu tư trọng điểm, đi tập huấn nước ngoài. Nhóm các môn SEA Games và Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games) cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyển hướng linh hoạt.

Nhiều môn trong chương trình thi đấu của SEA Games và Asian Games như Karate hoàn thành vượt chỉ tiêu hay như Aerobic đã giành trọn 5/5 HCV của Đại hội. Dù Điền kinh chỉ đoạt 12 HCV SEA Games 32 – không cao bằng thành tích của kỳ SEA Games 31, nhưng trong bối cảnh không có đầy đủ lực lượng mạnh nhất thì những nỗ lực của các VĐV Việt Nam là rất đáng ghi nhận.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVH tại SEA Games 32 Đặng Hà Việt, SEA Games 32 không có những môn thế mạnh của Việt Nam như bắn cung, bắn súng, rowing, canoeing… Ngoài ra, ở các môn võ như judo, karate Việt Nam chỉ được đăng ký thi đấu 70% số lượng nội dung thi đấu. Chính vì vậy, đánh giá về thành tích ở các môn Olympic cần có sự toàn diện, Đoàn TTVN giành trên 50% các HCV ở các môn thể thao Olympic. Vì vậy, đây là một kỳ đại hội thành công về mọi mặt của đoàn thể thao Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cũng nhấn mạnh, việc đoàn Thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu HCV đến từ sự nỗ lực hết mình và thi đấu thăng hoa của các VĐV. Chúng ta có lứa VĐV trẻ tài năng. Rất nhiều VĐV dù lần đầu dự SEA Games và còn trẻ nhưng xuất sắc giành HCV, thậm chí phá kỷ lục. “Tất cả những hình ảnh đó mang lại sức lan tỏa rất lớn không riêng gì các hoạt động thể thao, mà giúp cho người dân Việt Nam luôn cống hiến cho Tổ quốc”.

Bên cạnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nỗ lực tuyệt vời của các VĐV, HLV thì sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ VHTTDL đã truyền cảm hứng, tạo động lực, quyết tâm không nhỏ để làm nên thành công của Thể thao Việt Nam trong năm 2023.

Còn nhớ trong những cuộc họp chuẩn bị cho Đoàn Thể thao Việt Nam trước khi tham dự SEA Games 32, lãnh đạo Tổng cục TDTT cam kết đặt quyết tâm cao nhất và cố gắng để Thể thao Việt Nam nằm trong trong Top 3 các quốc gia đứng đầu, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã rất cương quyết: “Không có lý gì mà tại SEA Games 31 chúng ta dẫn đầu mà đến kỳ SEA Games 32 chúng ta lại đặt mục tiêu thấp hơn được”. Quyết tâm này đã truyền cảm hứng, đồng thời tạo sức ép đến toàn ngành thể thao phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa.

Tại Lễ xuất quân Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 32, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng nhấn mạnh, mặc dù lần này chúng ta không có nhiều thuận lợi như SEA Games 31 nhưng với vị thế, khả năng của thể thao Việt Nam trong khu vực (luôn trong top đầu từ SEA Games 22 đến nay) và sự chuẩn bị nghiêm túc, chúng ta vẫn có nhiều thế mạnh, cơ hội để đạt được mục tiêu đặt ra, thậm chí có thể ở mức cao. Phó Thủ tướng nêu rõ, tất cả thành viên của Đoàn nhận thức rõ được vinh dự và trách nhiệm, đã và đang phấn đấu, nỗ lực với tinh thần phát huy cao nhất những thành tích đã đạt được.

Thành công của SEA Games 32 đã cho thấy mỗi thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam đã nhận thức được trách nhiệm vẻ vang của mình, thể hiện tốt truyền thống văn hóa và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đất nước đến bạn bè quốc tế. Mỗi một cá nhân của Đoàn thể thao Việt Nam là một đại sứ văn hóa của đất nước.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, biểu dương các “gương mặt vàng” của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, thành tích, vinh quang đạt được hay những khó khăn, vất vả mà các mà các huấn luyện viên, vận động viên Đoàn Thể thao Việt Nam đã nỗ lực vượt qua mang đến niềm cảm hứng tươi mới để mỗi người cùng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình; cùng hướng đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn.

Sự kiện quan trọng hàng đầu của du lịch Việt Nam đầu năm 2023 đó là ngày 15/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi-Tăng tốc phát triển”.

Hội nghị diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022). Ngày 15/3/2022 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài “ngủ đông” do dịch Covid-19. Đến tháng 3/2023, một năm sau dấu mốc này, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là “bùng nổ” du lịch nội địa.

Mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới. Toàn ngành đã có cơ hội lớn để thúc đẩy du lịch phục hồi sau Covid-19.

Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022). Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, những kết quả ngành du lịch đạt được thời gian qua là minh chứng sinh động cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Với những kết quả này, chúng ta có thêm sự tự tin, kinh nghiệm, nhận thức rõ hơn về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam để bước vào giai đoạn phát triển mới, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, gắn phát triển du lịch với phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Sau Hội nghị toàn quốc về du lịch, vào ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Nghị quyết là định hướng quan trọng nhằm phục hồi và phát triển ngành du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết là tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách du lịch quốc tế. Nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (E-visa).

Và ngay tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ đã trình Quốc hội đang xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với rất nhiều những thay đổi về việc cấp visa điện tử, chứng nhận tạm trú cho người nhập cảnh vào Việt Nam. Dự án luật được kỳ vọng sẽ góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch, tổng số khách nội địa trong 5 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt 50,5 triệu lượt (mục tiêu năm 2023 đón 102 triệu lượt), số khách quốc tế đạt 4,6 triệu lượt (mục tiêu năm 2023 đón 8 triệu lượt).

Như vậy, với 4,6 triệu lượt khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm, tương đương 57,5% mục tiêu kế hoạch năm 2023, ngành du lịch có khả năng sẽ vượt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế nhờ vào động lực tăng trưởng ở mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm và những chính sách tạo thuận lợi cho du lịch sắp tới.

Trước đó, chúng ta cũng nhận được tín hiệu vui thêm nữa là lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng trưởng ở tốp đầu thế giới theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google. Cụ thể, lượng tìm kiếm về lưu trú du lịch Việt Nam tăng nhanh, xếp thứ 11 trên thế giới (trong nhóm có mức tăng từ 10-25%), cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu du lịch Việt Nam. Khu vực Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam và Philippines là hai quốc gia nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới. Các quốc gia khác trong khu vực xếp sau khá xa: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia.

Có thể thấy, những tín hiệu tích cực thời gian qua chính là cơ sở, động lực để du lịch Việt Nam có thể cất cánh trong thời gian tới, như kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị du lịch toàn quốc năm 2023: “Trong giai đoạn mới, tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân, sự hỗ trợ và hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế, ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng “Sản phẩm đặc sắc-Dịch vụ chuyên nghiệp-Thủ tục thuận tiện-Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh sạch đẹp-Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Nguồn: https://vietnamtourism.gov.vn

About admin

Tin liên quan

Thừa Thiên Huế- Khởi động năm Du lịch Quốc gia 2025

Năm 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du …