TTH – Mùa tuyển sinh 2018, Đại học (ĐH) Huế tuyển sinh 9 ngành mới. Điểm chung của các ngành là gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng đến tạo đầu ra việc làm tốt hơn cho người học. Điều này cũng tăng thêm cơ hội để thí sinh lựa chọn.
Trong 9 ngành mới vừa được ĐH Huế công bố (giữa tháng 3/2018) có 2 ngành của Trường ĐH Nông lâm là Bất động sản, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; 3 ngành thuộc Trường ĐH Kinh tế là Kinh tế Chính trị, Hệ thống thông tin Kinh tế, Thương mại điện tử; 3 ngành thuộc Khoa Du lịch là Quản trị khách sạn, Du lịch, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; 1 ngành thuộc Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị là Kinh tế Xây dựng.
Thí sinh tìm hiểu ngành mới của Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị trong đợt tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2018
Gắn với doanh nghiệp, lợi cho người học
PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, các ngành mới mở dựa theo nhu cầu của doanh nghiệp, trong đó có nhiều ngành tiền thân đã được đào tạo chuyên ngành nay được nâng cấp, mở thành ngành, chuẩn hóa theo mã ngành cấp 4 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Chẳng hạn, trước đây, Trường ĐH Nông lâm đã có chuyên ngành Quản lý thị trường bất động sản thuộc ngành Quản lý đất đai thì hiện nay được nâng cấp thành ngành Bất động sản. Tương tự, các ngành mới mở ở Trường ĐH Kinh tế trước đây cũng đã có đào tạo chuyên ngành. “Việc nâng cấp này có lợi cho người học vì chuyên ngành chỉ ghi trong bảng điểm còn ngành thì ghi rõ ở bằng. Người học được đào tạo chuyên sâu và đáp ứng yêu cầu thị trường lao động nên dễ xin việc”, ông Chương nói.
Các ngành mới ở Khoa Du lịch – ĐH Huế sẽ đào tạo theo cơ chế đặc thù theo tinh thần công văn 4929/BGDĐT-GDĐH, đáp ứng nhu cầu nhân lực du lịch chất lượng cao cho đất nước. Hình thức đào tạo các ngành theo cơ chế đặc thù dựa trên nguyên tắc 50% học tại doanh nghiệp nên sinh viên sẽ có lợi thế kỹ năng, kinh nghiệm. Trong khi đó, ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm thuộc Trường ĐH Nông lâm – ĐH Huế là ngành “nóng” vì nhu cầu xã hội về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay rất bức thiết. Điểm thuận lợi của ngành học này là ĐH Huế đang liên kết đào tạo thạc sĩ với Iceland và cơ hội để sinh viên hội nhập quốc tế rất cao. Riêng ngành Kinh tế Xây dựng thuộc Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị được mở nhằm mở rộng ngành đào tạo cho đơn vị này, hướng đến phục vụ nguồn nhân lực cho tỉnh Quảng Trị nói riêng và khu vực các tỉnh, thành lân cận nói chung. Đây cũng là ngành đang có tiềm năng.
TS. Hoàng Tịnh Bảo, Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng Giáo dục ĐH Huế cho biết, còn nhiều ngành mới khác được các trường gửi lên nhưng ĐH Huế chưa duyệt trong mùa tuyển sinh năm nay. Lý do liên quan đến chiến lược phát triển của ĐH Huế, thời điểm mở ngành đó và điều kiện đáp ứng. Các ngành mới đều phải trải qua quy trình nhiều bước, từ khảo sát nhu cầu xã hội, trong đó có đến doanh nghiệp làm các phỏng vấn, điều tra về nhu cầu lao động sau đó mới lập đề án gửi lên ĐH Huế thẩm định. Công đoạn này có sự tham gia góp ý của các bên liên quan, trong đó có doanh nghiệp. Khi thẩm định sẽ dựa trên các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình và có tham chiếu với chương trình liên quan ở các đơn vị trong nước và thế giới cùng đào tạo ngành đó. Nếu vượt qua tất cả các tiêu chí thì Hội đồng ĐH Huế mới xét duyệt và ra quyết định mở mã ngành. “Quá trình xét duyệt rất kỹ và gắn vai trò với doanh nghiệp trong nhiều công đoạn nên ngành mới sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường và có lợi cho người học về đầu ra việc làm”, ông Bảo khẳng định.
Đơn vị đào tạo và thí sinh không lúng túng
Hiện, ĐH Huế đã bắt đầu quảng bá tuyển sinh để giới thiệu cho thí sinh về các ngành mới. Theo PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, từ ngày 1 – 20/4 thí sinh mới bắt đầu đăng ký hồ sơ. Đến tháng 7/2018, sau khi thi kỳ thi THPT Quốc gia, thí sinh vẫn được quyền thay đổi nguyện vọng nên thời gian đủ để thí sinh tìm hiểu và đăng ký các ngành mới mở của ĐH Huế.
Tuy ngành mới mở ngay trong mùa tuyển sinh 2018 nhưng các đơn vị đào tạo khẳng định không lúng túng và đảm bảo chất lượng tốt khi giảng dạy khóa đầu tiên. Các ngành nâng cấp từ chuyên ngành lên ngành đã có sẵn cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực nên không cập rập. Trong khi đó, các ngành mở mới cũng có thời gian dài để chuẩn bị. “Từ lúc làm hồ sơ đến nay cũng dài cả năm nên chúng tôi có nhiều thời gian để chuẩn bị. Mặt khác, để hồ sơ được xét duyệt, phải đảm bảo các yêu cầu về đội ngũ, cơ sở vật chất và các vấn đề liên quan”, TS. Trương Chí Hiếu, Giám đốc Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị nói.
Riêng về chỉ tiêu tuyển sinh, tổng thể ĐH Huế không tăng chỉ tiêu mà chỉ điều tiết lại chỉ tiêu các ngành hợp lý. Cụ thể là giảm chỉ tiêu của các ngành trước đây có chuyên ngành (nay nâng cấp thành ngành) và phân chia chỉ tiêu này cho các ngành mới. Các ngành truyền thống cũng được tính toán hợp lý dựa trên nhu cầu lao động của các đơn vị tuyển dụng. Đây cũng là cơ sở để thí sinh nghiên cứu về chỉ tiêu, có sự đối sánh giữa ngành mới và ngành truyền thống. Chỉ tiêu giữa các ngành được cân đối cũng giúp các đơn vị thuận lợi trong tuyển sinh.
Từ nay đến khi đưa ra quyết định chính thức liên quan đến chọn ngành, nghề là còn dài, thí sinh đủ điều kiện để nghiên cứu chỉ tiêu, cơ hội việc làm và các vấn đề liên quan. Với đặc điểm ngành mới là những ngành xã hội đang cần nhân lực, chắc chắn là một lợi thế để thí sinh nghiên cứu và lựa chọn.
Nguồn:baothuathienhue.vn