Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / Thành công từ liên kết và hợp tác 

Thành công từ liên kết và hợp tác 

TTH – 10 năm xây dựng và phát triển, Khoa Du lịch – Đại học (ĐH) Huế trở thành địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, PGS. TS. Trần Hữu Tuấn, Khoa trưởng Khoa Du lịch đã có những chia sẻ với Báo Thừa Thiên Huế.

Điểm nhấn cho thành công đó là kết quả của quá trình liên kết, hợp tác với doanh nghiệp (DN).Theo PGS. TS. Trần Hữu Tuấn, thành công về các mặt trong đó có đào tạo là những kết quả bề nổi. Ẩn sau đó là quá trình nỗ lực bền bỉ trong việc hợp tác với các DN từ những ngày mới thành lập.

thanh-cong

PGS. TS. Trần Hữu Tuấn, Khoa trưởng Khoa Du lịch – ĐH Huế

Ông có thể nói cụ thể hơn về quá trình hợp tác trong thời gian dài ấy?

Ngay từ những ngày đầu mới được thành lập, Ban Chủ nhiệm Khoa đã rất quan tâm liên kết, xem DN là cơ sở thực hành cho sinh viên (SV) trong điều kiện cơ sở vật chất của khoa còn hạn chế, đồng thời cũng là cơ hội để tìm đầu ra việc làm cho người học.

Thời gian đầu, số lượng DN hợp tác còn ít, chủ yếu dừng lại ở mức độ SV của khoa được tạo điều kiện để đến quan sát thực tế các hoạt động diễn ra tại DN du lịch trong một vài buổi chứ chưa được làm việc trực tiếp vào quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Để tạo ra hiệu quả, khoa đẩy mạnh việc liên kết DN bằng nhiều hướng khác nhau cả chiều sâu và chiều rộng trong nội dung hợp tác. Đến nay, khoa đã có hơn 30 đơn vị đối tác. Có thể kể đến các DN lớn trên địa bàn tỉnh, như Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Saigon Morin… hay các tập đoàn và DN ngoại tỉnh như Sun Group (Đà Nẵng), Madamme Lân (Đà Nẵng), Vingroup (Phú Quốc, Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng), Dragon Sea (Thanh Hóa)…

Mỗi năm, khoa có gần 1.000 lượt SV tham gia thực tập, thực tế tại DN. Khoa còn liên kết được với một số DN ở các nước trong khu vực, như Thái Lan, Singapore… ký kết tiếp nhận SV thực tập. Thời gian tới, khoa tiếp tục mở rộng liên kết với các đối tác ở một số quốc gia như Nhật Bản, NewZealand để đưa SV tham gia các chương trình thực tập sinh.

Chắc hẳn trong quá trình hợp tác đó, các bên đã gặp không ít khó khăn?

Đúng vậy, quá trình hợp tác, cũng có một số khó khăn xảy ra như số lượng SV đông, tạo ra khó khăn cho nhà trường và DN về việc tổ chức thực tập, quản lý, bố trí công việc trong giai đoạn SV thực tập tại DN. Thời gian và thời lượng các đợt thực tập còn bị ảnh hưởng chương trình đào tạo nên chưa phù hợp với các chu kỳ xây dựng kế hoạch lao động tại một số DN. Về phía khoa, việc bố trí sắp xếp SV thực tập tại các DN ngoại tỉnh cũng là một khó khăn lớn bởi còn liên quan đến sức khỏe, an toàn của các em trong thời gian chịu sự quản lý của khoa. Tuy nhiên, các bên có quá trình trao đổi và giải quyết được những khó khăn này.

Ông khẳng định điểm nhấn thành công trong 10 năm xây dựng và phát triển xuất phát từ liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Những thành công cụ thể đó là gì?

Đầu tiên là vấn đề phối hợp xây dựng chương trình đào tạo. Nhờ ý kiến, góp ý của các DN mà chương trình đào tạo của chúng tôi ngày càng hoàn thiện, SV ra trường đáp ứng được yêu cầu việc làm.

thanh-cong1

Sinh viên khoa Du lịch thực tập tại Thái Lan (Ảnh: Khoa Du lịch)

Thứ hai, tạo môi trường thực tập. Khác với các cơ sở giáo dục hiện đại ở nước ngoài, khoa không có cơ sở thực tập (nhà hàng, khách sạn). Toàn bộ phải gửi SV đi thực tập tại DN. Ngoài việc tạo môi trường thực tập, các DN còn tạo điều kiện để SV học văn hóa DN, ứng xử, nghiệp vụ theo các vị trí được phân công và tham gia các hoạt động tại DN như nhân viên chính thức.

Quan trọng nhất là vấn đề việc làm. Nhờ phối hợp DN, tỷ lệ SV ra trường các năm qua tìm được việc làm chiếm trên 80% SV tốt nghiệp và trong vài năm sắp tới sẽ là 100% vì chất lượng đào tạo của khoa cơ bản đáp ứng nhu cầu DN và nhu cầu nguồn nhân lực du lịch hiện nay cũng như trong những năm tới rất cao. Minh chứng gần đây nhất là tập đoàn Vingroup về khoa trong ngày 6/1/2018 và đã tuyển dụng hơn 120 SV năm thứ tư đi làm ngay khi các SV này chưa tốt nghiệp, với mức lương trung bình 5,7 triệu đồng/tháng, thời gian thử việc 2 tháng (hưởng 85% lương).

Thực tế, do thông báo gấp và nhiều SV đang chuẩn bị đi thực tập tốt nghiệp cuối khóa nên nhiều em không kịp đăng ký. Vingroup thông báo sẽ tiếp tục tuyển dụng hết 100% SV năm thứ tư của khoa đi làm tại Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang và Phú Quốc trong thời gian tới. Có thể nói, khoa hoàn toàn yên tâm về đầu ra.

Liệu thành công đó có bị ảnh hưởng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Công văn số 4929/BGDĐT-GDĐH về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành du lịch giai đoạn 2017 – 2020. Điều này đòi hỏi sự hợp tác sâu hơn, thưa ông?

Cơ chế đặc thù là hướng đi đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Cơ chế này có một số điểm lưu ý như chương trình đào tạo có sự phối hợp giữa giảng viên và chuyên gia của DN trong quá trình đào tạo; tăng thời gian đào tạo tại DN không ít hơn 50% tổng thời gian thực hiện chương trình. Với mối quan hệ hợp tác với các DN hiện có, tôi nghĩ khoa sẽ có thuận lợi để áp dụng cơ chế này.

Khi nhận được công văn này, khoa đã xây dựng đề án tuyển sinh đào tạo theo cơ chế đặc thù của Bộ ngay trong năm học 2018 – 2019 cho 2 ngành Quản trị khách sạn và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Quá trình xây dựng đề án, chúng tôi có trao đổi với DN, nhìn chung họ ủng hộ hướng đi này và sẽ tạo điều kiện để SV có cơ hội thực tập thời gian dài hơn, đồng thời sẽ phối hợp với Khoa trong vấn đề đào tạo kiến thức, kỹ năng cần thiết. Các DN lớn có nhiều chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm nên khi hợp tác đào tạo, chắc chắn tạo ra được nhiều chuyển biến về chất lượng.

Sắp tới, khoa có kế hoạch nào để tiếp tục giữ vững và phát triển mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, thưa ông?

Thời gian tới, Khoa Du lịch sẽ cùng DN thiết kế, xây dựng chuẩn đầu ra cho người học cũng như chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động trong nước và cả khu vực ASEAN. Tổ chức các hoạt động giao lưu về mặt khoa học hay khuyến khích chuyên gia tại DN cùng tham gia vào các hoạt động nghiên cứu của Khoa để tạo ra các sản phẩm khoa học có ý nghĩa thực tiễn cao và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu này.

Khoa sẽ thường xuyên mời các chuyên gia của DN về trao đổi, nói chuyện và tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo cho SV. Trên cơ sở biên bản thỏa thuận về việc liên kết, hợp tác, hằng năm khoa sẽ có hợp đồng cụ thể với DN về việc đưa SV đến thực tập.

Về lâu dài, khoa sẽ chủ động nắm bắt nhu cầu của DN, trên cơ sở đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong lĩnh vực du lịch.

Khoa Du lịch được thành lập vào ngày 14/1/2008 theo Quyết định 020/QĐ-ĐHH-TCNS của Giám đốc ĐH Huế với tư cách là một đơn vị đào tạo trực thuộc ĐH Huế. Đến nay, Khoa có 11 chuyên ngành đào tạo trình độ ĐH về du lịch và 1 ngành đào tạo trình độ Thạc sĩ.

Quy mô SV của Khoa Du lịch tăng nhanh từ 120 SV ở năm đầu thành lập (2008 – 2009) lên 700 SV năm học 2010 – 2011 và hơn 2.000 SV năm học 2017 – 2018. Số lượng cán bộ viên chức và người lao động của khoa hiện nay là 108 người, trong đó có 78 cán bộ giảng dạy (chiếm 72,22%); 64,10% cán bộ giảng dạy có trình độ sau ĐH (3 PGS, 6 TS, 41 Ths).

Từ 3 bộ môn ban đầu, hiện Khoa Du lịch có 5 bộ môn: Du lịch học; Lữ hành; Khách sạn và Nhà hàng; Công nghệ thông tin và Truyền thông du lịch dịch vụ (ICT); Quản lý sự kiện và Marketing dịch vụ (EM&M). Khoa cũng có Trung tâm Thực hành và Liên kết DN cùng 4 đơn vị trực thuộc khác.

Hữu Phúc (thực hiện)

Nguồn Báo Thừa Thiên Huế Online

 

 

About Phòng Đào tạo & CTSV

Tin liên quan

ĐOÀN TRƯỜNG DU LỊCH, ĐẠI HỌC HUẾ – NƠI ƯƠM MẦM CÁC THỦ LĨNH TRẺ

Được thành lập từ năm 2008, đến nay đã trải qua hơn 15 năm, Đoàn …