Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / VẬN DỤNG TÍNH LIÊN KẾT TRONG DU LỊCH – SỨC MẠNH CỦA SỰ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG

VẬN DỤNG TÍNH LIÊN KẾT TRONG DU LỊCH – SỨC MẠNH CỦA SỰ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG

     Ngành du lịch muốn tồn tại lâu dài để tạo nên sức mạnh phát triển bền vững cần phát huy và liên kết cũng như chịu sự tác động qua lại với các ngành khác như công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, ngoại giao….vì những ngành này chính là nguồn lực, điều kiện chung ảnh hưởng tới sự phát triển du lịch thông qua việc cung cấp các sản phẩm phục vụ ăn uống, phục vụ lưu trú, hàng lưu niệm, hình thành các điểm và sự kiện du lịch….phục vụ cho chuyến đi của du khách.Tính liên kết trong du lịch được biểu hiện rõ nét từ hai góc độ vi mô tới vĩ mô như sau:

     Thứ nhất, liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đối với địa phương và các doanh nghiệp du lịch (DNDL) thể hiện mối quan hệ hai chiều. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng chiến lược phát triển chung của Ngành; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của địa phương và các DNDL thông qua hệ thống pháp luật. Hằng năm, hoạt động xúc tiến du lịch mang tầm cỡ thế giới, quốc gia hay từng địa phương được tổ chức thường xuyên là cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường kinh doanh cho các DNDL. Liên kết giữa các DNDL với nhau thể hiện trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch cho khách. Nếu như một trong những dịch vụ trong một chương trình du lịch bị “đổ vỡ” thì điều thất bại theo “dây chuyền” sẽ xảy ra, làm tổn hại uy tín của DN. Các công ty lữ hành không có nguồn khách có nghĩa là các khách sạn, nhà hàng, cơ sở vui chơi giải trí …..sẽ rơi vào trường hợp như thế. Chính vì vậy, phát triển du lịch cần có liên kết hai chiều chặt chẽ giữa các thành viên.Trong thời gian vừa qua, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã có nhiều nổ lực tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo và các hoạt động xúc tiến liên kết du lịch giữa các địa phương trong khu vực Bình- Trị – Thiên, Huế- Đà Nẵng- Quảng Nam,… bước đầu đã đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng nhận định chung cho thấy sự liên kết giữa các địa phương chỉ mới dừng lại ở mặt quảng bá điểm đến, giữa các DNDL chưa có sự “ăn rơ” với nhau, vẫn còn hiện tượng “ém” đối tác, sự kết nối giữa các DNDL chưa có những ràng buộc chặt chẽ cả về mặt kinh tế và pháp lý. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; duy trì thường xuyên việc sơ kết, tổng kết công tác liên kết du lịch. Bên cạnh đó, các hiệp hội du lịch cần đẩy mạnh vận động các DNDL ký cam kết liên kết với những điều khoản chi tiết, mạnh dạn “tẩy chay”, “trừng phạt” những doanh nghiệp vi phạm.Về phía DNDL trên địa bàn cần mạnh dạn đầu tư hơn nữa trong các hoạt động liên kết do các cơ quan quản lý nhà nước hay hiệp hội du lịch tổ chức. Kinh nghiệm cho thấy nếu chỉ có các cơ quan quản lý xúc tiến liên kết thì mới dừng lại ở quảng bá điểm đến; những sản phẩm tour, tuyến cụ thể chỉ có được từ sự tham gia của doanh nghiệp.

     Thứ hai, liên kết giữa DNDL và du khách được xem là hạt nhân của sự tồn tại và phát triển ngành du lịch. Khách hàng là thượng đế vì họ nuôi sống doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ hữu cơ và không thể tách rời. Cho dù, các DNDL khai thác được nguồn khách đã có nhưng duy trì được nguồn khách đó và muốn họ giới thiệu thêm du khách mới thì càng khó hơn. Suy cho cùng, sợi dây tạo nên sự liên kết giữa các DNDL và du khách là chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chính sách quảng cáo và sự chăm sóc khách hàng thường xuyên luôn được chú trọng và ưu tiên đầu tiên trong chiến lược phát triển của các DNDL.Một tín hiệu đáng mừng đối với du lịch Thừa Thiên Huế, qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các DNDL trên địa bàn đều ý thức rất cao về việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thông qua nhiều hoạt động như tăng cường chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo an toàn cho du khách tại các điểm đến du lịch mạo hiểm như ở khu nghĩ dưỡng Thanh Tân (Phong Điền), bắt buộc các hướng dẫn viên tham gia chương trình tập huấn của VTOS (Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam) về an toàn khi tổ chức tour du lịch khám phá rừng nguyên sinh ở A Lưới hay đưa khách về đầm Chuồn khám phá “Chiều trên phá Tam Giang”,… Bên cạnh đó, việc mở rộng, xây dựng các tour, tuyến du lịch mới cũng được các doanh nghiệp quan tâm để thu hút và duy trì nguồn khách đến với Huế.

     Thứ ba, liên kết giữa du khách và cộng đồng địa phương cũng là vấn đề cần được quan tâm. Điểm chung giữa họ là sự giao lưu văn hóa. Sự liên kết này không chỉ có ý nghĩa cho cộng đồng địa phương mà còn đóng góp vào sự phát triển, hòa nhập và mang văn hóa của địa phương đến với các nước trên thế giới. Nếu du khách mang đến nguồn tài chính cho người dân địa phương thì người dân địa phương phải gây được sự thiện cảm, chân tình và phục vụ họ theo phương châm “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” để họ quay trở lại và chính họ sẽ quảng bá tốt hình ảnh của địa phương đó.Những bước đi mạnh dạn trong phát triển du lịch cộng đồng ở huyện miền cao A Lưới như hình thành làng du lịch Việt Tiến ở khu vực suối A Nô có thể coi là điểm sáng trong liên kết du khách và cộng đồng bản địa, người dân ở đây biết lấy những nét văn hóa đặc sắc của mình để giới thiệu, trình diễn với du khách, để khách hiểu hơn về những nét văn hóa, lối sinh hoạt của người bản địa, cuộc sống của người đồng bào cũng rất được du khách để ý đến,nhiều du khách đã phải lòng với cảnh vật, con người khi đến với A Lưới.

     Hiện nay, sự liên kết giữa ba chủ thể trên đang ở giai đoạn rời rạc và gắn bó không mật thiết với nhau nên thời gian khách lưu trú tại các địa phương rất ngắn. Nguyên nhân thường là do sự hạn chế của dịch vụ, thiếu cái mới, cái lạ và sự độc đáo của sản phẩm du lịch. Nhiều địa phương chỉ còn đóng vai trò là các “trạm trung chuyển” của du khách. Vì vậy, nếu phát huy được sự liên kết tức là khi các địa phương tìm được tiếng nói chung thì việc thu hút khách lưu lại thời gian dài sẽ thuận lợi hơn và từ đó kéo theo các lợi ích khác mà các chủ thể tham gia đều được hưởng trên tinh thần “hợp tác vui vẻ, đôi bên cùng có lợi”.

     Thiết nghĩ để làm được điều đó, thứ nhất, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch. Cơ quan quản lý nhà nước là cầu nối trung gian liên kết chặt chẽ giữa các DNDL và du khách cũng như cộng đồng địa phương thông qua sự thống nhất về các văn bản pháp luật, chính sách phát huy sự liên kết phải phù hợp với nguyện vọng cũng như quyền lợi giữa các chủ thể tham gia các hoạt động du lịch. Thứ hai, xây dựng chiến lược quảng bá quảng cáo tiếp thị theo phương pháp “dây chuyền” “móc xích” đối với các điểm du lịch, sản phẩm dịch vụ tại địa phương, doanh nghiệp và giữa các địa phương, DNDL với nhau. Nếu sự liên kết này được phối hợp chặt chẽ sẽ kích thích và khuyến khích khách tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ giữa các địa phương không còn là vấn đề nan giải và có thể kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Cuối cùng muốn tạo lập sự liên kết và gắn bó lâu dài thì bản thân các địa phương, các DNDL dưới sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước phải tạo chữ TÍN thông qua chất lượng sản phẩm dịch vụ và môi trường làm việc chuyên nghiệp của mình.Tóm lại, xây dựng và vận dụng tính liên kết trong hoạt động phát triển du lịch thời hội nhập ngày nay là điều cần thiết để tạo nên sức mạnh giữa các chủ thể, tránh sự tụt hậu nhằm mở rộng hình ảnh điểm đến của từng địa phương đến với du khách trong và ngoài nước sẽ có sức lan tỏa lớn nhanh nhất và có hiệu quả nhất.

ThS Nguyễn Thị Ngọc Cẩm – Khoa du lịch ĐHH

About Khoa Lữ hành

Tin liên quan

Thông báo về việc thực hiện Bảo hiểm y tế của sinh viên năm học 2024-2025

Căn cứ thời hạn sử dụng thẻ  Bảo hiểm y tế (BHYT) sinh viên các …