Trang chủ / Bộ môn Lữ Hành- Khoa Du Lịch tổ chức thành công Chương trình du lịch Giáo dục và Du lịch tâm linh

Bộ môn Lữ Hành- Khoa Du Lịch tổ chức thành công Chương trình du lịch Giáo dục và Du lịch tâm linh

Nhằm hưởng ứng các hoạt động trong chuỗi sự kiện Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, Giải thưởng “Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học” năm 2018, PGS.TS. Trần Hữu Tuấn – Khoa trưởng Khoa Du Lịch đã chỉ đạo Bộ môn Lữ hành, Câu lạc bộ Hướng dẫn viên, tổ Tổ chức hành chính cùng các tổ chức năng phối hợp thực hiện chương trình du lịch chào đón đại biểu về tham dự tại Huế trong ngày 26/10/2018.

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Cẩm cùng nhóm nghiên cứu đã đưa ra hai chương trình du lịch để phục vụ đoàn Đại biểu gồm: Chương trình du lịch giáo dục “Về nguồn” và Chương trình du lịch tâm linh “Huế xưa và nay”. Chương trình du lịch giáo dục “Về Nguồn”, đã thu hút 61 đại biểu tham gia và chương trình du lịch tâm linh đã có 35 đại biểu tham gia.

van-thanh-1

Chương trình du lịch giáo dục “Về Nguồn” đã đưa các đại biểu đến tham quan Văn Miếu (Đốc Học Đường) – Nay Bảo tàng Lịch sử và Cách Mạng Tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đây, đang trưng bày triển lãm “Chất độc màu da cam” nên đây cũng là cơ hội để nhìn lại một giai đoạn lịch sử của đất nước, thấm thía được nỗi đau của dân tộc và truyền cho quý đại biểu tinh thần tương thân tương ái. Thuyết minh viên đã dẫn dắt đoàn trở về những mốc lịch sử quan trọng của dân tộc đó là cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nối tiếp chủ đề giáo dục, quý đại biểu đã được đến thăm Văn Thánh Miếu – nơi lưu giữ  32 tấm bia, khắc tên 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn từ Khoa thi đầu tiên được tổ chức vào năm Minh Mạng thứ 2 (1822) và kết thúc vào năm Khải Định thứ 4 (1919). Thành viên câu lạc bộ Hướng dẫn viên- Khoa Du Lịch đã thuyết minh và truyền thêm tinh thần hiếu học cho các bạn sinh viên của đoàn.

van-mieu    van-thanh

Xuyên suốt chương trình du lịch giáo dục, Đoàn đã được đến tham quan Chùa Giác Hoàng và Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế – Một trong ba trường Đại học Phật giáo nổi tiếng ở Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở hoạt động tham quan, quý vị đại biểu đã có cuộc trò chuyện với Sư cô tại Chùa Giác Hoàng để hiểu thêm về lịch sử hình thành của Viện Phật Giáo Việt Nam cũng như những tinh túy của phật học. Tuy giáo dục trong Viện Phật Giáo Việt Nam có khắc khe hơn so với các cơ sở giáo dục đào tạo, song đều hướng đến giáo dục toàn diện cả về “tài” lẫn “đức”.

Trước khi kết thúc chương trình, quý đại biểu đã ghé thăm phòng truyền thống của Đại học Huế – một trong những trường đại học có bề dày truyền thống học tập và rèn luyện.  Một chương trình du lịch đến Huế mà thiếu đi những món ăn đặc sản thì thật là một điều thiếu sót, vì vậy Đoàn đã đến nhà hàng Huyền Anh để thưởng thức bánh cuốn và bún thịt nướng. Kết thúc chương trình du lịch giáo dục, đại biểu đã có những đánh giá rất hài lòng thông qua các phiếu khảo sát được thu thập.

bun-thit-nuong   nha-hang-ha

Tiếp nối thành công của Chương trình du lịch giáo dục vào buổi sáng, chương trình du lịch tâm linh “Huế xưa và nay” được thực hiện vào buổi chiều cũng nhận được những chia sẻ tích cực, cùng lời khen giành cho ban tổ chức và sinh viên thực hiện hướng dẫn đoàn. Với chủ đề là du lịch tâm linh, Đoàn đã được đến thăm chùa Thiên Mụ- một trong những ngôi chùa cổ kính nổi tiếng của Huế được xây dựng năm 1601. Đã có nhiều câu chuyện nói về lịch sử của Chùa Thiên Mụ – nơi có sự tích gắn liền với bước chân mở đường của vị chúa Nguyễn đầu tiên xứ Đàng Trong. Truyền thuyết kể rằng, khi vào Trấn thủ xứ Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng (1558 – 1613) đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên phía đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Hỏi ra mới biết, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê. Người dân địa phương cho biết, nơi đây có một bà lão mặc áo đỏ quần lục thường xuất hiện trên đồi và nói với mọi người rằng “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”, nói rồi bà biến mất. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn (núi Thiên Mụ).

huyentran

Tiếp nối chương trình du lịch tâm linh, đoàn được đến thăm quan Trung tâm Văn hóa Huyền Trân. Chương trình du lịch chọn điểm tham quan này vì nơi đây không chỉ là điểm du lịch văn hoá, tâm linh, mà còn là điểm du lịch lịch sử, đưa du khách trở về sự kiện lịch sử trọng đại trong việc bảo vệ và mở mang bờ cõi của đất nước vào thời nhà Trần, thế kỷ 14. Chuyện kể, vua Chiêm Thành Jaya Simhavarman III (Chế Mân) để cưới được Công chúa Huyền Trân đã đem hai châu Ô, Lý dâng lên vua Trần làm sính lễ. Vâng mệnh vua cha là Trần Nhân Tông và vua anh Trần Anh Tông, Huyền Trân đã gác tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng, lập mối hòa hiếu và mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam. Đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế cũng được khai sinh từ đó, đến nay đã hơn 700 năm. Để ghi nhớ công ơn của Công chúa, Triều đình nhà Nguyễn (1802 – 1945) đã lập miếu Đại Đế Vương ở làng Lịch Đợi, phường Đúc, TP Huế, thờ các vị khai quốc công thần, trong đó có Công chúa Huyền Trân. Miếu thờ này ngày nay không còn nữa. Nhân dịp kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân, đầu năm 2006, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được khởi công xây dựng nhằm tưởng nhớ công ơn vị công chúa đã có công mở mang bờ cõi nước Việt.

Chương trình Du lịch giáo dục “Về Nguồn” và Chương trình du lịch tâm linh “Huế xưa và nay” đã tổ chức thực hiện thành công cho gần 100 đại biểu toàn quốc về tham dự Vòng Chung Khảo Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2018 tại Huế. Trước những phản hồi tích cực, những lời khen giành cho khâu tổ chức và chất lượng dịch vụ du lịch, đây là nền tảng tạo động lực cho cán bộ giảng viên Bộ môn Lữ hành cùng Câu lạc bộ Hướng dẫn viên – Khoa Du Lịch tiếp tục nỗ lực thực hiện các chương trình du lịch tiếp theo.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga

 Bộ môn Lữ hành

About Khoa Lữ hành

Tin liên quan

Tổ chức “Hội nghị: Nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2023”

Thực hiện kế hoạch hoạt động Khoa học Công nghệ cấp Trường năm 2023, Phòng …