Căn cứ vào việc thực hiện kế hoạch, chương trình hành động hằng năm, Bộ môn Lữ hành tổ chức buổi “Đối thoại với sinh viên chuyên ngành năm học 2018-2019” nhằm định hướng về Thực tập tốt nghiệp cho sinh viên Khóa K49 và giải đáp những câu hỏi của sinh viên các khóa K50, K51, K52.
Đến dự chương trình “Đối thoại sinh viên chuyên ngành” có sự hiện diện của PGS.TS. Trần Hữu Tuấn – Khoa trưởng Khoa Du lịch (Trưởng Ban tổ chức), ThS. Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Nguyên Trưởng bộ môn Lữ Hành (Phó trưởng ban tổ chức). Về phía khách mời, có sự hiện diện của ThS. Trần Thanh Long – GĐ trung tâm Thực hành & Liên kết doanh nghiệp và ông Phan Văn Ngọc – Tổ trưởng tổ TC-HC, cùng với giảng viên Bộ môn lữ hành, đại diện Cố vấn học tập các lớp chuyên ngành lữ hành và hướng dẫn du lịch, và toàn thể sinh viên Khoa Du Lịch.
Nhìn chung, sinh viên có nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề thực tập doanh nghiệp, chương trình đào tạo và vấn đề đóng học phí. Trong đó có một số vấn đề nổi bật và được đúc kết lại như sau:
1. Vấn đề thực tập doanh nghiệp
– Thời gian thực tập đối với sinh viên khóa K49 là từ tháng 01/2019 đến tháng 04/2019. Trong thời gian kể trên, sinh viên phải liên hệ với giáo viên hướng dẫn chuyên đề và khóa luận tốt nghiệp để được định hướng về đơn vị thực tập cũng như đề tài nghiên cứu. Sinh viên nên thực tập tại các doanh nghiệp có uy tín. Lưu ý: Sinh viên mỗi lớp cần chủ động làm giấy giới thiệu và nộp 1 lần cho phòng Đào tạo- CTSV, tránh trường hợp nộp tự phát sẽ rất khó cho việc quản lý.
– Đối với các sinh viên tham gia phỏng vấn tuyển dụng vào Vinpearl trong đợt phỏng vấn ngày 27/11/2018, nếu sinh viên phỏng vấn vào vị trí nào đó nhưng không đạt yêu cầu thì có thể được chuyển sang bộ phận khác, tùy vào phía tuyển dụng.
2. Chương trình đào tạo:
– Để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên K49 đi thực tập doanh nghiệp trong thời gian từ tháng 01/2019 đến tháng 04/2019, phòng Đào tạo sẽ liên hệ với giảng viên để dạy chuyên đề tốt nghiệp trong tháng 12 cũng như các môn thi sẽ được kết thúc trong tháng 12.
– Các sinh viên học lại, cải thiện nên chủ động đến phòng đào tạo để trình bày nguyện vọng để phòng Đào tạo liên hệ với giảng viên mở lớp riêng, tạo điều kiện cho sinh viên ra trường đúng kỳ hạn.
– Các lớp đặc thù của K52 chưa có đủ kiến thức và kỹ năng để có thể đi thực tập ngày hè năm thứ nhất nên Khoa sẽ tiếp tục bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng để các bạn sinh viên K52 đặc thù có thể đi thực tập doanh nghiệp sớm nhất có thể.
– Sinh viên chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch không được cấp thẻ hướng dẫn viên ngay khi ra trường theo quy định mới. Tuy nhiên, Khoa sẽ hỗ trợ học phí đăng ký thi chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn cũng như sắp xếp thời gian thi phù hợp để sinh viên có thể tham gia và được cấp chứng chỉ Nghiệp vụ hướng dẫn. Đó là điều kiện giúp sinh viên có thể hoàn tất thủ tục xin cấp thẻ Hướng dẫn viên.
3. Học phí:
– Sinh viên năm thứ 4 có thể nộp học phí hai kỳ một lần.
– Việc tăng học phí của Khoa đều dựa vào quý định hiện hành của nhà nước.
– Đối với sinh viên đăng ký học lớp riêng thì học phí sẽ tùy thuộc vào số lượng sinh viên đăng ký.
4. Bằng tốt nghiệp
Khoa đã dần dần cấp bằng tốt nghiệp nhanh hơn so với các năm học trước, đây là một tín hiệu đáng mừng và tiếp tục phát huy cho các năm học tiếp theo. Tuy nhiên, sinh viên cần nộp các chứng chỉ như chứng chỉ quốc phòng, chứng chỉ giáo dục thể chất càng sớm càng tốt. Nếu sinh viên nộp muộn thì ảnh hưởng đến việc xét duyệt cấp bằng tốt nghiệp và cấp bằng muộn nên rất cần sinh viên hợp tác trong việc hoàn thiện hồ sơ xét tốt nghiệp.
Buổi “Đối thoại sinh viên” chuyên ngành Lữ hành và Hướng dẫn du lịch đã thật sự trờ thành nơi để lắng nghe nguyện vọng tâm tư của sinh viên cũng như cơ hội để Ban Chủ Nhiệm Khoa, các tổ chức năng và giảng viên giảng đáp thắc mắc và có những điều chỉnh giúp cho sinh viên nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất có thể để học tập và rèn luyện tốt. Dựa trên sự thành công của chương trình, Bộ môn Lữ hành sẽ tiếp tục thực hiện chương trình đối thoại trong các năm học tiếp theo.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga
Bộ môn Lữ hành