Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / KHOA DU LỊCH CHUYỂN GIAO CHƯƠNG TRÌNH DU LỊCH GIÁO DỤC CHO MỘT SỐ DOANH NGHIỆP LỮ HÀNH

KHOA DU LỊCH CHUYỂN GIAO CHƯƠNG TRÌNH DU LỊCH GIÁO DỤC CHO MỘT SỐ DOANH NGHIỆP LỮ HÀNH

Du lịch giáo dục không phải là một khái niệm niệm mới nhưng  chưa được nghiên cứu một cách bài bản ở Việt Nam. Trên thực tế đã có những chương trình du lịch lồng ghép các yếu tố giáo dục nhưng chưa có một đề tài khoa học nào bàn về du lịch giáo dục nói chung cũng như nghiên cứu về xây dựng các chương trình DLGD cho một điểm đến nói riêng. Chính vì vậy việc Khoa Du lịch – Đại học Huế thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng CTDL giáo dục ở Huế” làm đề tài cấp Đại học Huế năm 2018 là hết sức cấp thiết và rất có ý nghĩa về mặt lý luận cũng như thực tiễn. PGS.TS. Trần Hữu Tuấn – Chủ nhiệm đề tài cùng với các thành viên nhóm nghiên cứu là giảng viên bộ môn Lữ hành đã đạt được những kết quả khả quan, xây dựng chương trình Du lịch giáo dục, đánh giá thử nghiệm và tiến hành chuyển giao cho một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tại Huế. 

Thừa Thiên Huế tụ hội đa dạng các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, là điều kiện lý tưởng để có thể gắn kết, phối hợp phát triển DLGD với các loại hình du lịch khác như DLGD kết hợp di sản, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, làng nghề, du lịch tâm linh, du lịch thiện nguyện, và một số loại hình du lịch khác. Để có thêm cơ sở khoa học trong việc đánh giá tiềm năng phát triển DLGD, chúng tôi đã sử dụng kỹ thuật thảo luận nhóm để tham vấn ý kiến của các chuyên gia là nhà khoa học công tác tại Khoa Du lịch và Đại học Huế, đại diện Sở Du lịch Thừa Thiện Huế, đại diện Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch TTH, một số nhà nghiên cứu văn hóa Huế, đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tại Huế. Theo các chuyên gia, Huế có tiềm năng phát triển DLGD, còn lưu giữ nhiều điểm di tích, công trình, địa danh nổi tiếng có để phát triển DLGD (Đại Nội, các lăng tẩm triều Nguyễn, Văn Miếu Quốc tử Giám Huế, Văn Thánh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trung tâm văn hóa Huyền Trân công chúa, Khu Di tích lịch sử Chín Hầm và một số điểm khác). Huế là cái nôi của giáo dục và đào tạo, nơi có nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo có uy tín, chất lượng cao (Đại học Huế, Trường THPT Chuyên Quốc Học, THPT Hai Bà Trưng, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế,…). Tuy nhiên với nguồn lực giới hạn nên nhóm nghiên cứu chỉ tập trung nghiên cứu một số điểm chính gồm: (1) Đại học Huế, (2) trường Quốc học, (3) trường Hai Bà Trưng, (4) Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, (5) Văn Miếu Quốc tử Giám tại Huế, và (6) Văn Thánh.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát và phân tích nhu cầu của các bên liên quan (gồm: học sinh, sinh viên, khách du lịch quốc tế và nội địa đến Huế) đối với các điểm tham quan DLGD và nhu cầu đối với chương trình DLGD ở Huế làm cơ sở cho việc thiết kế và xây dựng chương trình DLGD. Kết quả khảo sát cho thấy DLGD thật sự mới mẻ đối với các đối tượng tham gia khảo sát. Khách du lịch nội địa là nhóm có mong muốn tham gia chương trình DLGD nhiều nhất với hơn hai phần ba tổng số du khách nội địa. Các nhóm đối tượng khác như học sinh và sinh viên có hơn một phần hai tổng số lượng được khảo sát có nhu cầu tham gia. Điều này cho thấy, chương trình DLGD đang nhận được những tín hiệu tích cực từ cả học sinh, sinh viên và khách du lịch.

Sau khi có những kết quả tích cực từ cung và cầu đối với DLGD, chúng tôi đã thiết kế một số chương trình DLGD.

  • Chương trình “Về nguồn” chủ yếu tập trung vào chủ đề về hệ thống giáo dục Nho học, khoa cử dưới thời kỳ vương triều Nguyễn (1802-1945) thông qua chuyến tham quan học tập tại điểm di tích Văn Miếu (Văn Thánh). Ngoài ra, để du khách có những trải nghiệm phong phú về đời sống văn hoá tôn giáo ở vùng đất Huế buổi ban đầu thuộc về Đại Việt, các điểm tham quan gồm Chùa Thiên Mụ và Trung Tâm Văn hoá Huyền Trân được gắn kết vào CTDL này.
  • Chương trình “ Huế – Xưa và Nay”, sẽ cung cấp cho du khách những hiểu biết sâu sắc về nền giáo dục qua các giai đoạn, từ những khoa thi dưới triều nhà Nguyễn, cho đến nền giáo dục trong cuộc tiếp xúc văn hoá- văn minh Đông Tây tại Huế nữa sau thế kỷ XIX và nền giáo dục đại học hiện tại. Qua đó thúc giục truyền thống hiếu học của thế hệ hiện tại và tương lai.
  • CTDL “Huế – Thương nhớ ngàn năm” sẽ giúp du khách hiểu hơn về mảnh đất đầy thương nhớ này. Bởi đây là mảnh đất hội tụ tinh hoa khoa cử của cả nước thời kỳ phong kiến, là mảnh đất của sự kiên cường, bất khuất, hy sinh âm thầm lặng lẽ, những chiến sĩ biệt động thành phố Huế nằm bên dòng sông Hương đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng Mậu Thân lịch sử Thêm vào đó, Huế cũng đã từng là Kinh đô Phật giáo của cả nước một thời. Tất cả những điều trên đã tạo nên một nền văn hoá Phú Xuân – Huế với màu sắc rực rỡ, vấn vương.

  dlgd4  dlgd2      dlgd3    dlgd6

Một số hình ảnh trong Chương trình DLGD thử nghiệm 

Kết quả khảo sát ý kiến đánh giá của nhóm khách tham gia cho thấy phần lớn khách khá hài lòng với cả ba chương trình DLGD thử nghiệm. Trong đó, khách tham gia hài lòng nhất với chương trình “Huế – xưa và nay”, tiếp đến là chương trình “Về nguồn” và cuối cùng là chương trình “Huế – thương nhớ ngàn năm”. Mặc dù có mức độ hài lòng khác nhau giữa ba chương trình thử nghiệm, nhưng nhìn chung khách tham gia đều đánh giá tích cực đối với các yếu tố thuộc chương trình DLGD như: mức độ hấp dẫn, các điểm tham quan, độ dài thời gian tham quan hướng dẫn viên và mức giá của chương trình DLGD thử nghiệm.

Xuất phát từ những góp ý đề xuất hoàn thiện chương trình DLGD của những người tham gia thử nghiệm và đánh giá nhu cầu của các đối tượng liên quan, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thêm 03 chương trình DLGD theo hướng “mở rộng”, gồm: Chương trình DLGD di sản “cảng thị – làng nghề”, CTDL “Khám phá bộ máy nhà nước triều nguyễn và khoa cử ở Huế”, CTDL “Trải nghiệm hệ sinh thái – di sản phía Tây Nam Kinh thành Huế”.

Khoa Du lịch đã tiến hành chuyển giao cho một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn thành phố Huế gồm: Công ty Công ty TNHH MTV Du lịch và Tiếp thị Giao thông Việt Nam (Vietravel chi nhánh Huế)  Công Ty Cổ Phần và Đào Tạo Dịch Vụ Du Lịch Huế (Huetourist); và Công ty Du lịch Hương Giang.

         img_20200630_173453      img_1593492295951_1593513085089

Một số hình ảnh chuyển giao chương trình DLGD cho doanh nghiệp 

DLGD hướng đến các chủ đề giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học, hướng đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, khuyến khích bảo vệ môi trường, cảnh quan, cũng như ý thức của người tham gia du lịch. Điều này phù hợp với quan điểm và mục tiêu phát triển du lịch TTH. Thêm nữa, DLGD là sản phẩm du lịch mới và phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm du lịch mới, mang tính đột phá và khác biệt của du lịch TTH. Từ đó, DLGD cần được đầu tư phát triển và góp phần vào sự phát triển chung của du lịch TTH.  Khoa Du lịch – Đại học Huế sẽ tiếp tục nỗ lực và tăng cường hợp tác với các bên liên quan và đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành để triển khai các chương trình DLGD rộng rãi hơn.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga

Bộ môn Lữ hành 

 

About Khoa Lữ hành

Tin liên quan

Công khai luận án tiến sĩ của NCS Lê Thị Tố Quyên

Thực hiện quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, Trường Du lịch – Đại …