Trang chủ / KH & HTQT / Khoa học công nghệ / Hội nghị - Hội thảo / Khoa QLSK&CNTT tổ chức thành công Tọa đàm “Công nghệ thuyết minh tự động (Audio guide) trong du lịch di sản”

Khoa QLSK&CNTT tổ chức thành công Tọa đàm “Công nghệ thuyết minh tự động (Audio guide) trong du lịch di sản”

Thực hiện nhiệm vụ KH&CN năm 2024 tại Trường Du lịch – Đại học Huế theo Quyết định số 870/QĐ – ĐHH ngày 10 tháng 07 năm 2024 của Giám đốc Đại học Huế, Khoa Quản lý sự kiện và Công nghệ truyền thông thuộc Trường Du lịch – Đại học Huế tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Công nghệ thuyết minh tự động (Audio guide) trong du lịch di sản” vào sáng ngày 4/10/2024 tại phòng họp Trường Du lịch (22 Lâm Hoằng, TP Huế).

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của giảng viên và sinh viên trong và ngoài trường

Buổi Tọa đàm thu hút sự quan tâm của Ban lãnh đạo Khoa, các giảng viên, sinh viên đang công tác và học tập tại trường. Tại buổi tọa đàm đã giới thiệu 6 bài tham luận liên quan đến việc ứng dụng Audio Guides vào du lịch đặc biệt là du lịch di sản với các nội dung như: vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn ứng dụng của công nghệ thuyết minh tự động trong du lịch; Giới thiệu về xu hướng ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động tại các điểm đến di sản thế giới; đồng thời là đánh giá các cơ hội và thách thức trong ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động trong du lịch di sản tại Việt Nam.

Cụ thể, Giảng viên Nguyễn Hoàng Tuệ Quang trình bày tham luận: “Trải nghiệm của khách du lịch di sản với hệ công nghệ thuyết minh tự động: Trường hợp Thành Phố Huế”. Tham luận đã giới thiệu về công nghệ thuyết minh tự động và cụ thể là tại các điểm di sản tại Quần thể di tích Cố đô Huế. Thông qua phương pháp phỏng vấn bán cấu trúc 18 khách du lịch trong nước và quốc tế về trải nghiệm công nghệ thuyết minh tự động, tác giả rút ra ba khía cạnh trong trải nghiệm của du khách với công nghệ thuyết minh tự động tại Kinh thành Huế gồm: Giáo dục, cảm giác vui vẻ. dễ sử dụng. Đồng thời, thông qua tham luận, cũng đã chứng minh cho quan điểm công nghệ thuyết minh tự động có ảnh hưởng đáng kể đến du khách trong suốt chuyến đi của du khách

NCS Nguyễn Hoàng Tuệ Quang trình bày tham luận của mình

Tham luận 2 của sinh viên Trần Gia Cát Châu, sinh viên lớp K56 Quản trị kinh doanh về “Các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thuyết minh tự động tại điểm di sản Đại Nội Huế”. Tham luận đã đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ thuyết minh tự động tại điểm di sản Đại Nội Huế thông qua phương pháp kỹ thuật nghiên cứu định tính cơ bản gồm: phỏng vấn sâu và quan sát không tham dự. Các giải pháp được đưa vào trong tham luận như: Đa dạng hóa thông tin nội dung thuyết minh, Tăng khả năng tương tác với du khách sử dụng thuyết minh tự động, Cải thiện hệ thống bản đồ định hướng, Nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh. 

Tham luận 3 của giảng viên Lê Hà Minh Nhật, “Giới thiệu một số điểm đến ứng dụng thuyết minh tự động”. Bài tham luận giới thiệu một số điểm đến trong nước và quốc tế có ứng dụng thuyết minh tự động như tại Thái Lan, tại Anh, còn tại Việt Nam có một số ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), tại Đà Nẵng, tại Thành Phố Hồ Chí Minh…. Qua đó, tham luận cũng đã đưa ra gợi ý trong việc áp dụng Thuyết minh tự động tại điểm đến như Sử dụng công nghệ định vị GPS và Bluetooth Beacon, Đa dạng hóa ngôn ngữ thuyết minh, Xây dựng một số tour du lịch mang tính cá nhân hóa tại điểm đến, Tăng cường hoạt động truyền thông tại điểm đến…

Ngoài ra, tọa đàm cũng đã giới thiệu một số tham luận như tham luận của giảng viên Lê Thị Hà Quyên về “Công nghệ thuyết minh tự động (audio guide) trong ngành du lịch di sản tại Trung Quốc”, tham luận của giảng viên Lê Thị Thanh Châu về “Vai trò của Audio guide trong phát triển du lịch”, tham luận của sinh viên Lê Thị Ánh, lớp K55 Du lịch điện tử về “Giới thiệu về công nghệ thuyết minh tự động (audio guide) trong du lịch di sản

Các bài tham luận đã thu hút thầy cô và các bạn sinh viên quan tâm và góp ý kiến về nội dung lẫn hình thức, tạo cho buổi tham luận trở nên sôi động và hấp dẫn. Điều này đã giúp cho Ban tổ chức có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm cho các nghiên cứu liên quan đến đề tài này. Thông qua buổi tọa đàm, các giảng viên, sinh viên hiểu hơn về ứng dụng của công nghệ thuyết minh tự động trong di sản, đồng thời cung cấp thêm các kiến thức về một số điểm đến trong nước và quốc tế có sử dụng hệ thống này, những ưu và nhược điểm mà du khách gặp phải khi sử dụng trong quá trình tham quan, trải nghiệm. Buổi tọa đàm sẽ là tiền đề quan trọng cung cấp các lý thuyết cũng như thực tiễn trong việc nghiên cứu du lịch di sản, mở ra các khía cạnh trong việc ứng dụng công nghệ phát triển du lịch tại Huế, đồng thời có thêm các kiến thức áp dụng vào một số môn học như Du lịch số, Nghiệp vụ hướng dẫn, Marketing du lịch…

BTC Tọa đàm Công nghệ thuyết minh tự động (Audio guide) trong du lịch di sản

Kết quả từ chương trình tọa đàm sẽ cung cấp các giải pháp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch di sản không chỉ tại Thừa Thiên Huế nói riêng mà cả nước nói chung. Hoạt động Tọa đàm của Quản lý sự kiện và công nghệ truyền thông là hoạt động ý nghĩa mang tính chất hàm lượng khoa học, là nơi trao đổi học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu đề tài khoa học cấp Khoa nhằm tạo môi trường trao đổi học thuật về hướng nghiên cứu cũng như bàn luận chuyên sâu về chủ đề này với các thầy cô đang giảng dạy tại Trường. Từ đó, có những định hướng trong nghiên cứu lĩnh vực này tại Trường Du lịch – Đại học Huế trong thời gian tới.

Minh Nhật (Khoa QLSK&CNTT)

About Khoa QLSK&CNTT

Tin liên quan

Lịch thi đấu giải bóng chuyền hội thể thao Đại học Huế và chuyên nghiệp Huế lần thứ XXVII năm 2024