Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam phải đứng trước một cuộc khủng hoảng chưa từng có vì Covid-19 nhưng cũng là một năm ghi dấu nhiều thành tựu khó quên.
Đại dịch Covid-19 khiến tăng trưởng của ngành du lịch thế giới năm 2020 bị kéo lùi 30 năm. Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có giai đoạn mức giảm du khách là gần 100% vì việc đóng cửa biên giới và các đợt dịch liên tiếp tái bùng phát ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Dù là một quốc gia được đánh giá thành công trong việc xử lý dịch bệnh, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài cơn “đại hồng thủy” Covid-19. Thêm vào đó, những tháng cuối năm, khu vực miền Trung còn hứng chịu trận lũ lịch sử và hậu quả nặng nề từ 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Ngành Du lịch Việt Nam vì thế phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có.
Du khách giảm mạnh, 95% doanh nghiệp dừng hoạt động
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 176.800 tỷ đồng, giảm gần 48% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 57%, còn khách nội địa chỉ đạt 23 triệu lượt, giảm gần 50%. Tỷ lệ lấp phòng ở các cơ sở lưu trú còn khoảng 20%.
Giữa khó khăn chồng chất khó khăn, hơn 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động, còn doanh nghiệp du lịch nội địa hoạt động cầm chừng cho đến khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Du lịch nội địa là cứu cánh của ngành du lịch Việt Nam năm 2020. (Ảnh minh họa)
Ngành du lịch Việt Nam bước vào năm 2020 vẫn kế thừa và trên đà tăng trưởng cao của giai đoạn 2016-2019. Trong tháng 1, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2 triệu lượt, mức cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát ngay sau đó đã tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch.
Từ cuối tháng 3, hoạt động du lịch quốc tế tại Việt Nam bị ngừng trệ. Du lịch nội địa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đến tháng 7/2020, sau 99 ngày không xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng nào, Đà Nẵng bùng phát dịch lần hai. Ngày 28/7, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định thực hiện giãn cách xã hội.
Đại dịch tái bùng phát như một “cú đấm bồi” cho du lịch Việt Nam nói chung và thành phố du lịch Đà Nẵng nói riêng. Chưa kịp hồi phục, các doanh nghiệp tiếp tục trải qua khó khăn mới. Tỷ lệ hủy tour, phòng khách sạn lên đến hơn 90% trên nhiều địa phương, gây thiệt hại khoảng hơn 600 tỷ đồng.
Không chỉ phải đối phó với dịch bệnh, ngành du lịch còn phải liên tục đối phó với những diễn biến thiên tai bất thường. Bắt đầu từ tháng 10, miền Trung hứng chịu 13 cơn bão nhiệt đới liên tiếp, gây ra tình trạng lũ lụt và sạt lở đất tồi tệ nhất trong 100 năm trở lại đây.
Trước những thách thức, khó khăn chồng chất, những tháng cuối năm hoạt động du lịch tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng về sản phẩm du lịch.
Khép lại năm 2020, các chỉ tiêu của ngành du lịch đều giảm mạnh. Tính đến hết tháng 12, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với cùng kỳ 2019. Khách du lịch nội địa ước đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%.
Theo ước tính của ngành du lịch, năm 2020 du lịch Việt Nam thất thu 23 tỷ USD. Phần lớn doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động, trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân sự, một số vĩnh viễn không vực dậy nổi. Hàng triệu lao động du lịch rơi vào cảnh mất sinh kế.
Hồi sinh giữa tâm bão
Tuy thiệt hại nặng nề trong suốt một năm nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia thì bức tranh du lịch Việt Nam 2020 không hoàn toàn màu xám. So với những tác động to lớn của Covid-19 thì nhiều con số được ghi nhận là một sự cố gắng, thành công rất lớn của ngành. Không những thế, đại dịch còn được coi là cơ hội để du lịch gia tăng sức đề kháng, phát triển bền vững trên cơ sở tái cơ cấu lại thị trường du khách, làm mới các hình thức du lịch.
2 lần kích cầu du lịch nội địa chính là minh chứng vượt bão ấn tượng nhất. Trong tháng 6/2020, sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, du lịch lập tức trỗi dậy. Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ VHTTDL được phát động, thu hút sự tham gia của đông đảo các sở ngành hiệp hội, địa phương và doanh nghiệp.
Chỉ sau 1 tháng triển khai, Việt Nam đón hơn 8 triệu lượt khách trong nước đi du lịch, trong đó 4,1 triệu lượt có lưu trú, hơn 26.000 chuyến bay diễn ra. Hàng loạt chặng bay nội địa mới được mở.
Khi dịch bùng phát lần 2, xác định “không thể ngồi chờ cơ hội tới mà phải tiếp tục hành động để phá băng thị trường, điều chỉnh về đối tượng, phương thức kích cầu thị trường”, kế hoạch kích cầu du lịch một lần nữa được triển khai. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, kịch bản kích cầu lần 2 sẽ không chỉ gói gọn trong quy mô “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nữa mà mở rộng đối tượng hơn, đó là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và cả cơ hội từ hơn 5.000 khách quốc tế mỗi tuần đến Việt Nam khi các đường bay quốc tế đang được nối lại.
“Tâm lý du khách không còn như trước, mà thận trọng hơn. Bên cạnh việc mở rộng đối tượng đi du lịch, nhiều sản phẩm, cách làm mới cần được nghiên cứu để đưa vào kịch bản kích cầu lần này”, ông Khánh nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: “Kích cầu du lịch đợt 2 sẽ rất khó khăn, nhưng đây là việc phải làm ngay và làm nhanh để cứu vãn ngành công nghiệp lữ hành. lượng khách có thể không tăng nhiều nhưng tổng thu du lịch có thể tăng”.
Bên cạnh những tác động kinh tế, đại dịch Covid-19 còn làm thay đổi triệt để về nhu cầu, tâm lý du lịch của người dân. Nắm bắt xu thế này, các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai nhiều hình thức du lịch mới, với tiêu chí an toàn, hạn chế chốn đông người như du lịch ngắn ngày, “staycation” (du lịch tại nơi mình sinh sống), tour du lịch ảo, du lịch sinh thái tìm về với thiên nhiên, du lịch cộng đồng hay du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe…
Cùng với đó, làn sóng chuyển đổi số du lịch cũng như ứng dụng công nghệ thông minh vào du lịch cũng được tận dụng triệt để, giúp du khách dễ dàng kiểm tra chất lượng điểm đến thời đại dịch.
Mọi nỗ lực đã mang lại kết quả. Sau một năm bão tố, Việt Nam vẫn khẳng định sức hút qua hàng chục giải thưởng quốc tế và có mặt thường xuyên trên các tạp chí lữ hành uy tín của thế giới.
Hang Sơn Đoòng – điểm du lịch tuyệt vời của Việt Nam.
Tháng 11, vượt qua nhiều ứng viên “nặng ký” tại cuộc bình chọn của Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA), du lịch Việt Nam giành được nhiều bình chọn ở nhiều hạng mục của giải thưởng được ví như giải Oscar của ngành Du lịch Thế giới, Việt Nam giành giải thưởng Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam được nhận giải thưởng danh giá này.
Ở khu vực châu Á, Việt Nam tiếp tục được bình chọn là Điểm đến Văn hóa, Điểm đến Di sản và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á, cùng với danh hiệu Điểm đến Golf tốt nhất châu Á.
Trong tháng 12, tạp chí du lịch nổi tiếng của Australia Lonely Planet đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến có ẩm thực tốt nhất cho chuyến du lịch cá nhân năm 2021 với nhận định: “Nếu chỉ có một quốc gia ẩm thực Đông-Nam Á được coi là “tốt nhất trong những nước tốt nhất” thì đó là Việt Nam”.
Trong khi đó, tạp chí Travel+Leisure của Mỹ đã xếp Việt Nam đứng thứ 16 trong danh sách 20 điểm đến dành cho du lịch cá nhân trong năm 2021.
Với điểm bình chọn 92,12 điểm, bạn đọc của tạp chí du lịch uy tín của Mỹ Condé Nast Traveler (CNTraveler) đã bình chọn Việt Nam đứng ở vị trí thứ 9 trong 20 quốc gia là điểm đến yêu thích năm 2020. CNTraveler cũng lựa chọn Việt Nam đứng ở vị trí thứ 13 trong xếp hạng 21 điểm đến tốt nhất cho năm 2021 dựa trên đánh giá kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.
Sang năm 2021, những khó khăn của du lịch Việt Nam vẫn còn đó, khi Covid-19 lại bùng phát ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam sau một năm “vượt bão” chắc chắn sẽ có kinh nghiệm để biến nguy cơ thành thời cơ, ghi dấu ấn mới ngay giữa giai đoạn khó khăn nhất.
Nguồn:https://vietnamtourism.gov.vn