Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / Một số giải pháp nâng cao nhận thức về vai trò các bên trong việc phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố Huế  

Một số giải pháp nâng cao nhận thức về vai trò các bên trong việc phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố Huế  

     Hiện nay, một điều rõ rệt là Huế là nơi khá thận trọng trong việc nhìn nhận vấn đề về du lịch đi vào bản chất nhất của nó, đó là: “Du lịch chính là ngành tổng hòa của tất cả các ngành kinh tế khác”

     Quá dễ dàng đễ nhận ra điều này, ngoại trừ các hạ tầng cơ sở chuyên phục vụ cho khách du lịch như khách sạn – nhà hàng; đường sá và xe chuyên dụng cho các đoàn khách thì hầu hết những thứ còn lại, kể cả nhu yếu phẩm, thực phẩm cung cấp cho khách đều là sản phẩm từ các ngành khác đem đến cho du lịch; hệ thống chợ búa – an ninh – giao thông – công an và cả quân đội là những ngành khác nhau nhưng đều tham gia vào điều phối, gìn giữ và cả kiến tạo nên khung hành động cho du lịch và du khách. Tuy nhiên, ở Huế, câu chuyện diễn ra có vẻ như mặc nhiên cho “ngành du lịch” bươn chải một mình và nếu như không có sự “đề nghị” thì xem như đó không là trách nhiệm liên đới – nói đúng ra là trách nhiệm tự thân phải hành động, dẫn đến những vấn đề đơn giản như chèo kéo, đeo bám, ăn xin, hàng rong, xích lô nói thách… hiện hữu nhưng không thể dứt điểm được, và các bên luôn có lý lẽ để biện minh cho sự “không hành động của mình” và đẩy trách nhiệm về du lịch

     Một phần sản phẩm du lịch cũng chính là nếp sống, nếp văn hóa, nếp sinh hoạt của người dân địa phương, hiện tại, chúng ta đối diện với quá nhiều thứ không thể nói thành lời: nạn xả rác bừa bãi, nạn đi ngược đường từ xích lô cho đến ô-tô xe máy, nạn vượt đèn đỏ, nạn buôn bán hàng rong bày đầy vỉa hè trên phố, nạn phát tờ rơi… cách hành xử của cộng đồng dân cư đối với du khách, với nhau…đều là những yếu tố cấu thành nên sản phẩm du lịch điểm đến của địa phương thậm chỉ là cả cách xử phạt của CSGT cũng tác động không nhỏ đến tâm lý du khách và các cộng đồng khác…

Một vài giải pháp nhỏ đóng góp về phát triển du lịch Huế:

 1.Lưu trú:

     Nên đa dạng loại hình dịch vụ lưu trú, trong đó xem xét phát triển Boutique Villa bằng cách đầu tư chuyển đổi các Villa Pháp cổ. Chủ trương này ở Huế có  từ  hơn  20  năm  trước  nhưng không hiểu sao đến nay vẫn dậm chân tại chổ trong khi số lượng các villa ngày càng ít đi (rất đáng tiếc). Nếu chuyển được các villa dọc đường Lê Lợi sang lưu trú cao cấp thì sẽ rất lý tưởng. Dù số lượng không nhiều cũng tạo được thương hiệu cho Huế đối với dòng khách cao cấp. Cho khách du lịch lưu trú ở chùa như một số nước khác đang làm.

  • Phát triển thêm hình thức lưu trú trên thuyền (chất lượng cao) cũng nên tính đến.
  • Cốt lõi vẫn là làm sao lôi kéo được các thương hiệu khách sạn tầm quốc tế mà ở TP Huế hiện nay gần như là chưa có. Chính các thương hiệu khách sạn lớn sẽ góp phần làm marketing hiệu quả cho điểm đến.

 2. Tham quan: sản phẩm chính điểm đến Huế vẫn là di tích lịch sử. Không phủ nhận quần thể di tích Huế đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch Huế. Tuy nhiên, xu thế hiện nay nhu cầu của khách không chỉ dừng lại ở chổ tìm hiểu văn hoá lịch sử. Khách theo nhu cầu này thường chỉ đến một lần cho biết và hiếm khi quay trở lại. Trong khi đó nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, du lịch biển, mua sắm,…thì không có giới hạn. Khách theo nhu cầu này có thể quay trở lại thường xuyên. Trong khi chưa tìm ra được nhà đầu tư chiến lược để phát triển sản phẩm mới, nên chăng chúng ta làm mới trong những cái đang có. Ví dụ: vườn Cơ Hạ bên trong Đại Nội có thể biến thành một vườn phong lan hội đủ tất cả các loài trên thế giới thay vì vườn cây kiểng và bonsai đủ loại như hiện tại. Chợ Đông Ba rất nhiều khách đến thăm nhưng không để lại nhiều ấn tượng. Nên tổ chức lại để chợ là trung tâm mua sắm các đặc sản Huế vừa là trung tâm ẩm thực (tất nhiên là phải đảm bảo vệ sinh). Việc này chỉ cần tổ chức lại nên sẽ không cần đầu tư quá nhiều.

3. Ẩm thực: Huế là trung tâm ẩm thực của cả nước nhưng vẫn chưa có lễ hội ẩm thực đúng nghĩa.

4. Festival Huế: nên đánh giá lại tính hiệu quả của Festival Huế. Tổ chức nhiều festival nhỏ theo chủ đề thì sẽ đáp ứng đúng nhu cầu từng đối tượng khách (ẩm thực, áo dài, điều, hoa đăng, …)

5. Môi trường: là yếu tố ngày càng quan trọng để thu hút khách. Rất buồn khi phải chứng kiến từng đoàn khách du lịch đi xích lô quanh Huế phải đeo khẩu trang. Cảnh chèo kéo khách ở hầu hết các điểm tham quan vẫn chưa giảm mặc dù chính quyền đã nổ lực trong hơn 20 năm qua (trong khi một số địa phương khác làm tốt).

     Hy vọng trong tương lai du lịch TTH sẽ “thay da đổi thịt” và sẽ thu hút một lượng khách du lịch lớn đến với thành phố “thân thương này”!

Th.S Nguyễn Thị Ngọc Cẩm – Bộ môn Lữ hành và Hướng dẫn du lịch

 

About Khoa Lữ hành

Tin liên quan

Mô hình hỗ trợ người học của Trường Du lịch – Đại học Huế: Cánh cửa mở ra bầu trời mới

Cánh cửa mở ra bầu trời mới đã giúp khám phá thêm tri thức, để …