Du lịch điện tử là ngành học ứng dụng về công nghệ thông tin và Truyền thông trong ngành du lịch dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành, hàng không…). Cơ hội việc làm ngành này rất đa dạng nhưng hiện nay vẫn đang là ngành thiếu nhân lực trầm trọng.
Nhu cầu của thị trường
Du lịch điện tử là một trong những ngành phát triển rất nhanh với lợi nhuận lớn, thu hút nhiều nguồn lực và dần dần dẫn đầu xu hướng. Theo Báo cáo từ nghiên cứu thị trường Facts and Factors, quy mô thị trường toàn cầu và doanh thu du lịch điện tử dự kiến sẽ tăng từ 886,07 tỷ USD vào năm 2020 lên 1.699,80 tỷ USD vào năm 2026, với dự báo giai đoạn năm 2021-2026 mức tăng trưởng CAGR sẽ tăng 11,50% hàng năm.
Thị trường du lịch điện tử đề cập đến các dịch vụ ảo và dựa trên internet có thể bổ sung cho thị trường du lịch truyền thống. Các tính năng như đặt chuyến bay, đặt khách sạn, đặt chỗ, dịch vụ thuê xe và các hình thức du lịch khác được thực hiện thông qua giao tiếp điện tử.
Trước đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng cao hàng năm trong tỷ trọng đóng góp trực tiếp vào GDP. Trong khi đó, khoảng một nửa doanh số trong phân khúc du lịch và lữ hành đến từ các kênh trực tuyến và thị phần bán hàng trực tuyến được dự báo sẽ vượt qua doanh số bán hàng ngoại tuyến trong vài năm tới. Trong lĩnh vực du lịch điện tử đang mở rộng của Việt Nam, đặt tour du lịch và khách sạn, vé máy bay và tàu hỏa là một trong những danh mục mua sắm trực tuyến phổ biến nhất của những người tiêu dùng. Theo khảo sát vào năm 2020, khoảng 60% người Việt Nam được hỏi cho biết đã sử dụng đại lý du lịch trực tuyến. Trong khi các nền tảng OTA nổi tiếng quốc tế, cụ thể là Booking.com, Agoda và Traveloka thống trị thị trường với tư cách là các đại lý được sử dụng nhiều nhất, các thương hiệu Việt Nam như mytour.vn và Vntrip.com gần đây đã giành được vị trí trong số các OTA hàng đầu dựa trên nhận thức về người dùng đặt phòng trực tuyến.
Thống kê doanh thu từ ngành Du lịch điện tử tại Việt Nam năm 2021.
Nguồn: statista.com
Hành vi người tiêu dùng đối với các trang Web liên quan du lịch.
Nguồn: statista.com
Sự phát triển của toàn ngành dẫn tới nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, có thể khẳng định rằng trong tương lai, các công việc ngành du lịch điện tử sẽ càng hot và thu hút nhiều lao động.
Số lượng người dùng website du lịch tại Việt Nam vào năm 2021
Nguồn: statista.com
Mức lương của ngành du lịch điện tử là vấn đề được quan tâm hàng đầu của những bạn trẻ đang muốn theo đuổi ngành này. Cùng Trường Du lịch tìm hiểu chi tiết xem ngành du lịch điện tử lương bao nhiêu qua bài tổng hợp dưới đây nhé.
Mức lương trung bình ngành du lịch điện tử là bao nhiêu?
Bởi vì Du lịch điện tử là một ngành năng động và có mức tăng trưởng nhanh nên thu nhập của người lao động cũng rất khả quan, phụ thuộc nhiều vào khả năng và sự đóng góp thực tế của mỗi người. Theo thống kê từ các Website nghiên cứu về mức lương hiện nay như vietnamsalary.vn, Salary.com, Jobgo.vn…, mức lương trung bình của ngành Du lịch điện tử như sau:
– Mức lương Du lịch điện tử bậc thấp nhất: 7 triệu/tháng.
– Mức lương Du lịch điện tử bậc trung bình: 13 triệu 360 nghìn đồng/tháng.
– Mức lương Du lịch điện tử bậc cao nhất lên đến: 30 triệu 250 nghìn đồng/tháng.
Mức lương trung bình cho chuyên viên du lịch hiện nay.
Nguồn: vietnamsalary.vn
Mức lương có sự chênh lệch là do trình độ chuyên môn, vị trí công việc cụ thể, kinh nghiệm, thâm niên. Có thể thấy, mức lương của ngành Du lịch điện tử cao hơn mặt bằng chung khá nhiều. Lương ở mức thấp nhất đã là 7.000.000đ với những người chưa có kinh nghiệm. Chính sự hấp dẫn về mức lương mà ngành này đang ngày càng được săn đón.
Là một ngành có mức độ tăng trưởng nhanh, luôn đổi mới sáng tạo và yêu cầu nguồn nhân sự chất lượng cao, thu nhập của người lao động luôn nằm trong mức khả quan. Khi đã có kinh nghiệm tích lũy, việc thăng chức và tăng lương không còn quá khó khăn. Cụ thể:
– 2 – 3 năm kinh nghiệm: khoảng 9 – 11 triệu/tháng
– Trên 5 năm kinh nghiệm: từ 12 – 15 triệu/tháng
Con số này thay đổi theo vị trí và nhiệm vụ cụ thể mà bạn đảm nhận.
Các vị trí việc làm cho ngành Du lịch điện tử
Ngành Du lịch điện tử là ngành có mức độ tăng trưởng rất nhanh. Ngành này luôn có sự đổi mới và sáng tạo nên cần có đội ngũ nhân sự có chất lượng. Chính vì vậy mà mức lương của ngành này luôn ở mức cao. Cơ hội nâng cao mức thu nhập sau nhiều năm kinh nghiệm của những người theo đuổi ngành này rất rộng mở.
– Chuyên viên kinh doanh các kênh Du lịch điện tử như Booking.com, Agoda, Airbnb: 8 – 10.000.000đ
– Chuyên viên chăm sóc khách hàng trực tuyến: 7 – 9.000.000đ
– Chuyên viên quản lý quan hệ khách hàng trực tuyến: 8 – 10.000.000đ
– Chuyên viên Quản lý phát triển tài khoản trực tuyến: 6 – 8.000.000đ
– Nhân viên phát triển thị trường: 7 – 8.000.000đ
– Chuyên viên Marketing Online: 10 – 12.000.000đ
– Chuyên viên Google Ads: 12 – 15.000.000đ
– Chuyên viên SEO Marketing các công ty du lịch: 10 – 12.000.000đ
– Chuyên viên quản trị hệ thống giao dịch trực tuyến: 14 – 16.000.000đ
– Chuyên viên phân tích và xử lý dữ liệu: 10 – 12.000.000đ
– Chuyên viên lập trình phát triển website: 14 – 16.000.000đ
– Chuyên viên Quản trị Website du lịch: 15- 18.000.000đ
– Chuyên viên Graphic & UI Designer Du lịch điện tử: 10 – 12.000.000đ
Mức lương trung bình của nhân viên kinh doanh tour du lịch năm 2022
Nguồn: vietnamsalary.vn
Một số công việc liên quan đến ngành du lịch điện tử
Nguồn: vietnamsalary.vn
Nhân viên thiết kế 2D cho sự kiện du lịch có mức lương tối thiểu là 8 triệu đồng
Nguồn: vietnamsalary.vn
Tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, nhu cầu đối với nhân sự ngành Du lịch điện tử đã tăng nhanh trong vài năm gần đây và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Hàng loạt doanh nghiệp du lịch ra đời đòi hỏi số lượng lớn lao động cũng như tìm kiếm lượng du khách cho doanh nghiệp.
Minh Nhật (Khoa QLSK & CNTT)