Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / BÍ KÍP ĐẠT ĐIỂM CAO CỦA THỦ KHOA TRƯỜNG DU LỊCH – ĐẠI HỌC HUẾ

BÍ KÍP ĐẠT ĐIỂM CAO CỦA THỦ KHOA TRƯỜNG DU LỊCH – ĐẠI HỌC HUẾ

Phạm Thị Na đứng đầu đợt xét tốt nghiệp năm 2023 của Trường Du lịch – Đại học Huế với điểm GPA 3.96/4, chỉ có hai môn không đạt điểm A. Cô gái 22 tuổi nói đây là thành quả của sự nỗ lực liên tục trong suốt 4 năm. Nữ sinh cho biết không đặt mục tiêu bảng điểm toàn điểm A mà chỉ xác định làm tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.

Phạm Thị Na – tân thủ khoa đầu ra Trường Du lịch – Đại học Huế

Là một học sinh giỏi khối A, ai cũng nghĩ Phạm Thị Na sẽ chọn học các ngành tự nhiên nhưng với quyết tâm theo đuổi du lịch, giờ đây Na đã trở thành thủ khoa đầu ra của Trường Du lịch – Đại học Huế và đang có công việc như mong muốn. Câu chuyện chọn ngành học của Na là minh chứng cho thấy chọn đúng ngành học mới có thể học đại học hiệu quả, đạt được thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.

Từng nộp hồ sơ vào Đại học Bách Khoa Đà Nẵng nhưng với niềm đam mê thích khám phá mọi thứ,  Na đã thuyết phục bố mẹ để xét bổ sung nguyện vọng học bạ ngành Quản trị khách sạn chương trình đặc thù.  Cuối cùng, Na nhận được cái gật đầu của gia đình.

Xây dựng kế hoạch học tập từ năm nhất

Với điểm GPA gần như tuyệt đối, Na cho rằng, bản thân có phương pháp học tập rất đơn giản. Đó là chỉ cần tập trung nghe giảng trên lớp, chủ động tương tác với giảng viên, ghi chú nhanh vào slide bài giảng trên máy tính, trước khi thi sẽ hệ thống lại nội dung từ slide, sách, các nguồn tài liệu khác vào một quyển vở để ôn tập dễ dàng hơn. Thỉnh thoảng Na học nhóm với bạn bè để giải đáp thắc mắc trong môn học

Để đạt được kết quả tốt, Na cho biết em luôn đặt ra kế hoạch học tập cho bản thân. Thứ nhất, luôn chủ động trong việc học tập. Từ việc ôn lại kiến thức cũ và đọc bài mới trước, trên lớp em luôn chủ động hỏi thầy cô hoặc bạn bè khi gặp các vấn đề khó khăn. Chủ động phân bố thời gian các môn một cách hợp lý, không để kiến thức bị dồn ứ, học nhồi nhét vào cuối kỳ. Na đề cao phương pháp tự học. Mỗi kỳ, em luôn chủ động tìm kiếm tài liệu, tham khảo kinh nghiệm của sinh viên khóa trên để rút ra bài học cho bản thân. Đồng thời, em chủ động đọc trước giáo trình, phần nào không hiểu sẽ ghi chú lại để nghiên cứu hoặc hỏi thầy cô, bạn bè.

Trong suốt 4 năm học, Na thường xuyên nhận các học bổng và giải thưởng của Trường

Na còn cho biết thêm ở học kỳ đầu tiên em đã gặp không ít khó khăn do lượng kiến thức mới và nhiều, giáo trình, tài liệu tham khảo đều bằng tiếng Anh trong khi vốn tiếng Anh còn hạn chế nên có lúc cảm giác không theo kịp. Đến kỳ thứ hai, Na dần làm quen được với cách học ở đại học, cộng với việc chủ động nhờ sự giúp đỡ từ thầy cô cũng như các bạn trong lớp, em đã dần lấy lại nhịp.

Chia sẻ bí kíp vượt qua các môn đại cương, nữ sinh cho biết, em dành phần lớn thời gian để học trên lớp, note các kiến thức quan trọng vào vở. Đồng thời em lập sơ đồ tư duy những nội dung, chương kiến thức, cố gắng hệ thống bằng số liệu hoặc hình vẽ để thuận tiện ôn tập. Trong quá trình học, Na cố gắng lắng nghe, chắt lọc những điểm nhấn mà thầy cô lưu ý. Với những môn lý thuyết, cô nàng thường sử dụng sơ đồ cây vạch ra các từ khóa chính rồi phát triển thành các ý nhỏ để có thể ghi nhớ lượng kiến thức. Đối với các môn có tính toán, cuối mỗi buổi học em sẽ dành thời gian để làm toàn bộ các bài tính toán, ghi chú lại những công thức cần chú ý vào một quyển sổ. Những bài tập chưa hiểu em thường đánh dấu sao để buổi sau có thể nhờ sự giúp đỡ của thầy cô. Ngoài ra, để có thể hiểu thêm bài em thường tìm kiếm xem thêm các bài giảng, tải bài tập trên mạng về làm, Na chia sẻ.

Na nói rằng kiến ​​thức của trường đại học rất rộng, vì vậy việc tự học và tự tìm thêm tài liệu là rất quan trọng. “Giảng viên ở trên lớp chỉ giới thiệu một phần thôi chứ không thể nào giảng hết cho chúng ta được. Một cuốn sách đến gần cả trăm trang, mà một môn học cùng lắm cũng chỉ 12 – 13 buổi, nên nếu chỉ học trên lớp thôi thì không bao giờ đủ”, Na minh chứng.

Việc sắp xếp thời gian biểu hợp lý, giúp Na hoàn thành tốt việc học. Ảnh: nhân vật cung cấp

“Chỉ cần mình có năng lực và cố gắng thì sớm hay muộn cũng sẽ gặt hái được quả ngọt”, Na nói. Em luôn đặt mục tiêu cụ thể về thành tích, điểm số và những kiến thức, kỹ năng đạt được qua mỗi môn học, kỳ học. Em có thói quen lập thời gian biểu mỗi ngày, mỗi tuần, giúp cân bằng học tập, giải trí cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa. Từ khi học tiểu học đến đại học, nữ sinh luôn hoàn thành bài vở trước 22h để nghỉ ngơi sớm, đảm bảo sức khỏe. Nhờ cố gắng học tập và tiếp thu trên lớp, về nhà Na chỉ cần dành thời gian để ôn tập khoảng 30 phút – 1 tiếng, không mất nhiều thời gian mà vẫn nắm được kiến thức môn học.

Ngoài thời gian trên lớp, nữ sinh tích cực lên thư viện tìm đọc thêm các giáo trình, kiến thức ở các tạp chí chuyên ngành. Đồng thời, em cũng thường xuyên bàn luận, giao tiếp với các anh chị khóa trước về các vấn đề khó, “ưu tiên hiểu bản chất hơn học thuộc lòng lý thuyết”. Nhờ vào sự tích lũy kiến thức từng ngày, nên Na khá tự tin trước mỗi kỳ thi kết thúc môn học. Bên cạnh đó,  kết nối với các anh chị đã ra trường để xem quá trình các anh chị học đến lúc đi làm như thế nào, từ đó mình có sự chuẩn bị tốt nhất, cũng như kế hoạch học tập đúng đắn nhất”, Na chia sẻ.

Cũng như nhiều bạn sinh viên khác, trong quãng thời gian 4 năm đại học gần 2 năm phải học bằng hình thức trực tuyến. Khi chuyển từ trạng thái học trực tiếp sang trực tuyến Na đã khá hoang mang, lo lắng. Na nói: “Liệu mình chọn ngành Khách sạn có hợp lý không? Khi dịch Covid – 19 không biết kéo dài đến khi nào? Việc học trực tuyến có ổn không?” Thấu hiểu những hoang mang của sinh viên, các thầy cô đã hỗ trợ gửi sách, giáo trình về tận tay sinh viên. Nhà trường mở thư viện trực tuyến cho sinh viên được xem và tải tài liệu miễn phí đã giúp đỡ em phần nào giảm bớt lo lắng, yên tâm trong học tập”.

Học hỏi từ các hoạt động ngoại khóa, các đợt thực tập, thực tế…

Chủ động là chìa khóa quan trọng giúp nữ sinh cân bằng thời gian giữa việc học và tham gia ngoại khóa. “Đặc biệt, nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi như Sáng tạo sinh viên, Sinh viên giỏi nghề khách sạn, Marketing Race… tạo sân chơi để các bạn học hỏi, vận dụng nhiều kiến thức vào thực tế, tìm tòi thêm nhiều điều mới và thêm đam mê trong việc học”, Na nhìn nhận.  Khi tham gia các cuộc thi, sự kiện, em xác định rõ những tiêu chí mà cuộc thi đó tìm kiếm, đối chiếu với điểm mạnh của mình, làm sao để có thể đưa ra những ý tưởng, giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, cô bạn nhấn mạnh, khi tham gia các sân chơi tri thức và ngoại khóa, phần thưởng là sự khích lệ, động viên nhưng quan trọng nhất vẫn phải thu được một bài học nào đó từ quá trình tham gia, có thể là những người bạn mới, kinh nghiệm, kỷ niệm hay chỉ đơn giản là niềm vui khi cùng nhau “team work”.

Na thường xuyên tham gia các cuộc thi tại trường để trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng

Na thích cách học ở trường khi sinh viên được tham gia nhiều hoạt động, phát huy được tính năng động, sáng tạo. Bài tập cuối kỳ thường lập kế hoạch cho doanh nghiệp du lịch hoặc tạo ra sản phẩm sau đó thuyết trình trước thầy cô giúp sinh viên chủ động tìm kiếm, tích lũy và vận dụng kiến thức vào thực tế, qua đó giúp tăng tính gắn kết và rèn luyện khả năng phối hợp.

Bên cạnh đó, Khoa và nhà trường luôn tạo điều kiện cho các sinh viên tham gia các khóa thực tập tại Bà Nà Hill, Vinpearl Phú Quốc, Alba Thanh Tân, Khu du lịch Về Nguồn… để giúp sinh viên áp dụng các kiến thức vào thực tế, học hỏi thêm các kinh nghiệm từ các anh chị trong nghề. Điều này cực kỳ hữu ích cho sinh viên du lịch đặc biệt là sinh viên ngành Quản trị khách sạn như em. Thông qua các đợt thực tập, sinh viên trở nên tự tin, năng động trong giao tiếp, rèn luyện được tính kiên nhẫn, học thêm những điều mới.

các hoạt động tình nguyện cũng được nữ sinh tích cực tham gia

Thầy Nguyễn Đức Cường, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết Na không chỉ có điểm trung bình tốt nghiệp (GPA) cao nhất trong hơn 770 sinh viên tốt nghiệp năm nay mà còn cao nhất lịch sử trường trong suốt 15 năm qua. 

Với Na, kết quả đạt được như lời khẳng định với bố mẹ việc lựa chọn học Trường Du lịch – Đại học Huế là đúng đắn. Na chia sẻ 3 yếu tố để được doanh nghiệp tuyển dụng gồm: Thành tích học tập, Kinh nghiệm và Thái độ tích cực. Minh chứng, em luôn giữ thái độ làm việc cầu thị, tích cực và không ngại học hỏi.

Trước những quan điểm trái chiều về bằng cấp đại học, Na cho rằng kiến thức ở trường sẽ giúp người học đi đường dài. Theo nữ sinh, người mới tốt nghiệp có thể chỉ đảm nhận các vị trí thấp, chưa cần vận dụng nhiều kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên, Na nhìn nhận rồi sẽ đến lúc người đi làm cần một cái nhìn tổng quan, đối diện với các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, khi đó kiến thức ở trường là nền tảng quan trọng. Theo Na, việc chọn ngành cũng cần lộ trình, kế hoạch rõ ràng. “Phải nhìn bao quát hơn về nhu cầu của xã hội thì mình sẽ có được lựa chọn đúng đắn hơn”, Na bật mí và chia sẻ thêm: “Nếu chọn sai, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như làm nhụt ý chí, mất tự tin vào bản thân. Điều đó sẽ ảnh hưởng tai hại đến tương lai của chính bạn”.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, tân thủ khoa Trường Du lịch – Đại học Huế cho biết, sẽ cố gắng đi làm tích luỹ kinh nghiệm, đồng thời trau dồi thêm khả năng tiếng Anh. Mục tiêu Na đặt ra “săn” học bổng bậc thạc sỹ hoặc học thẳng lên tiến sỹ để nâng cao thêm kiến thức.

Hiện tại, Na đang làm việc tại vị trí Marketing tại khách sạn 4 sao tại TP Đà Nẵng. Đây là minh chứng cho thấy việc chọn đúng chuyên ngành rất quan trọng, quyết định rất nhiều đến thành tích học tập và thành công sau này. Na khuyên các bạn sinh viên nên dành chút thời gian để tự đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của mình để có thể đánh giá sự tương quan với công việc mình mong muốn liệu có phù hợp không.

Minh Nhật (Khoa QLSK&CNTT)

About Khoa QLSK&CNTT

Tin liên quan

Công khai thời gian, địa điểm, toàn văn luận án và tóm tắt luận án, tính mới luận án bằng tiếng Việt và tiếng Anh của nghiên cứu sinh Nguyễn Hoàng Tuệ Quang, Khóa năm 2021, ngành Du lịch

Căn cứ điều 22 của Quyết định số 1695/QĐ-ĐHH ngày 20 tháng 12 năm 2019 …