Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo Ngoại ngữ chuyên ngành

Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo Ngoại ngữ chuyên ngành

A. Đặt vấn đề:

     Với tầm quan trọng ngày càng cao của ngoại ngữ trong cuộc sống cũng như trong công cuộc công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, việc học tập và rèn luyện ngoại ngữ đã trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi sinh viên để chuẩn bị hành trang bước vào thế giới việc làm đầy cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Chính vì thế, đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (đề án ngoại ngữ quốc gia 2020) khi được đưa vào triển khai đã và đang nhận được sự quan tâm cả toàn xã hội. Để đạt được mục tiêu “…đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tôt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, câu hỏi cần đặt ra là làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ chuyên ngành du lịch hiện nay?

     Tại Khoa du lịch – Đại học Huế, việc áp dụng hệ thống đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã được tiến hành từ 5 năm nay và đã ghi nhận nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, quá trình giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành (NNCN) vẫn còn bộc lộ một số điểm cần quan tâm xử lý để tạo ra chất lượng đào tạo tốt nhất cho sinh viên chuyên ngành lữ hành và HDDL. Bài viết này đưa ra một vài phân tích về một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo NNCN và nêu ra một số giải pháp đóng góp để hoàn thiện hơn nữa chất lượng đào tạo NNCN tại Khoa du lịch trong thời gian tới.

B. Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo NNCN

  1. Trình độ đầu vào của người họcĐa phần các sinh viên khi đậu vào đại học, đặc biệt là đậu vào Khoa du lịch ở nhiều khối khác nhau như Khối A, A1, C và D, D1, D2…. nên trình độ đầu vào của sinh viên về ngoại ngữ chênh lệch rất lớn và gần như là A0. Do đó, sau khi kết thúc các học phần ngoại ngữ cơ bản, nhiều sinh viên chưa nắm bắt được các khái niệm cơ bản của NNCN, dẫn đến chất lượng để bước vào học NNCN mất rất nhiều thời gian để dạy. Giảng viên rất khó đảm bảo được các nguyên tắc dạy học, nhất là nguyên tắc đảm bảo tính vừa sức chung, tính vừa sức riêng, khi đồng thời phải đảm bảo cho sinh viên yếu, học ngoại ngữ chậm do không có năng khiếu học ngoại ngữ hiểu bài mà vẫn không làm cho các sinh viên giỏi nhàm chán. Hệ quả là sinh viên cảm thấy khó và không mặn mà với học ngoại ngữ, đặc biệt là NNCN vì các sinh viên giỏi cảm thấy tiết học thiếu sự hấp dẫn vì toàn học những điều đã biết, còn sinh viên yếu kém thì thấy tự ti và không muốn học do họ không theo kịp tiến trình giảng dạy của giảng viên.
  2. Động cơ và mục tiêu học tập của người học:

     Động cơ học tập của sinh viên là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định thành công của việc học ngoại ngữ, thế nhưng nhiều  sinh viên vẫn chỉ học ngoại ngữ một cách đối phó. Thứ nhất, nhiều sinh viên nhận thấy học ngoại ngữ để thi lấy chứng chỉ B1 để đảm bảo cho việc tốt nghiệp nên NNCN không cần học vì đủ điểm thi hết học phần là xem như hoàn thành do không ảnh hưởng đến điểm trung bình học cả toàn khóa nên sinh viên có tâm lý học đối phó, học chiếu lệ, chỉ cần đủ điểm. Sau khi ra trường nếu cần thiết thì có thế tự học và tự nâng cao.

     Hơn nữa, một bộ phận sinh viên cho rằng NNCN là một môn bắt buộc và chỉ cần đủ điểm, không bị thi lại là được và không phải công việc nào cũng cần có ngoại ngữ như là nghề HDV nội địa,….nên không có sở thích hay đam mê thực sự. Nhận thức không đúng về ngoại ngữ đối với công việc và sự phát triển sự nghiệp trong tương lai nên nhiều sinh viên còn có thái độ thờ ơ và chưa chịu khó đầu tư công sức để hướng tới một mục đích xa hơn, phù hợp xu thế phát triển của xã hội nói chung và của chính bản thân mình nói riêng.

  1. Điều kiện lớp học:

     Hiện nay, một lớp học NNCN thông thường có từ 70-90 sinh viên/lớp nên quá đông để có sự tương tác tích cực giữa người dạy-người học. với số lượng quá đông sinh viên trong một lớp như thế giảng viên trong quá trình giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn, không có thời gian để triển khai đầy đủ các kỹ năng thực hành tiếng như nghe-nói-đọc-viết, làm giảm hiệu quả của bài học. Một hệ quả khác có thể nhìn thấy rõ ràng đó là nhiều giảng viên không đủ thời gian để sửa các bài tập đã yêu cầu sinh viên về nhà làm, nếu sinh viên có thắc mắc cần giải đáp về bài học, giảng viên cũng không thể dành nhiều thời gian để giúp cho sinh viên hiểu đúng và đủ về các nội dung bài học.

     Bên cạnh đó cần quan tâm đến yếu tố về thời gian, thời lượng và cơ sở vật chất phục vụ việc học và dạy ngoại ngữ. Khoa không có phòng LAB để sinh viên được học nghe và nói, không có phương tiện nghe nhìn thì không thể giúp giảng viên lên lớp một cách có hiệu quả được. Lớp quá đông nên khó có cái nhìn tổng quát về phía người học và không có điều kiện cho sinh viên được phản hồi những gì họ chưa hiểu và chưa nghe kịp bài giảng của giảng viên.

  1. Giáo trình giảng dạy và thời lượng trong khung chương trình đào tạo:

     Hiện nay, giảng viên dạy NNCN phải tự tìm kiếm tài liệu để lên lớp, tự trang bị CSVC để giảng dạy. Thời lượng trong khung CTĐT chuyên ngành lữ hành và HD có thể tạm ổn (9TC cho NNCN 1, 2 và 3) nhưng thời lượng lên lớp với số lượng sinh viên quá đông (3 tiết/buổi) quá ngắn nên không thể giảng dạy nhiều nội dung được vì trình độ ngoại ngữ của sinh viên trong một lớp học quá chênh lệch và thái độ học tập của sinh viên không tích cực vì cảm thấy học NNCN quá khó. Nên chăng mặc dù Giảng viên có đủ trình độ dạy NNCN nhưng chưa có phương pháp giảng dạy đúng với một GV dạy NN nên chưa có khả năng truyền đạt và kích thích sinh viên học tốt NNCN? Hơn nữa, học ngoại ngữ cần có năng khiếu và sự đam mê thật sự mới có thể giao tiếp tốt.

C. Một số giải pháp nhằm cải thiện chất lượng đào tạo NNCN

     Thứ nhất, sau khi đã xác định cụ thể chuẩn đầu ra của NNKC là cấp độ B1, khoa du lịch cần có sự quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện điều kiện CSVCKT cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho người dạy lẫn người học, đặc biệt khuyến khích sinh viên có thái độ học tích cực và học chuyên sâu NNCN để dể dàng tiếp cận với thị trường việc làm trong ngành du lịch hiện nay. Để làm được điều đó, trong từng bộ môn cần thành lập những câu lạc bộ Ngoại ngữ để sinh viên có điều kiện rèn luyện ngoại ngữ chuyên ngành của mình. Thường xuyên gặp gỡ tập nói tiếng Anh/Pháp giữa sinh viên và sinh viên, giữa sinh viên và giảng viên. Về phía mỗi giảng viên trong BM không tính đến GV dạy NNCN phải đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ B2 hoặc trình độ C mới có thể giúp đỡ sinh viên trau dồi ngoại ngữ đó.

     Thứ hai, cần chia lớp thành nhiều nhóm vì các lớp lữ hành và HD số lượng sinh viên quá đông (hơn 70-90), giữ ở mức 25-30 sinh viên/nhóm cho phép sinh viên có cơ hội tiếp xúc và rèn luyện bốn kỹ năng Nghe-Nói-Đọc-Viết với giảng viên đứng lớp. Điều này góp phần quan trọng trong việc dạy và học đạt hiệu quả cao và đảm bảo chất lượng tốt hơn.

     Thứ ba, các giảng viên giảng dạy NNCN cần khuyến khích động viên sinh viên trong lớp như là tặng điểm thưởng hay cộng một điểm cho sinh viên trong quá trình học tập cũng như trong việc đánh giá kết quả điểm thi hết học phần để kích thích tinh thần chăm chỉ học tập ngoại ngữ của sinh viên trong chuyên ngành của bộ môn

     Thứ tư, sinh viên cần nhận thức đúng và hiểu rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với sự nghiệp của chính bản thân sau khi ra trường để tư duy tích cực hơn trong việc rèn luyện và trau dồi ngoại ngữ chuyên ngành của mình ngay khi đang còn được học tập trên ghế nhà trường

     Nói tóm lại, ngoại ngữ đang được xem là công cụ quan trọng để mỗi cá nhân kết nối với thế giới đang phát triển mạnh mẽ. Từ việc đưa ra các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo NNCN và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hiện nay ở Khoa du lịch, chúng tôi hy vọng rằng các lớp sinh viên sẽ tích cực học tập hơn nữa sau khi nhận thức rõ được tầm quan trọng của ngoại ngữ và các giảng viên giảng dạy NNCN cũng sẽ có những sự giúp đỡ cần thiết cho sinh viên trong việc rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ chuyên sâu để dể dàng tìm kiếm được công việc của chính họ trong tương lai.

Th.S Nguyễn Thị Ngọc Cẩm – Bộ môn LH&HDDL

 

About Khoa Lữ hành

Tin liên quan

Hội thảo chuyên gia “PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÀU BIỂN TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ”

Vào lúc 8h00 ngày 17 tháng 11 năm 2024, Hội thảo tham vấn chuyên gia …