Trang chủ / Đọc báo giùm bạn / Thừa Thiên – Huế: Phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô

Thừa Thiên – Huế: Phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô

Thừa Thiên – Huế là tỉnh nằm trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; là cửa ngõ của tuyến hành lang thương mại xuyên á Đông – Tây, kết nối Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam. Với 86km đường biên giới với Lào, khi cửa khẩu S3 – S10 mở thông với các tỉnh Savanakhe, Salavan, Sekong (Lào) cùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia sẽ mang lại cho Thừa Thiên – Huế nhiều lợi thế và thị trường phía Tây sẽ năng động hơn.

Thừa Thiên - Huế: Phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô
Khu vực Kinh thành Huế nhìn từ trên cao.

Vị trí cửa ngõ thuận lợi của Thừa Thiên – Huế

Trên lãnh thổ Việt Nam, hành lang này nằm trên địa phận hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, qua cửa khẩu Lao Bảo đến cảng Chân Mây. Các cửa khẩu La Lay, Hồng Vân – Kutai, A Đớt – Ta Vàng, Lao Bảo – Dansavan mở thông với các tỉnh Savanakhet, Salavan, Sekong (Lào) cùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia mang lại cho Thừa Thiên Huế nhiều lợi thế, nhất là khi sự thông thương giữa các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng ngày càng trở nên năng động.

Thừa Thiên – Huế nằm trên trục giao thông chính Bắc – Nam, có cảng biển nước sâu Chân Mây, cảng Thuận An, sân bay Phú Bài, Quốc lộ 1A, trục cao tốc Bắc – Nam, tuyến đường sắt xuyên Việt, kề cận đường hàng hải nội địa và quốc tế, bờ biển dài đã tạo cho tỉnh những lợi thế về kinh tế biển, về sự liên thông giữa hệ thống cửa khẩu với cảng biển nước sâu trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, mở rộng giao lưu với các địa phương trong và ngoài nước.

Thừa Thiên – Huế ở vào vị trí trung điểm của cả nước, nằm giữa Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm lớn của hai vùng kinh tế phát triển nhất nước ta. Cùng với Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế là tỉnh có vị thế quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cung cấp nguồn nhân lực được đào tạo, có chất lượng cao; có đầu mối giao thông quan trọng với sân bay, cảng biển và hệ thống đường sắt, đường bộ quốc gia.

Đối với liên kết vùng trong nước, Thừa Thiên – Huế ngoài vai trò là đầu mối giao thông quan trọng, còn là nơi cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là y tế, giáo dục đào tạo, du lịch và dịch vụ… Các di sản về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc đặc trưng của Huế mang tầm vóc lớn, đại diện cho một giai đoạn phát triển của dân tộc, có tính đặc trưng riêng so với các quốc gia và các vùng miền khác của cả nước. Những yếu tố này định vị vai trò vùng của Thừa Thiên – Huế ở trung tâm, mang tính lịch sử với các giá trị văn hóa và di sản trường tồn đối với dân tộc Việt Nam và cả thế giới.

Trong mối liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận, Thừa Thiên – Huế được định hình là đô thị tổng hợp. Cùng với Đà Nẵng, cảng biển Đà Nẵng sẽ hợp thành cụm cảng biển loại I theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do vậy, có thể hỗ trợ qua lại cùng phát triển trên cơ sở lợi thế về luồng hàng hải của mỗi cảng, không gian hậu cảng và khả năng tiếp cận với khung giao thông quốc gia khác.

Thừa Thiên - Huế: Phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô

Ngoài ra, Huế cùng Đà Nẵng cũng hình thành tuyến du lịch quốc gia và quốc tế do sản phẩm du lịch bổ sung cho nhau. Đối với Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế có liên hệ chặt chẽ qua hệ thống giao thông quốc gia, hành lang Đông – Tây và các liên kết về hình thái địa lý của hệ đầm phá ven biển, hệ sinh thái núi trung bình và cao.

Thừa Thiên – Huế đóng vai trò trung tâm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực, cung cấp các dịch vụ y tế và sản phẩm du lịch văn hóa, tín ngưỡng bổ sung cho Quảng Trị. Ngoài ra, Thừa Thiên – Huế có tài nguyên biển, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên đất đai, nhân lực có trình độ cao… là nguồn lực phát triển quan trọng của vùng.

Phát triển Thừa Thiên – Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương

Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển Thừa Thiên – Huế và đô thị Huế về nhiều mặt đối với miền Trung, Tây Nguyên và cả nước, gắn kết với giữ gìn và tôn vinh các giá trị di sản, văn hóa, cảnh quan đặc sắc của Thừa Thiên – Huế. Ngày 25/5/2009, Bộ Chính trị cũng đã có Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong đó nêu rõ: “Xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch, khoa học – công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên – Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học – công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á”.

Thừa Thiên - Huế: Phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô

Tiếp đến, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có mục tiêu đến năm 2025 Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Kết luận số 48-KL/TW và Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã mở ra nhiều cơ hội to lớn và tạo điều kiện rất thuận lợi để đẩy nhanh sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra thế và lực mới để củng cố vững chắc vị thế của địa phương trong bối cảnh phát triển nhanh của đất nước, phấn đấu sớm đưa tỉnh Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Triển khai thực hiện các Kết luận, Nghị quyết nêu trên của Bộ Chính trị, các cấp các ngành đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch như: Thủ tướng Chính phủ đã ra Thông báo số 980/TTg-CP ngày 19/6/2009 về tổ chức triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg ngày 17/6/2009 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2020, Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên – Huế…; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định và Chương trình, Kế hoạch để đầu tư xây dựng Thừa Thiên – Huế đạt được các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, như: Kế hoạch 136-KH/TU ngày 3/1/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW; Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động 69-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 và các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng tỉnh trở thành trung tâm y tế, giáo dục – đào tạo; văn hóa – du lịch, khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, giảm nghèo bền vững; xây dựng, phát triển huyện Phong Điền thành thị xã. Các yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị… cũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện trong toàn tỉnh.

Thừa Thiên - Huế: Phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô

Thực hiện định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 và Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 của Quyết định 241/QĐ-TTg, việc mở rộng không gian đô thị và thành lập các quận, phường thuộc khu vực nội thành là sự phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của Thừa Thiên – Huế trong xu thế hội nhập; Phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ; Đồng thời, đây là định hướng hết sức cần thiết nhằm tạo ra những cơ hội mới để tiếp tục phát triển đô thị theo hướng bền vững trên cơ sở thế mạnh đặc trưng của mình, theo mô hình đô thị “di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thực hiện các chiến lược phát triển chung của quốc gia cũng như các định hướng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khẳng định được vị thế, vai trò là cực phát triển quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Để đảm bảo phát triển đô thị hợp lý bền vững cần có định hướng, kế hoạch phát triển hệ thống đô thị phù hợp với chương trình phát triển chung của hệ thống đô thị trong vùng và cả nước phù hợp theo định hướng Quy hoạch Thừa Thiên – Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên – Huế đến năm 2045, tầm nhìn 2065 đã được phê duyệt.

Ngày 26/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 108/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên – Huế đến năm 2045, tầm nhìn 2065. Trong đó, đã định hướng như sau:

Về mục tiêu quy hoạch: Đến năm 2025, Thừa Thiên – Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên – Huế là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.

Đến năm 2045, Thừa Thiên – Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa – du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Về dự kiến hành chính đô thị: Từ nay đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 09 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 02 quận (trong đó thành phố Huế hiện hữu chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương), 03 thị xã (thị xã Hương Thủy hiện hữu, thị xã Hương Trà hiện hữu và thị xã Phong Điền thành lập mới) và 04 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông). Trong đó thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà là các đô thị trực thuộc có vai trò để bảo tồn, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

Từ sau năm 2025 đến năm 2030, là thành phố trực thuộc Trung ương với các đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 03 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy), 02 thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và các huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc – Nam Đông); đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III để phát triển kinh tế, bảo tồn, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

Từ sau năm 2030 đến năm 2045, thành phố trực thuộc Trung ương với các đơn vị hành chính cấp huyện: 04 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà), 01 thành phố (Chân Mây), thị xã Phong Điền và các huyện; tập trung xây dựng thành phố Chân Mây trở thành đô thị mới, động lực phát triển kinh tế – xã hội sau năm 2030.

Từ sau năm 2045 đến năm 2065, ổn định và nâng cao chất lượng đô thị với mô hình khu vực đô thị trung tâm gồm 04 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà); 01 thành phố (Chân Mây); các thị xã và các huyện.

Thừa Thiên - Huế: Phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô
Bản đồ định hướng phát triển không gian đô thị Thừa Thiên – Huế theo đồ án Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/QĐ-TTg.

Việc thành lập 02 quận nhằm đáp ứng yêu cầu về đơn vị hành chính của đô thị trực thuộc Trung ương theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15; Các định hướng phát triển, phương án thành lập các quận, phường đã được cụ thể hóa trong Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên – Huế, Chương trình phát triển đô thị và các đồ án Quy hoạch phân khu đã được phê duyệt.

Việc phân chia 02 quận dọc theo sông Hương trên cơ sở lịch sử hình thành và phát triển các khu vực. Khu vực phía Bắc sông Hương là khu vực có Kinh thành Huế, là nơi tập trung các di tích, di sản, nhà vườn… định hướng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái, nhà vườn gắn với bảo tồn di sản; Khu vực phía Nam sông Hương là khu vực phố Pháp, khu vực phát triển mới, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 26/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã định hướng phát triển khu vực trung tâm: Hướng phát triển, mở rộng không gian chủ yếu về phía biển, trục cảnh quan chính là sông Hương.

Việc thành lập các phường: Long Hồ, Thủy Bằng, Thuận An, Hương Phong, Dương Nỗ nhằm hoàn thiện không gian phát triển đô thị liên tục lấy sông Hương làm trung tâm kéo dài từ khu vực đồi núi phía Tây tới khu vực đầm phá và ven biển phía Đông, sự kết nối hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; Việc hình thành các phường này sẽ giúp bảo tồn và khai thác tốt hơn các không gian cảnh quan, di tích, di sản và khai thác du lịch, phát triển kinh tế.

Thừa Thiên - Huế: Phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô
Phân vùng phát triển đô thị Thừa Thiên – Huế.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã triển khai nhiều hành động để thực hiện các định hướng của Trung ương và phát triển kinh tế – xã hội, đô thị của tỉnh. Qua hơn 15 năm triển khai thực hiện, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có những bước phát triển tích cực và có quá trình dài cho việc chuẩn bị phát triển lên đô thị trực thuộc Trung ương.

Về công tác quy hoạch, chương trình phát triển đô thị: Hiện nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị toàn tỉnh đạt 100%; Quy hoạch phân khu đã được phủ kín tại khu vực đô thị trung tâm như: Thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và khu vực dự kiến thành lập phường thuộc đô thị Phong Điền. Đã tổ chức lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch, chương trình phát triển đô thị.

Về phát triển kinh tế – xã hội: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2009-2024 đạt trên 7%/năm. Ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao (chiếm trên 50% cơ cấu kinh tế), đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế. Phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, chế biến sâu, có giá trị xuất khẩu; nông nghiệp phát triển theo hướng phục vụ đô thị và du lịch.

Về nâng cấp phát triển đô thị Huế và đầu tư kết cấu hạ tầng: Đã trình cấp có thẩm quyền công nhận các thị trấn mở rộng bao gồm: Phú Bài, Tứ Hạ, Thuận An đạt tiêu chí đô thị loại IV, công nhận các đô thị loại V như: Thị trấn Phong Điền, Sịa, Phú Lộc, Lăng Cô, Phú Đa, A Lưới, Khe Tre và các đô thị mới: Phong An, La Sơn, Vinh Hiền, Vinh Thanh, Thanh Hà. Thành lập thị xã Hương Trà, Hương Thủy, thị trấn Phú Đa, điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế.

Đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến công tác phát triển đô thị làm cơ sở huy động nguồn lực đầu tư và triển khai các dự án phát triển hạ tầng đô thị lõi của đô thị Thừa Thiên – Huế. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh hiện nay đạt khoảng 58% (tăng 15% so với năm 2009). Đã hình thành chuỗi đô thị động lực Phong Điền – Hương Trà – Thành phố Huế – Hương Thủy – Chân Mây Lăng Cô. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư đạt tiêu chuẩn đô thị theo quy định.

Công tác bảo tồn di tích, di sản đặc biệt được quan tâm. Giai đoạn 2009-2024, thực hiện bảo quản cấp thiết, tu bổ từng phần và tu bổ hoàn nguyên trên 200 công trình, hạng mục. Hệ thống di tích lịch sử, cách mạng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đền chùa, đền thờ, lăng miếu, phủ đệ, nhà vườn Huế, các danh lam thắng cảnh, công viên… được xây dựng và đưa vào sử dụng đã phát huy giá trị.

Việc lên đô thị trực thuộc Trung ương sẽ giúp cho Thừa Thiên – Huế tạo dựng thêm vai trò, vị thế đồng thời phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đất nước.

(Nguồn: Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên – Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I – Viện Nhà ở và Phát triển đô thị, năm 2024)

Nguồn: https://baoxaydung.com.vn

About admin

Tin liên quan

Thay đổi trong đào tạo nhân lực du lịch để đáp ứng xu thế chuyển đổi số

Để giải quyết sự thiếu hụt, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, phải …