Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / Tìm đâu sản phẩm du lịch dân dã của Huế ?

Tìm đâu sản phẩm du lịch dân dã của Huế ?

     Huế – Cố đô thanh lịch- nơi hội tụ một trong những kỳ quan kì diệu của đất nước và của thế giới – với những cổ tích tráng lệ nguy nga, vừa thâm trầm, vừa duyên dáng, vừa hài hoà với cảnh thiên nhiên có một không hai, đến với những con người kín đáo, e ấp, ít nói nhưng ẩn chứa bên trong là cả bầu trời “thơ và nhạc”.

     Nói sao cho hết tuyệt tác của thiên nhiên hoà hợp với sáng tạo của con người. Đến với Huế là đến với những con người Huế đang mong đón bạn, từ mọi miền xa xôi của đất nước. Những con người của một vùng đất nghèo của cải nhưng lại giàu tai ương của thời tiết. Yêu cầu sinh tồn đã hun đúc người dân Huế thành con người kiên gan bền chí, nhẫn nại và đầy lòng yêu thương. Tạo hoá đã ban tặng cho xứ Huế nhiều thắng cảnh tuyệt vời, thế giới lại ban tặng cho Huế là di sản văn hoá của nhân loại. Đó là lý do tại sao người ta không thể không đến Huế dù chỉ là một lần trong đời. Để khám phá chiều sâu của Huế trong quá khứ, hiện tại và tương lai, trong bài viết này các bạn sẽ lần theo dấu vết thời gian và không gian để thấy được tiềm năng đang còn ẩn chứa của Huế trong sự phát triển du lịch của cả nước để đoán được tương lai của Huế. Tuy nhiên, tại sao người ta chỉ đến Huế một lần và không bao giờ có ý nghĩ quay lại Huế? Nhiều câu hỏi tại sao cho vấn đề này. Tại sao ư?

     Một lý do duy nhất rất dễ hiểu nhưng chưa ai cải thiện được là sản phẩm du lịch của Huế quá nghèo nàn. Sự hiếm hoi của những nơi vui chơi giải trí lành mạnh và lý thú, sự nhàm chán khi tham quan mãi những nơi quen thuộc như Đại Nội, lăng tẩm, chùa chiền…làm cho du khách không còn mặn mà quay lại Huế lần hai hay lần ba. Vấn đề là làm sao tăng sự thu hút khách du lịch, tăng số ngày lưu trú của khách, khuyến khích khách du lịch mua sắm, tiêu pha…là một vấn đề quan trọng, nếu không muốn nói là sự sống còn của ngành du lịch Huế nói riêng và nền kinh tế Huế nói chung. Vùng đất Huế không có nhiều tiềm năng kinh tế, đất không nhiều lại cằn cỗi: công, nông, ngư nghiệp đều không phát triển thì du lịch là một cứu cánh lớn để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, vấn đề này từng được chứng minh.

     Vậy thì tạo những chỗ vui chơi giải trí lý thú và lành mạnh cho Huế ban ngày cũng như ban đêm cũng như tạo điều kiện cho người dân Huế mạnh dạn đầu tư khai thác du lịch, giáo dục các tầng lớp nhân dân góp phần vào lợi ích chung của thành phố, không thờ ơ trước xu hướng phát triển chung, sửa chữa đường xá, tổ chức các tuyến xe bus, tạo thông thoáng không gian trong giao thông…là việc làm đáng được các cấp chính quyền quan tâm. Bên cạnh đó là việc giữ gìn vốn văn hóa, vật thể cũng như phi vật thể và phát huy tác dụng của các vốn văn hóa này là rất cần thiết vì chúng ta không thể bó hẹp trong các di tích đã được xếp hạng của quần thể di tích do Nhà Nguyễn để lại, việc mở rộng phạm vi hoạt động du lịch xa hơn là điều cần làm ngay nhằm đặt di tích cung đình Huế vào trong bối cảnh chung của tổng thể văn hóa của thành phố nói riêng và toàn vùng Miền Trung nói chung. Hãy mở lòng để khám phá Huế và chia sẻ nhiều điều còn chưa biết về Huế.

     Đến với Huế là đến với sự tồn tại của nhiều ngôi làng cổ: gần ngay thành phố là Kinh Long, Nguyệt Biều, Dương Nổ, xa hơn thì có làng Mỹ Xuyên, Phước Tích, Hiền Lương…tuy các làng này cũng chịu nhiều biến thiên theo dòng xoáy của sự hiện đại hóa nhưng vẫn còn lưu giữ những nét đặc trưng của làng quê vùng Thừa Thiên Huế. Từ bên trong các ngôi làng này chúng ta có thể bắt gặp hơi thở của cuộc sống dân dã, bình yên của đời sống làng quê mà ở thành phố chúng ta không thể tìm ra được. Hơn thế nữa, chúng ta có thể lĩnh hội nhanh chóng nhiều điều bổ ích về những vấn đề về văn hóa nhà vườn vì nhà vườn là một vũ trụ thu nhỏ thể hiện quan niệm sống, trình độ thẩm mỹ của gia chủ. Vì vậy, nó rất phong phú và hàm chứa nhiều tính chất triết lý. Vườn Huế có mặt khắp nơi và ngay cả tại trung tâm thành phố và rất dễ giới thiệu.

     Nghề thủ công truyền thống với nghề đúc đồng, nghề đồ gốm làm từ đất nung, chằm nón, thuê ren, làm đồ kim hoàn, rèn kim loại.là những chủ đề lý thú để khám phá và tìm hiểu đối với du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, sản phẩm của các làng nghề truyền thống này hoàn toàn có thể đạt đến chất lượng cao của hàng mỹ nghệ cao cấp phục vụ du lịch. Phường Đúc, Thủy Xuân, Thành Lồi, Phú Cam…cũng cần phải khuyến khích thợ thủ công giữ lại bản sắc nghề cũng như bản sắc của làng của vùng đất, kết hợp hài hòa sự phát triển kinh tế mà không làm hỏng bản sắc cũng như môi trường, không thương mại hóa các đặc điểm văn hóa.

     Kiến trúc truyền thống với đủ các loại hình kiến trúc: nhà rường, nhà tranh tre, nhà gỗ mái ngói, …đủ loại công năng: đền, đình, am miếu, chùa nhà thờ, nhà ở, nơi thưởng ngoạn…cũng là tuyến tham quan khá thú vị và đầy lý thú. Một làng quê ven sông, sự bố trí mặt bằng của làng tiện lợi cho sinh hoạt của người dân, kết hợp với các yếu tố kiến trúc: Dương Nổ, Kim Long, Vạn Xuân, xa hơn thì An Lỗ, Mỹ Xuyên, Phước Tích…       Và cuối cùng, nghệ thuật ẩm thực dân gian, cung đình, các mộc mạc quê mùa cũng không kém giá trị bên cạnh cái cầu kỳ tô vẽ…Nhu cầu tìm về với những giá trị truyền thống càng ngày càng lớn, biết trân trọng những giá trị này và làm người khác cảm nhận được là nhiệm vụ của người làm văn hóa và du lịch, trong đó có sự đóng góp to lớn và không thể không kể đến là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, họ là người truyền tải cái đẹp, cái chân chất giản dị ấy đến với du khách trong và ngoài nước. Du khách đến Huế không đến với những sản phẩm truyền thống mà đến Huế vì những sản phẩm dân gian vô cùng độc đáo, mang hơi thở của đồng quê xứ Huế rất đơn sơ và mộc mạc này….

 

Th.S Nguyễn Thị Ngọc Cẩm – Bộ môn Lữ hành và Hướng dẫn 

About Khoa Lữ hành

Tin liên quan

Mô hình hỗ trợ người học của Trường Du lịch – Đại học Huế: Cánh cửa mở ra bầu trời mới

Cánh cửa mở ra bầu trời mới đã giúp khám phá thêm tri thức, để …