TTH – Cùng với các lĩnh vực, giáo dục đại học (ĐH) đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nền tảng ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình và xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy, học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐH Huế tiếp cận văn hóa đọc 4.0 qua việc sử dụng mã QR vào thư viện điện tử
Chuyển động từ các cơ sở đào tạo
Tham gia chương trình hưởng ứng Ngày sách Việt Nam của ĐH Huế năm 2021, điều ấn tượng là ngoài hơn 400 đầu sách được trưng bày, thư viện một số trường còn có ứng dụng mã QR để bạn đọc truy cập thư viện điện tử. Ông Trần Bình Tuyên, Quyền Giám đốc Nhà xuất bản ĐH Huế cho biết, chuyển động từ thư viện số là bước tiến mang lại nhiều cơ hội cho giảng viên, sinh viên trong việc tiếp cận tài liệu.
Thư viện điện tử được nhiều trường ĐH tại Huế triển khai những năm qua nhưng phát triển mạnh trong giai đoạn hiện nay. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, đại diện bộ phận thư viện Trường Du lịch – ĐH Huế cho biết, thời gian qua việc số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu tạo ra thư viện điện tử thuận lợi cho cán bộ, giảng viên khi họ có thể truy cập từ xa, không cần phải đến thư viện. Nguồn tài nguyên bao gồm 1.700.000 tài liệu gồm giáo trình, luận văn, báo cáo về nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ thông tin, Văn hóa nghệ thuật, Ngoại ngữ, Kỹ năng sống… Đặc biệt, trang điện tử thư viện số của trường là nguồn tài liệu tham khảo tốt cho các chuyên ngành đào tạo của trường. “Với việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện, bạn đọc có thể khai thác nguồn tài nguyên thư viện số của hơn 100 trường ĐH, cao đẳng trong hệ thống liên kết của tailieu.vn”, bà Ngọc cho hay.
Cùng với thư viện số, công tác đào tạo trực tuyến đã được triển khai ở hầu khắp các đơn vị, ngành nghề cũng ghi dấu ấn trong chương trình chuyển đổi số. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, từ năm 2020, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong nước, các trường đã đẩy nhanh quá trình chuyển sang đào tạo trực tuyến, xây dựng bài giảng trực tuyến, hệ thống quản lý học tập và hệ thống quản lý nội dung học tập với đầy đủ công cụ học liệu qua các hệ thống, phần mềm; hầu hết các học phần, nhất là lý thuyết đã được xây dựng bài giảng trực tuyến. Cùng với đào tạo ĐH thì ĐH Huế cũng nghiên cứu để triển khai đào tạo trực tuyến với bậc cao học.
Theo đại diện các trường ĐH, hiện nay, mặc dù trở lại dạy tập trung trong bối cảnh bình thường mới, nhưng cùng với sự hoàn thiện của các hệ thống, phần mềm dạy trực tuyến, khả năng liên kết, phát triển của thư viện số, nhiều đơn vị cũng áp dụng song song việc dạy trên lớp và tương tác, trao đổi bài tập qua hệ thống đào tạo trực tuyến. “Việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy hỗ trợ khá tốt cho giảng viên, sinh viên, đặc biệt là ở môi trường đào tạo ĐH, cần sự tương tác nhiều giữa người dạy và người học”, ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế đánh giá.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 749/QĐ-TTg (ngày 3/6/2020), giáo dục là một trong tám lĩnh vực trọng tâm, cần ưu tiên. Trong đó, phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa là một trong những hướng đi được nhắc tới.
Ở các trường ĐH, song song với nhiệm vụ đào tạo còn có nghiên cứu khoa học, vì vậy, việc chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học đều rất quan trọng. Hiện, những kết quả đã đạt được từ các thư viện điện tử và đào tạo trực tuyến mới là những chuyển động khởi đầu cho một hành trình dài trong chuyển đổi số của giáo dục ĐH.
Bà Ngọc cho rằng, với thư viện số, ngoài bước đi đã làm được là số hóa và xây dựng dữ liệu, điều quan trọng tiếp theo là phải tìm các giải pháp để quản lý và khai tốt cơ sở dữ liệu được số hóa, ứng dụng trên các thiết bị công nghệ thông tin để khai thác. Điều cần quan tâm là phải tiếp tục ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống thư viện thông minh.
Để chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục hiệu quả, các trường cũng cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy – học. Bên cạnh đó, phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Theo đại diện ĐH Huế, thời gian tới, bên cạnh việc số hóa, xây dựng, cập nhật học liệu số, cũng sẽ dần hoàn thiện quy định chương trình học trực tuyến, kiểm tra đánh giá trực tuyến, kiểm định chất lượng học trực tuyến.
Bài, ảnh: Hữu Phúc
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/giao-duc-dai-hoc-day-nhanh-chuyen-doi-so-a99563.html