Hội nhập đã trở thành xu thế tất yếu trong quá trình phát triển du lịch, đặc biệt ở các nước coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong thời gian qua, du lịch Việt Nam đã có những bước tiến lớn trên con đường hội nhập quốc tế.
Đứng trước bối cảnh hội nhập với nhiều cơ hội và thách thức, ngày 09 tháng 04 năm 2017 Khoa Du lịch đã tổ chức buổi giao lưu với PGS. TS. Phạm Trung Lương – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tại Hội trường tầng 5, Khoa Du lịch – Đại học Huế.
Chương trình giao lưu có sự góp mặt của PGS.TS. Bùi Thị Tám – Khoa Trưởng Khoa Du lịch; PGS.TS. Trần Hữu Tuấn – Phó Khoa Trưởng Khoa Du lịch; nhiều giảng viên trẻ; học viên lớp cao học và gần 200 sinh viên thuộc các chuyên ngành của Khoa tham gia.
Thông qua buổi tọa đàm, PGS. TS. Phạm Trung Lương đã có những chia sẻ hữu ích liên quan đến quá trình hội nhập quốc tế của du lịch Việt Nam với ba nội dung chính: Thực trạng hội nhập của du lịch Việt Nam; Những vấn đề đặt ra đối với du lịch Việt Nam và một số giải pháp tăng cường hội nhập đối với ngành du lịch.
Du lịch Việt Nam hiện đã có những bước dài trên con đường hội nhập quốc tế với những dấu mốc quan trọng: Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN, đánh dấu bước đi đầu tiên quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; Năm 2006, Việt nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Năm 1981, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO); Và năm 1989 Việt Nam gia nhập Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA). Quá trình hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều cơ hội lớn cho ngành du lịch Việt Nam trong việc mở rộng thị trường du lịch quốc tế, kết nối tour và cung cấp dịch vụ ngoài biên giới, tiếp nhận công nghệ và tạo động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh. Những thuận lợi khi hội nhập quốc tế là không thể phủ nhận, tuy nhiên ngành du lịch cũng đang đối mặt với một số thách thức khi mức độ cạnh tranh và mức độ phụ thuộc thị trường gia tăng, tăng sức ép môi trường cũng như tác động đến công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Tại buổi làm việc, PGS.TS. Phạm Trung Lương chỉ rõ những vấn đề mang tính chủ quan đặt ra đối với du lịch Việt Nam trong thời gian qua, cụ thể như: Sự hạn chế trong nhận thức xã hội về du lịch; Tổ chức bộ máy thiếu ổn định; Nguồn nhân lực cho ngành du lịch chưa đáp ứng nhu cầu xã hội cả về số lượng lẫn chất lượng; Thiếu kinh nghiệm trong xây dựng sản phẩm đặc thù và thương hiệu du lịch; Tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến quảng bá còn thấp; và tồn tại nhiều bất cập trong hoạt động liên kết phát triển du lịch.
Từ những vấn đề đặt ra này, PGS.TS. Phạm Trung Lương đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hoạt động hội nhập quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, tiêu chuẩn nghề mang tầm khu vực và quốc tế. PGS.TS. Phạm Trung Lương cũng đã nhấn mạnh về vai trò, vị trí của Khoa Du lịch – Đại học Huế – là một trong những cơ sở trọng điểm đào tạo nhân lực ngành du lịch ở khu vực miền Trung, do đó trong tương lai Khoa cần bám sát tình hình hoạt động thực tiễn của ngành du lịch để điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo, đáp ứng theo nhu cầu của xã hội đối với nguồn nhân lực du lịch.
Bài chia sẻ của PGS. TS. Phạm Trung Lương đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của đông đảo giảng viên trẻ, học viên lớp cao học và sinh viên của Khoa Du lịch. Kết thúc chương trình giao lưu và trao đổi, PGS.TS. Bùi Thị Tám đã gửi lời cám ơn đến PGS. TS. Phạm Trung Lương và hy vọng Thầy sẽ tiếp tục chia sẻ thêm nhiều chuyên đề bổ ích về hoạt động du lịch cho giảng viên và sinh viên Khoa Du lịch trong thời gian sắp đến.
Nguyễn Thị Minh Phương
Tổ KH – HTQT