Tại Việt Nam, song song với tình trạng chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua, ngành du lịch trong nước đã nỗ lực chủ động thích ứng và khôi phục hoạt động trong tình hình mới. Tháng 12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 4698/BVHTTDL-TCDL về việc khôi phục du lịch nội địa, đồng thời phối hợp cùng các doanh nghiệp, địa phương để đẩy mạnh truyền thông nhằm xóa dần tâm lý e ngại của người dân.
DU LỊCH VIỆT NAM TÁI MỞ CỬA TRONG ĐIỀU KIỆN “KHÁT” NHÂN LỰC
Trung tuần tháng 02/2022, Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế để khôi phục đường bay quốc tế được cộng đồng doanh nghiệp nhiệt tình đón nhận, trong đó có doanh nghiệp du lịch, lữ hành.
Ngành du lịch Việt Nam cũng phấn đấu trong năm 2022 đón 65 lượt triệu khách du lịch; trong đó, khoảng 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, bằng 150% so với năm 2021, tổng nguồn thu từ khách du lịch dự kiến đạt 400.000 tỷ đồng.
Trong tình hình “hậu Covid-19” như trên, ngành du lịch đang nỗ lực để “vực dậy” chính mình sau thời gian gần hai năm bị ngừng trệ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia về thị trường lao động, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, trong bối cảnh chung hiện nay, thật sự là Việt Nam rất thiếu nhân lực có trình độ, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm trong ngành du lịch.
Ông Trần Anh Tuấn phân tích: Ngành du lịch Việt Nam đang tham gia vào quá trình hội nhập ASEAN thông qua Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau (MRA-TP), cho phép dịch chuyển lao động du lịch giữa các nước trong khu vực ASEAN.Cơ hội là thế nhưng thách thức lại không hề nhỏ, nhất là đối với nguồn lao động du lịch trong nước. Bởi theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng chung chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam vẫn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành du lịch trong nước”.
Vẫn theo ông Tuấn, các doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp kinh doanh khách sạn vẫn trong tình trạng “khát” nhân lực làm được việc thiếu chuyên nghiệp, tính kỷ luật lao động kém, thái độ phục vụ chưa chu đáo. Việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công việc của lao động Việt Nam còn rất hạn chế (lao động sử dụng được ngoại ngữ chỉ chiếm khoảng 57%).
Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Thế nhưng, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15 nghìn người/năm; trong số đó, chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng,… nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ.
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu là, phấn đấu đến năm 2030, du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Cũng theo Chiến lược Phát triển du lịch, tổng thu từ khách du lịch đạt từ 3.100 – 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương từ 130 – 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân từ 11-12%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt từ 15 – 17%; tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm…
NHÂN LỰC NGÀNH DU LỊCH CHIẾM 8% TRONG TỔNG NHU CẦU NHÂN LỰC
Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, để thích ứng với dịch Covid-19, cần tập trung kích cầu thị trường khách nội địa với các sản phẩm và dịch vụ chất lượng, song song với việc bảo đảm an toàn cho du khách.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cần tập trung xây dựng các sản phẩm mới, như: Sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh gắn với các dịch vụ tắm khoáng, tắm thuốc, thiền dưỡng sinh, chữa bệnh… “Đây là dòng sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn sau khi đại dịch Covid-19 đã được khống chế vào năm ngoái.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch thể thao, giải trí cũng trở nên phổ biến hơn do nhu cầu rèn luyện sức khỏe của du khách ngày càng tăng. Một xu hướng khác đang “lên ngôi”, đó là “du lịch thông minh” với các trải nghiệm đa dạng bằng công nghệ số, thực tế ảo,… được cho là khá phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Mùa tuyển sinh năm 2021, khối ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vẫn là sự lựa chọn của đông đảo thí sinh, dù đây là lĩnh vực đang chịu nhiều thiệt hại và gần như “đóng băng”, do dịch Covid-19.
Theo số liệu công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021, đã có 199.166 nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ cá nhân; trong đó có 48.334 thí sinh lựa chọn nguyện vọng 1. Năm nay 2022, có 24.036 chỉ tiêu cho nhóm ngành này.
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại, tác động nặng nề đến nền kinh tế, mà trực tiếp và nặng nề nhất là lĩnh vực du lịch song đây chỉ là tạm thời và tiềm năng phát triển ngành du lịch, khách sạn… vẫn còn dư địa rất lớn.
Điều đáng lo ngại là khi dịch Covid-19 qua đi, du lịch phục hồi, theo ông Tuấn là, ngành du lịch lại đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực để “tái thiết”. Để khắc phục, vị chuyên gia này kiến nghị hệ thống đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp cùng các doanh nghiệp du lịch cần tăng cường gắn kết triển khai đào tạo nhân lực bằng nhiều hình thức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại cho nguồn nhân lực du lịch. Điều này nhằm nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về cách mạng công nghệ số với ngành du lịch; nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong công việc của người lao động ngành du lịch; nâng cao trình độ, hiểu biết của người lao động về những công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghệ số và khả năng ứng dụng vào ngành du lịch.
Chuyên gia Trần Anh Tuấn dự báo, trong giai đoạn 2022 – 2030 nhu cầu nhân lực khối ngành du lịch chiếm tỷ trọng 8% trong tổng số nhu cầu nhân lực.
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại, tác động nặng nề đến nền kinh tế, mà trực tiếp và nặng nề nhất là lĩnh vực du lịch song đây chỉ là tạm thời và tiềm năng phát triển ngành du lịch, khách sạn… vẫn còn dư địa rất lớn.
Nguồn: https://vitea.vn