Trang chủ / Tin tức / Tin HUHT / Nan giải nhân lực du lịch khi “Bình thường mới”

Nan giải nhân lực du lịch khi “Bình thường mới”

  Nhân lực ngành du lịch vốn là bài toán chưa có lời giải, nay thêm tác động của đại dịch Covid -19 khiến cho nhân lực toàn ngành trở nên thiếu hụt trầm trọng. Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và chính sách kích cầu du lịch của nhiều địa phương đã đẩy nhanh hoạt động du lịch cuối năm 2021 đầu năm 2022. Một câu hỏi đặt ra, khi du lịch phục hồi, nhân lực sẽ trông vào đâu?

 Nhân lực thiếu càng thêm thiếu

  Dưới tác động của đại dịch Covid -19, ngành du lịch đã chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân lực lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, cuối năm 2021, có hơn 300 doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, gần 20% doanh nghiệp du lịch trên cả nước phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% doanh nghiệp cho 50% – 80% nhân viên nghỉ việc. Nhiều doanh nghiệp đã phải tinh giản bộ máy, sắp xếp lại vị trí việc làm hoặc chủ động chuyển đổi phương thức kinh doanh nhằm cố gắng giữ lại những nhân sự cốt cán để không mất nhiều thời gian tìm kiếm, đào tạo lại khi du lịch phục hồi. Đây là hướng giải pháp cần thiết và là cách để doanh nghiệp có được nguồn nhân lực du lịch theo đúng yêu cầu của đơn vị mình cho thời kỳ hậu Covid-19.

  Thực tế, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều lao động sẵn sàng quay trở lại với nghề, song cũng có không ít trường hợp đã thích nghi với công việc mới và từ bỏ ý định quay trở lại du lịch. Điều này có nghĩa trong vài năm tới, số lượng lao động bổ sung mới cho ngành du lịch sẽ thiếu hụt. Nhân lực du lịch vốn đã yếu nay càng thiếu trầm trọng hơn. Rõ ràng, “lỗ hổng” lớn về nhân lực du lịch sau đại dịch là nguy cơ không thể phủ nhận. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn nhân lực du lịch lâu nay vốn đã thiếu và yếu, nay lại gặp “bão Covid” nên ngoài sự sụt giảm mạnh về số lượng còn có sự hao mòn lớn về chất lượng khi kỹ năng nghề nghiệp, tác phong phục vụ không có điều kiện được mài giũa thường xuyên. Để tìm ra đáp án cho bài toán nan giải về nhân lực cần sự chung tay của các ban, ngành, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch, đảm bảo sự vận hành lại ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

hdv-dl

Nhân lực ngành du lịch được dự báo sẽ thiếu hụt trầm trọng sau đại dịch Covid -19

Chiến lược mới của các doanh nghiệp du lịch

  Theo các doanh nghiệp du lịch, dịch Covid -19 đang khiến thói quen du lịch của mọi người thay đổi, đồng thời xuất hiện những xu hướng du lịch mới, trong đó xu hướng bảo đảm an toàn được đặt lên hàng đầu. Vì thế, khi xây dựng kịch bản phục hồi, các doanh nghiệp du lịch cũng đang tính toán phương án sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với sự thay đổi này.

  Để chuẩn bị cho việc phục hồi du lịch, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên phương án đào tạo, trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng mới cho nhân viên nhằm đáp ứng những đòi hỏi của du lịch trong điều kiện bình thường mới như thường xuyên đào tạo các kỹ năng xây dựng, quảng bá sản phẩm, các yếu tố cần thiết để bảo đảm thực hiện tour du lịch an toàn, cách xử lý tình huống phát sinh khi có ca nghi nhiễm Covid-19…

  Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng dành nhiều thời gian để xây dựng, sửa chữa các công trình khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, chuẩn bị những sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, triển khai công nghệ thông tin để nâng cấp trải nghiệm khách hàng, tăng cường xu hướng thao tác “không chạm, một chạm”, đảm bảo an toàn cho du khách.

Nhiều doanh nghiệp du lịch đã tiến hành các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách  (Ảnh: Thu Hương)

 Đào tạo nhân lực thích ứng với điều kiện mới

  Theo các chuyên gia, để giải quyết tình trạng thiếu hụt và nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, chỉ riêng sự cố gắng của các doanh nghiệp là chưa đủ, cần phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành, hiệp hội và các cơ sở đào tạo du lịch để có những giải pháp đào tạo đồng bộ và quy mô. Cần tổ chức điều tra, đánh giá và dự báo phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển của công nghiệp 4.0.

  Trong đó, sự chủ động thích ứng và thay đổi của các cơ sở đào tạo du lịch đóng vai trò trọng yếu. Tác động của đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, đòi hỏi các cơ sở đào tạo du lịch phải nhanh chóng thích ứng với bối cảnh, tranh thủ tiến bộ của khoa học – công nghệ để đẩy nhanh khả năng thích ứng và kiểm soát chất lượng đào tạo. Các cơ sở đào tạo cần tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, doanh nhân trong đào tạo nhân lực ngành du lịch, góp phần đạt mục tiêu chung trong thời gian tới.

Minh Nhật (Khoa QLSK&CNTT)

About Khoa QLSK&CNTT

Tin liên quan

Hội thảo chuyên gia “PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÀU BIỂN TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ”

Vào lúc 8h00 ngày 17 tháng 11 năm 2024, Hội thảo tham vấn chuyên gia …